Làm giàu từ trồng nấm
Cập nhật lúc 14:15, ngày 06/03/2024 (GMT+7)
Năm 2023 là năm thứ 11, Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, trong đó hoạt động trọng tâm là bình chọn và tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc. Tỉnh Nam Định vinh dự có 2 trong tổng số 100 nông dân của cả nước được nhận danh hiệu này. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thành ở xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) nhiều năm qua đã thành công với mô hình nuôi trồng nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm.


Năm 1998, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Văn Thành đã phát triển kinh tế bằng nghề đánh bắt hải sản và sản xuất muối biển song thu nhập không ổn định, hiệu quả không cao. Do có quen biết một số bạn bè ở các địa phương có nghề trồng nấm nên ông đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và quyết định đưa nghề trồng nấm về địa phương. Ông đăng ký học 1 khóa đào tạo về trồng nấm, sản xuất nấm tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ban đầu, ông xây dựng trang trại trồng nấm với quy mô khoảng 1.000m2; tập trung sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm mỡ. Sau không ít khó khăn, ông dần dần nắm chắc được kỹ thuật, từ đó áp dụng thành công vào mô hình trồng nấm của gia đình. Trong quá trình sản xuất nấm, nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả, năm 2014, ông đã đứng lên thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ Linh Phát. HTX dịch vụ Linh Phát có ngành nghề sản xuất chính là nuôi trồng, sản xuất các loại nấm, trong đó sản phẩm chủ lực là nấm Linh chi, ngoài ra còn có nấm Bào ngư, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm. HTX được tổ chức trên cơ sở liên kết các cá nhân, hộ gia đình, trên nguyên tắc tự nguyện và cùng hưởng lợi. HTX đã tăng cường liên kết giữa các thành viên và các đơn vị liên quan; xây dựng kết cấu hạ tầng chung phục vụ sản xuất của thành viên, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên; hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình và người nông dân trong các công đoạn lựa chọn giống nấm, phôi giống nấm, thu hoạch và bảo quản; đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết với nhà sản xuất, cung cấp vật tư, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, ông Thành đã thống nhất với các thành viên HTX áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Ông Thành cho biết: Quá trình trồng các loại nấm, đặc biệt là nấm Linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mẩn trong từng công đoạn, trong đó quy trình chọn giống phải phù hợp với thời tiết, nguồn nước tưới vùng khí hậu ven biển. Giống nấm tuyển chọn được chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). HTX đã áp dụng quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng, sản xuất nấm sạch khép kín với nguyên liệu hữu cơ tự nhiên như mùn cưa, rơm rạ. Toàn bộ dây chuyền hệ thống sản xuất nấm sạch được đồng bộ từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm. Trong quá trình chăm sóc nấm phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở để có nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó xây dựng thương hiệu của HTX dịch vụ Linh Phát. Trong những năm qua, HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm Rượu linh chi, Nấm linh chi, Nấm bào ngư Linh Phát. HTX đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của HTX được xây dựng quy củ, phát triển bền vững nên đã thu hút nhiều hộ nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Thành cho biết, HTX sẽ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hướng tới đẩy mạnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch đến tất cả các đội sản xuất; cùng với đó tích cực tìm hiểu thị trường, tiến tới đa dạng hóa các sản phẩm làm từ nấm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Dự kiến sang năm 2024, ông Thành đăng ký tham gia thêm 3 sản phẩm vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) gồm đông trùng hạ thảo sấy khô kiểu thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo và trà nấm linh chi hòa tan./. 

Trần Thị Thúy Đoan

HUV, Chủ tịch HND huyện Hải Hậu