Các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp”
Cập nhật lúc 10:45, ngày 05/03/2024 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia, trong đó chú trọng thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.


Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Hội Nông dân tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân trong lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đầu năm, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường; đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương để Hội đứng ra đảm nhận tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đưa chỉ tiêu bảo vệ môi trường thành một trong các chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại công tác Hội hàng năm. 

HND tỉnh phối hợp với Trung tâm môi trường nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền cho hội viên nông dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”... HND, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ môi trường, nước sạch nông thôn, môi trường với sức khoẻ con người; vận động cán bộ, hội viên phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và đất đai. 

Trong 5 năm qua, hội viên nông dân tiếp tục hiến 74.338m2 đất; góp 10.629 ngày công và đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Có tất cả 209 cơ sở Hội, 2.018 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể tham gia xây dựng NTM. Tiêu biểu như các mô hình: “Vườn kiểu mẫu”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng”, trồng và chăm sóc hàng cây nông dân. Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được nhân rộng; đến nay đã có 9 huyện triển khai xây dựng mô hình ở 153/201 cơ sở và 1.455 chi Hội. 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Hội Nông dân huyện Hải Hậu hỗ trợ vật tư xây dựng
mô hình “Thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, kiểu mẫu”


Các cấp Hội còn tích cực hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đã trồng 204 hàng cây nông dân, tổng chiều dài 95,86km; nhận chăm sóc 209 hàng cây với tổng chiều dài 163,4km. Điển hình như tại huyện Hải Hậu, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo định hướng chung: “Đường có điện, có hoa; nhà có tên; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận”. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch vận động hội viên và nhân dân phân loại rác thải, đào hố xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình, làm vườn, ao kiểu mẫu, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng. Kết quả đến nay, HND các xã, thị trấn đã vận động nông dân đào trên 20 nghìn hố rác tại hộ gia đình; 41.246 hộ sử dụng thùng ủ và hố rác có nắp đậy xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh. Xây mới và khôi phục gần 1.000 bể, thống thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng; tiếp tục đóng góp công sức, tiền của để nâng cấp hệ thống đường giao thông, nhà văn hoá xóm, tổ dân phố, hệ thống điện chiếu sáng, làm kè kiên cố hóa kênh mương; tham gia vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, chỉnh trang khuôn viên gia đình sáng - xanh - sạch - đẹp. 100% xã, thị trấn đã triển khai thực hiện, vận động trên 1.800 hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu”. Vận động gần 17 nghìn hội viên mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua tổ chức Hội. Chủ động phối hợp với các công ty triển khai thực hiện các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, xây dựng bể bioga… giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, sản xuất thực phẩm sạch, an toàn đạt hiệu quả. Tại huyện Vụ Bản, 5 năm qua, các cấp HND đã thành lập 171 tổ tự quản vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư; xây dựng 35 tuyến đường cây do Hội trồng và chăm sóc với tổng chiều dài 17.650m, trong đó có 25 tuyến đường cây được gắn biển HND tự quản; có 20.480 hộ gia đình hội viên tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ, đạt 92,4%. Các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân tham gia ủng hộ nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng với số tiền trên 554 triệu đồng; đóng góp 18.774 ngày công để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 593km đường liên xã, 111km đường thôn xóm, 93,8km đường dong ngõ, 608km đường giao thông, 213km kênh mương, 209 chiếc cầu cống và hiến 205ha đất các loại. 

Trước thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra ở nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, các cấp HND trong tỉnh còn chú trọng tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. HND tỉnh phối hợp chỉ đạo xây dựng mô hình “Chăn nuôi lợn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); Phối hợp tổ chức tập huấn và bàn giao vật tư, hỗ trợ giống cây hoa cúc cho 20 hộ nông dân tham gia mô hình “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã” tại xã Tân Thành huyện Vụ Bản. Nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Nông dân ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vừa duy trì, nâng cao độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Một số hội viên đã hướng đến canh tác, sản xuất rau màu theo quy trình VietGAP, giúp giảm thiểu việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; phát triển chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông phân về chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. 

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường; duy trì, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp”./.

Phạm Minh Quyết

Phó ban Kinh tế - Xã hội