Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật lúc 9:38, ngày 21/03/2022 (GMT+7)
Phát triển các vùng nông nghiệp tập trung là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa các tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất lao động đã và đang được coi là bước đột phá để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.


 

Dây chuyền sấy lúa tại cơ sở chế biến lúa gạo của ông Trần Văn Rự, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng).

Hơn 10 năm trở lại đây, mức cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh về số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn trong nhiều khâu sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện tỉnh có trên 5.700 máy kéo, 1.068 máy gặt đập liên hợp, 220 máy cấy lúa bằng mạ khay, 8.300 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, trên 95 máy sấy lúa tĩnh vỉ ngang (lò sấy) và 1 tháp sấy có công suất trung bình từ 15-20 tấn thóc/mẻ đã đưa cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; khâu gieo cấy đạt 10-15%; khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 96%; mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo, ngô, rau giảm lần lượt còn 7%, 10%... Chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại tập trung. Các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh tích cực áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín với tổng số 7.500 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động; 1.420 hệ thống làm mát và vệ sinh chuồng nuôi. Trong đó 100% hộ nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động. Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đạt tỷ lệ trên 40% chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình và trang trại, gia trại với 1.140 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc, 400 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ). 100% diện tích nuôi thủy sản được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu đào, nạo vét ao, hồ. Đối với diện tích nuôi công nghiệp có  trên 1.725 máy sục khí đảo nước, 408 máy chế biến thức ăn thủy sản đưa tỷ lệ sục khí ao đầm đạt 100%, cung cấp nước đạt 60%, sản xuất và chế biến thức ăn đạt 70%. Hiện toàn tỉnh có trên 2.137 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó 526 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác ở vùng khơi được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại như: máy đo độ sâu - dò cá, máy thông tin liên lạc, thiết bị hải trình, máy thu tời lưới thủy lực, hệ thống bảo ôn bảo quản cá… Trong sản xuất muối, mức độ cơ giới hóa khâu chế biến đạt khoảng 45-50%. Ngoài ra, cơ giới hóa trong sản xuất ngành nghề nông thôn của tỉnh đạt từ 40-70% tùy theo từng loại ngành nghề cụ thể. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm khâu lao động nặng nhọc, nguy hiểm cho người nông dân mà đặc biệt quan trọng là đảm bảo tính thời vụ khi thực hiện thâm canh, tăng vụ, xoay vòng nhanh, đảm bảo độ đồng đều của sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Cơ giới hóa góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung toàn ngành sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 2,7%; năm 2021 đạt 3,1%, giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 172 triệu đồng/ha.

Tuy vậy, việc cơ giới hóa trong sản xuất ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) cho biết: Hiện mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực có một số khâu tuy đạt cao nhưng chưa đồng bộ và toàn diện. Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt cây chủ lực là cây lúa thì mới tập trung chủ yếu ở một số khâu như làm đất, thu hoạch, chăm sóc lúa (phun thuốc phòng trừ sâu bệnh), một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy máy, sấy lúa… Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác trang bị động lực ở một số khâu còn thấp, chỉ thích hợp ở quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng như giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước, mức độ tập trung ruộng đất diện tích lớn phát triển chưa tương ứng nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng như các máy làm đất theo yêu cầu thâm canh, máy cấy nhiều hàng, máy thu hoạch, vận chuyển nông sản… Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu cơ sở dịch vụ máy cơ giới chuyên ngành, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế; Kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp hiện đại còn yếu. Công tác đào tạo nghề vận hành, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được chú trọng. Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích thúc đẩy phát triển cơ giới hóa; chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp; chế biến nông sản chưa được quan tâm nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao.

Thời gian tới tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn. Chú trọng hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, gắn nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm hỗ trợ các địa phương thành lập trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ giới hóa; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân cùng thực hiện các hoạt động phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lành nghề phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động khi đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Việc thực hiện đồng bộ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện phát triển nông nghiệp Nam Định theo quy mô hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn: baonamdinh.com.vn