Giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh Nam Định
Từ ngày có Đảng và từ trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ tĩnh (1930 - 1931) phong trào khởi nghĩa của nông dân Tiền Hải Thái Bình và tiếng trống Bồ Đề của Nông dân Hà Nam đã lan toả đến nông dân Nam Định do bọn địa chủ, cường hào phong kiến phản động cấu kết chặt chẽ với bọn thực dân phong kiến chiếm đoạt ruộng đất bóc lột, thuế khoá nặng nề khiến cho đời sống của nông dân vô cùng cay đắng, tủi nhục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân Nam Định đã tập hợp lại trong các tổ chức như: Hội cấy, Hội hiếu hỉ, Nông hội, đấu tranh mạnh mẽ đòi quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc trong điều kiện hết sức khó khăn, địch điên cuồng khủng bố, nhưng hàng ngàn Nông dân Nam Định vẫn giương cao cờ, biểu ngữ, biểu tình tuần hành đòi giảm sưu cao, thuế nặng ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào nông dân Tiền Hải - Thái Bình. Lúc này bên cạnh việc thành lập các chi bộ Đảng thì tổ chức Nông Hội đỏ cũng đã được thành lập và hoạt động tích cực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nông dân khắp nơi trong tỉnh đã chớp thời cơ cùng với các đội tự vệ đỏ, Công Hội đỏ và lực lượng vũ trang đứng lên tổng khởi nghĩa lật đổ “Ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến” giành lại chính quyền về tay nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sau khi giành được chính quyền và chính quyền Cách mạng vừa được thành lập còn non trẻ đã phải đương đầu với muôn vàn thử thách thù trong giặc ngoài. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Nông dân Nam Định đã anh dũng đứng lên cùng nhân dân cả nước huy động sức người, thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nông dân Nam Định đã đóng góp hơn 70 ngàn tấn lương thực, tiễn đưa hơn 18 ngàn thanh niên tòng quân giết giặc và hơn 2 vạn dân công hoả tuyến, TNXP…
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cùng cả nước bước vào giai đoạn mới đó là thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam.
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, nông dân Nam Định đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống mù chữ, đói nghèo, bệnh tật, chống âm mưu dụ dỗ di cư vào Nam. Trong cải cách ruộng đất, xây dựng HTX nông nghiệp, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) đã được nông dân Nam Định tích cực hưởng ứng, các phong trào như xây dựng HTX, thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã được phát động rộng rãi trong nông dân thực hiện có hiệu quả. Nhiều điển hình mới về nông nghiệp xuất hiện, năng suất lúa đạt dược đỉnh cao mới. Từ năm 1965 - 1975 nông dân Nam Định nói riêng nông dân Nam Hà nói chung (sát nhập Nam Định với Hà Nam đổi tên thành Nam Hà từ tháng 4/1965 đến cuối năm 1976) sát cánh cùng toàn dân, toàn quân vừa sản xuất vừa chiến đấu “Tay cày, tay súng” đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, cùng bộ đội chủ lực bắn cháy hàng trăm máy bay, tàu chiến của địch.
Sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nông dân lại tích cực khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, dồn sức chi viện cho miền Nam, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nam Định (chủ yếu là nông dân) đã đưa hơn 164 ngàn con em lên đường tòng quân giết giặc, chi viện mỗi năm hàng trăm ngàn tấn lương thực và thực phẩm cho chiến trường.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng với việc tham gia xây dựng HTX, nông dân Nam Định nói riêng, nông dân Hà Nam Ninh nói chung (từ cuối năm 1976 sát nhập tỉnh Ninh Bình với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh đến tháng 4 năm 1992) tiếp tục được tập hợp nông dân tham gia tổ chức “Hội Nông dân tập thể” và tiếp đó là Hội liên hiệp nông dân tập thể. Đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 100 (8/1981) của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết 10 (4/1988) của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, được giai cấp nông dân đồng tình hưởng ứng, Nghị quyết 10 của Đảng như đã thổi một luồng gió mới đến với người nông dân cả nước nói chung và nông dân Nam Định nói riêng. Và cũng từ đó, đời sống nông dân được cải thiện, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ.
Từ tháng 4 năm 1992 tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình (tỉnh Nam Hà từ tháng 4 năm 1992 đến tháng 4 năm 1997). Từ tháng 4 năm 1997, tỉnh Nam Hà tách thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam.
Qua thời gian phấn đấu xây dựng, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tổ chức thành công 10 kỳ Đại hội đại biểu, đó là những mốc son, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của các cấp Hội trong tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng thời kỳ cách mạng.
Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, do có những thành tích xuất sắc đóng góp vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh và phong trào nông dân cả nước. Hội Nông dân Nam Định đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động (Năm 1995 Huân chương Lao động Hạng ba, năm 2000 Huân chương Lao động Hạng nhì, năm 2005 Huân chương Lao động Hạng nhất), cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2007 và nhiều năm liên tục được UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc.
Đặc biệt ngày 13 tháng 08 năm 2012, Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 1170/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.