Hội Nông dân xã Phúc Thắng hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP
Cập nhật lúc 10:47, ngày 05/03/2024 (GMT+7)
Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng) luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.



Sản phẩm OCOP cá nhệch kho tộ Thiết Hiên đạt tiêu chuẩn 3 sao

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội cấp trên, Hội Nông dân xã Phúc Thắng đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trước hết là tập trung truyên truyền, vận động hội viên nông dân, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi hội. Đồng thời phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", khuyến khích liên kết và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất an toàn gắn với sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Hội đã tích cực vận động các hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, gia trại; xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp và những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Những năm qua, toàn xã đã xây dựng được 02 mô hình tổ hợp tác, 02 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú và nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều mô hình kinh tế có giá trị cao: mô hình nuôi ốc hương của gia đình hội viên Nguyễn Văn Dương, mô hình nuôi ngao sạch đạt tiêu chuẩn ASC của gia đình hội viên Vũ Văn Chức…

Nhận thức rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chi, tổ hội, Hội Nông dân xã Phúc Thắng đã tích cực tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP. Từ đó giúp nông dân hiểu rõ, nắm bắt được ý nghĩa và hiệu quả của chương trình OCOP để chủ động tham gia. Hội cũng đã tư vấn, hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm có tiềm năng thế mạnh để xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời hướng dẫn hội viên làm hồ sơ thủ tục, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác và hỗ trợ vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Nhằm giúp hội viên có nguồn vốn để phát triển sản xuất, Hội đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã được 115 triệu đồng cho 03 hộ vay phát triển sản xuất; nhận ủy thác Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương số tiền là 800 triệu cho 16 hộ vay theo dự án. Nhận tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Đông Bình với dư nợ 141  tỷ đồng cho 275 hộ vay, nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội dư nợ trên 10 tỷ đồng cho 253 hộ vay. Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho nông dân bằng hình thức trả chậm; Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề tại chỗ cho hội viên nông dân; tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế... Qua đó, khuyến khích, tạo điều kiện và động lực cho hội viên mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cở sở hạ tầng, mua máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất. Từ năm 2020 đến nay xã Phúc Thắng có 03 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao cấp tỉnh: Nước mắm truyền thống Kiều Huệ, Cá nhệch kho tộ Thiết Hiên, Nước mắm nguyên chất gia truyền Lạch Giang. Sản phẩm khi được chứng nhận OCOP không chỉ giúp cho nông dân tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp nông dân khai thác, phát huy tốt thế mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương. 

Đồng chí Đỗ Thị Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thắng chia sẻ: Để phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân; vận động, hướng dẫn các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn, các hội chợ triển lãm và sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 11 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt; phối hợp với Chi cục Thủy sản giới thiệu các mô hình sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương.

 Thời gian tới, Hội Nông dân xã Phúc Thắng tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP hiện có, đồng thời hướng dẫn hội viên lựa chọn các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương để đăng ký sản phẩm OCOP./.

Nguyễn Thị Vi

Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng