Ðể nghề nuôi ngao phát triển bền vững (kỳ 1)
Cập nhật lúc 10:33, ngày 21/06/2022 (GMT+7)
Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã xác định phát triển nuôi ngao thành ngành hàng chủ lực, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng dân cư ven biển. Nhờ đó, người nuôi đã làm chủ được công nghệ nhân tạo giống, vùng nuôi được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC… Tuy nhiên, nghề nuôi ngao của tỉnh đang gặp phải một số khó khăn do biến đổi khí hậu, con giống bị thoái hóa, cơ sở hạ tầ

 Bài I: Những bước tiến quan trọng của nghề nuôi ngao

Với 72km bờ biển và 3 cửa sông lớn là: Ba Lạt, Ninh Cơ và cửa Đáy, hàng năm bờ biển Nam Định thường xuyên được bồi tụ hàng triệu mét khối phù sa đã hình thành nên các vùng bãi bồi ven biển rộng lớn. Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để các địa phương phát triển kinh tế thủy sản nói chung và nghề nuôi ngao nói riêng. Từ năm 1992 nghề nuôi ngao ở tỉnh ta bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa; đến năm 2004 đã có bước phát triển mới khi du nhập và nuôi ngao trắng Mertrix lyrata. Nghề nuôi ngao thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 đến nay trở thành con nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động; nhiều hộ đã làm giàu từ con ngao. Nhận thức được tầm quan trọng của nghề nuôi ngao trong quá trình phát triển ngành thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã thành lập Ban chỉ đạo Sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, Ban chỉ đạo Giám sát an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Tại các huyện đã thành lập Ban giám sát và có các trạm thủy sản. Các Ban chỉ đạo được thành lập và đi vào hoạt động đã tổ chức tốt thực hiện công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo phát triển sản xuất nuôi thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng theo đúng quy hoạch, định hướng của ngành. Đội ngũ cán bộ các ban giám sát, các trạm thủy sản thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các hiệp hội nuôi thủy sản để triển khai hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, lựa chọn nguồn giống, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát môi trường nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ nuôi ngao và vận động người nuôi ngao tham gia chuỗi liên kết sản xuất để phát triển nghề nuôi ngao bền vững. Được sự hỗ trợ của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT), hàng năm Sở NN và PTNT đã triển khai chương trình giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ một cách bài bản, chặt chẽ và hiệu quả. Nhờ đó trong 10 năm qua, các nguồn gây ô nhiễm, tảo độc và độc tố sinh học biển được kiểm soát, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng về mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường nuôi ngao. Việc quan trắc, cảnh báo các yếu tố môi trường và phòng, chống dịch bệnh được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người nuôi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, các sản phẩm ngao nuôi của tỉnh đủ tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc, góp phần nâng cao đáng kể giá trị ngao nuôi.


Lựa chọn phân loại ngao tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam,
Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).

 

Trước năm 2007, nguồn giống ngao của tỉnh ta chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khai thác từ tự nhiên nên sản lượng không ổn định, chất lượng không đồng đều và không đáp ứng yêu cầu phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Để bảo nguồn giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất ngao thương phẩm và khai thác tốt tiềm năng vùng nuôi, Sở NN và PTNT đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất giống ngao; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn hợp tác với các đơn vị nghiên cứu phát triển sản xuất, ương dưỡng giống ngao. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 86 cơ sở tham gia sản xuất giống ngao cung cấp đủ nguồn giống đạt chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, sản lượng ngao giống sản xuất của toàn tỉnh đạt 12 tỷ 500 triệu con, tăng 5% so với năm 2020. Người dân đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất ngao giống; chất lượng con giống ngày càng được bảo đảm, góp phần chủ động và bảo đảm xuống giống nuôi đúng khung thời vụ tốt nhất. Cùng với việc bảo đảm nguồn cung con giống, đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng các vùng nuôi, với sự nỗ lực của tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND huyện Nghĩa Hưng và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” quy mô 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao. Chứng nhận ASC được ví như thẻ “Visa VIP” để các sản phẩm ngao Nam Định đi vào thị trường các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng thành công thương hiệu “Ngao sạch Giao Thủy”, “Ngao sạch Lenger” được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Nhờ có sự minh bạch thông tin và tổ chức kiểm soát tốt môi trường nuôi, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn thực phẩm và vùng nuôi ngao được quốc tế chứng nhận, thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm có bước phát triển mạnh mẽ ở cả trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) khẳng định: Nam Định đã trở thành vùng cung cấp lớn nguồn ngao nguyên liệu cho xuất khẩu và các doanh nghiệp chế biến. Từ năm 2019, Nam Định đã chứng nhận xuất xứ cho 26 nghìn tấn ngao, chiếm 72% sản lượng ngao của tỉnh phục vụ xuất khẩu và chế biến tiêu dùng nội địa. Sản lượng ngao chế biến xuất khẩu và tiêu thụ của Công ty liên tục tăng qua các năm đã góp phần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi và tiêu thụ nội địa sản phẩm ngao của tỉnh. Trong 2 năm 2020-2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, các chuỗi tiêu thụ nhưng Công ty vẫn chế biến xuất khẩu được trên 5.420 tấn ngao, doanh thu đạt trên 11 triệu USD; 1.000 tấn ngao tiêu thụ ở thị trường nội địa với doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng… Nhờ đó, năm 2021 tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 31% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm và hướng đầu tư đúng đắn trong phát triển nghề nuôi ngao của tỉnh, ngành Nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi ngao. Ngao nuôi đang dần trở thành con nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng nuôi.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
 Văn Đại

Nguồn: baonamdinh.com.vn