Đòn bẩy trong phát triển kinh tế trang trại nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cập nhật lúc 9:42, ngày 20/12/2021 (GMT+7)
Những năm qua, cùng với những nỗ lực, cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của toàn xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Thành quả phát triển kinh tế trang trại của anh Đặng Thế Chinh, hội viên Chi hội nông dân thôn 2, xã Mỹ Hưng là minh chứng sinh động cho tính hiệu quả của chính sách tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng,
 

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình hội viên Đặng Thế Chinh

Những giọt mồ hôi thời kỳ lập nghiệp

Sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo khó, từ thuở cắp sách đến trường, cậu học trò Đặng Thế Chinh nhớ mãi câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Trung Thông trong Bài ca vỡ đất:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm

Không biết từ bao giờ, triết lý sống ấy “ngấm sâu” trong con người anh và như một lẽ tự nhiên, cái tư duy “xoay chuyển”, “biến hóa” vùng đất “sỏi đá” thành “cơm gạo” bằng đôi bàn tay của chính mình, giúp anh xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Năm 1995, anh đã mạnh dạn đề nghị Ủy ban nhân dân xã cho đấu thầu và mua lại của dân 4 mẫu ruộng trũng tại khu vực cánh đồng thôn 2. Với nguồn vốn tự có và vay mượn được 7,2 triệu đồng, bấy giờ là số tiền rất lớn, anh đào 6 ao nuôi cá, tiến hành kè bờ, bơm nước, đầu tư máy bơm, máy sục khí... Thời kỳ đầu lập nghiệp là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, khi đó anh là một trong những hộ đầu tiên của xóm xung phong phát triển kinh tế trang trại trên khu vực cánh đồng bên ngoài thôn, đường sá đi lại hạn chế, không khang trang, thuận tiện như bây giờ. Tuy nhiên, nhờ sự động viên kịp thời từ gia đình, bà con nông dân xóm làng, Hội Nông dân xã, anh Chinh đã nỗ lực vượt qua gian chuân, xây dựng mô hình trang trại chuyên nuôi cá trắm đen thương phẩm chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp anh ổn định cuộc sống.

Hiệu quả nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để góp phần phát triển kinh tế, anh được Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Mỹ Lộc-Bắc Nam Định tạo điều kiện vay vốn với số tiền 400 triệu đồng. Cán bộ tín dụng ngân hàng xuống tận trang trại, hướng dẫn anh làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, đơn giản, giải ngân theo đúng quy định. Nhờ nguồn vốn đó, anh đã mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh con cá trắm đen là sản phẩm chủ lực, anh kết hợp tăng gia thêm cá chép đuôi dài, cá vàng, cá Koi Nhật Bản, cá trắm cỏ. Ban đầu, công việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, cá bị bệnh chết hàng loạt, anh phải tự xoay xở, tìm hiểu kiến thức trên đài báo, tivi, tham quan học tập kinh nghiệm từ các trang trại trong huyện, dần dần, anh làm chủ kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là nguồn thức ăn, nguồn nước phải sạch sẽ, kịp thời phát hiện dấu hiệu cá bơi lờ đờ, hay nổi trên mặt nước… thì phải tiến hành các biện pháp điều trị để giúp đàn cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Hiện nay, do giá cám thức ăn tăng cao, để tiết kiệm chi phí, anh đã tận dụng ốc bươu vàng làm nguồn thức ăn cho cá trắm đen, giá thu mua 2.500 đồng/kg, vừa giúp bà con nông dân trong xóm có thêm nguồn thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần hạn chế sự sinh sôi, phá hoại của loài thủy sản ngoại lai đối với nông nghiệp địa phương.

Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, mô hình nuôi trồng thủy sản của người nông dân Đặng Thế Chinh mang lại hiệu quả kinh tế to lớn. Sản lượng cá xuất bán hàng năm đạt khoảng 15 tấn, trong đó cá trắm đen khoảng 10 tấn, cá chép 5 tạ, cá Koi 2,5 tấn. Thu nhập đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình anh đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2020. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội. Trang trại của anh tạo công ăn việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế gia đình, anh Chinh luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các trang trại, gia trại trong xã, cùng hỗ trợ nhau làm ăn kinh doanh, xóa đói giảm nghèo. Năng động, cởi mở, nhiệt huyết, chân thành, chịu thương, chịu khó là những điểm nổi bật đáng trân trọng trong con người của hội viên nông dân Đặng Thế Chinh. Chẳng thế mà, bà con xóm giềng, hội viên trong Chi hội vẫn thường gọi anh bằng cái tên trìu mến: “Anh Chinh cá trắm”.

Quá trình chăn nuôi, anh gặp không ít khó khăn do giá cả thường xuyên biến động, trước đây, giá cá trăm đen tương đối cao từ 100.000-150.000 đồng/kg, hiện tại, giá giảm xuống còn 50.000-70.000 đồng/kg. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng đại dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ giảm mạnh khiến đầu ra của con cá trắm đen chịu ảnh hưởng nặng nề. Trải lòng về nghề nông, anh tâm sự: “Nghề nông quá nhiều vất vả trăm bề, lấy công làm lãi là chính. Điều may mắn nhất là người nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, giúp bà con có thêm điều kiện mở mang sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tránh được tình trạng “tín dụng đen” đang hoành hành, gây nhức nhối tại các vùng nông thôn. Người nông dân mong muốn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn nữa, để người nông dân yên tâm phát triển kinh tế, gắn bó, trụ vững với nông nghiệp”.

Nhằm giúp bà con nông dân giảm bớt gánh nặng trả nợ, lãi trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tháng 7/2021, gia đình anh cùng với những trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Mỹ Lộc được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện tiến hành giảm 10% lãi suất cho vay. Đây là chính sách rất ý nghĩa, kịp thời chia sẻ khó khăn với người nông dân của Ngân hàng nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng, phức tạp.

Có thể nói, trang trại nuôi trồng thủy sản nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT của anh Đặng Thế Chinh đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, trở thành mô hình tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân xã Mỹ Hưng nói riêng và Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc nói chung. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta thực sự mang lại kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Phạm Thị Minh Trang
Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc