Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính tại trang trại của ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thuỷ).
Đến thăm vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Xuân Hoà (Xuân Trường) vào buổi thu hoạch, khắp vùng nuôi rộng hơn 33ha, tiếng người hò kéo lưới, tiếng ô tô vận chuyển ra vào huyên náo nhộn nhịp, gương mặt ai cũng hồ hởi, phấn khích bởi vụ cá năm nay tiếp tục bội thu. Đến nay, tại vùng nuôi thuỷ sản bền vững của xã, hàng chục hộ như ông Lê Văn Bản, Phạm Văn Cảm, Lê Văn Nhẩn… đã có thu nhập ổn định từ các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh nuôi cá truyền thống nước ngọt với doanh thu từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Xuân Hoà cho biết: trước đây, các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn xã chủ yếu diện tích nhỏ hẹp đơn lẻ, tự lo cả đầu vào lẫn đầu ra; đối tượng nuôi tự phát, quá trình nuôi do thiếu kiến thức kỹ thuật nên dễ bị ảnh hưởng rủi ro thiên tai; đến khâu tiêu thụ thường bị tư thương ép giá do sản xuất, thu hoạch cùng thời điểm, lợi nhuận thấp. Năm 2005, mô hình nuôi tôm sú quảng canh ở xã do tự phát, thiếu về kỹ thuật, gây thiệt hại lớn hàng tỷ đồng, nhiều hộ nuôi trắng tay, trắng ao nhiều năm liền. Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, xã đã tập trung hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa để dồn quỹ đất công, tạo vùng nuôi tập trung cho các hộ đấu thầu xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế VAC bài bản, tập trung với mũi nhọn là nuôi thuỷ sản tại vùng chuyển đổi; tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành, UBND tỉnh, xã đầu tư 950 triệu đồng xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vùng chuyển đổi; tăng cường phối hợp tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, hướng dẫn người dân lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Người nuôi kết hợp kinh nghiệm với kiến thức khoa học kỹ thuật, liên kết xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, từng bước ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản với các đối tượng nuôi phù hợp đồng đất quê hương như cá lăng chấm, cá diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, mè xen canh với tôm thẻ chân trắng. Đến nay, vùng nuôi thuỷ sản của xã đã tạo đột phá về thu nhập trong sản xuất thuỷ sản nói riêng và thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn xã nói chung. Bình quân mỗi năm, xã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 170 tấn cá các loại và 7 tấn tôm thẻ chân trắng, tổng doanh thu hơn 12 tỷ 350 triệu đồng. Giá trị thu nhập trên 1ha mặt nước của vùng nuôi thuỷ sản tập trung ở Xuân Hoà đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thu nhập ổn định, đời sống người dân được nâng cao nên công cuộc huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới của xã hết sức thuận lợi”. Tính đến hết tháng 6-2019, xã đã huy động được 151 tỷ 918 triệu đồng; trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư là 68 tỷ 958 triệu đồng và nhân dân đã hiến 39,6ha đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, ngay từ cuối năm 2015, xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí của UBND tỉnh.
Giao Phong - xã nông thôn mới kiểu mẫu đồng thời cũng là xã mũi nhọn về phát triển kinh tế biển của huyện Giao Thuỷ. Đồng chí Phạm Ngọc Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với lợi thế sát biển, đồng đất phì nhiêu màu mỡ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Do vậy, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 với chủ trương chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá của tỉnh, xã quyết tâm hoàn thành để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ. Sau dồn đổi, quy mô ruộng trên địa bàn giảm xuống còn 1,7 thửa/hộ, đất công ích được quy gọn, 85% hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp kiên cố. Xã tập trung xây dựng quy hoạch các vùng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá mũi nhọn là sản xuất chuyên canh rau màu, nuôi thuỷ sản; phối hợp tăng cường phổ biến công nghệ sản xuất mới, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng thâm canh trong sản xuất rau màu nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động tạo nên những cánh đồng màu hiện đại, giải phóng sức lao động, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hoá. Nhờ vậy, sản xuất rau màu ở xã từ 1-2 vụ/năm đến nay đã được luân canh, xen canh, gối lứa 4-5 vụ/năm, những cánh đồng màu ở Giao Phong đạt giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha/năm, có diện tích gieo trồng đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Các sản phẩm rau màu của Giao Phong như khoai tây, lạc, củ cải, dưa cải sen, bắp cải, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu ứng dụng công nghệ Nhật Bản đều đảm bảo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, được các công ty phân phối, chế biến rau củ quả lớn về thu mua tận ruộng với giá cao hơn hẳn so với rau màu cùng loại, cùng thời vụ. Đất trên các cánh đồng màu của xã không ngừng nghỉ, luôn được phủ kín xanh mướt từ vụ xuân đến hết vụ đông năm sau với công thức: lạc (khoai tây) - dưa hấu - lúa mùa - khoai tây, rau màu các loại. Nhiều hộ nông dân đã thu về hàng trăm triệu đồng từ cánh đồng màu. Từ hiệu quả trên những cánh đồng màu, năm 2013, Giao Phong tiếp tục quy hoạch chuyển đổi 85ha diện tích sản xuất muối năng suất thấp sang sản xuất cây màu và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, xã đã chuyển đổi được 65ha và có hàng chục mô hình trồng rau sạch sản xuất công nghệ Nhật Bản có hiệu quả như hộ ông Cao Văn Nhanh, Trần Văn Hậu, Đỗ Hải Âu, Nguyễn Văn Bình... Bà Nguyễn Thị Hà ở xóm Lâm Quan cho biết: từ khi chuyển đổi sang trồng màu, bình quân mỗi héc-ta thu 250-300 triệu đồng, có thời điểm sản phẩm được giá thu nhập đạt từ 350-400 triệu đồng/ha/năm. Về nuôi trồng thủy sản, xã tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú và sản xuất ngao giống với tổng diện tích gần 150ha. Với kinh nghiệm thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp kết hợp với ứng dụng công nghệ sinh học an toàn trong xử lý ao nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng của xã đạt bình quân từ 10 tấn/ha/năm, lợi nhuận mỗi hộ nuôi đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 đạt 44 triệu đồng, phấn đấu đến hết năm 2019 nâng lên 50 triệu đồng/năm. Hiện tại, xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hiệu quả mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi thủy sản của ông Cao Văn Ba ở xóm Lâm Hồ ra các hộ nuôi khác. Đó là mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà kính với cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, khép kín, có thể nuôi tôm thâm canh với mật độ dày do chủ động điều tiết được nhiệt độ ao nuôi, chất lượng nước, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm nhập, ít dịch bệnh, tránh được điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là chủ động được khâu thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”. Tính ra mỗi héc-ta nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính đem lại giá trị 1-2 tỷ đồng/năm. Có thể khẳng định, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi “tấc đất” ở Giao Phong dưới bàn tay cần cù, mẫn cán, chăm chỉ, sáng tạo của người nông dân đã trở thành “tấc vàng”.
Với diện tích hơn 1.000ha đất nông nghiệp, kinh tế ở xã Đồng Sơn (Nam Trực) chủ yếu trông cậy cả vào thu nhập từ sản xuất lúa gạo truyền thống. Những năm trước, do hiệu quả kinh tế từ trồng lúa truyền thống còn hạn chế nên nhiều lao động nông nghiệp trong xã không thiết tha gắn bó với trồng cấy, bỏ đồng ruộng đi tỉnh ngoài tìm việc làm. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bám sát các chủ trương giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xã có điều kiện để đổi mới, nâng cao vị thế của cây lúa trở thành nông sản chủ lực. Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện tích tụ ruộng đất và xây dựng hiệu quả mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi hàng hóa. Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất lúa nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh; đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung xây dựng các mô hình khảo nghiệm lúa chất lượng cao để từng bước chọn lựa được giống lúa chủ lực phù hợp với đồng đất địa phương. Nhờ đó, xã có điều kiện bước đầu xây dựng và thu hút được doanh nghiệp đầu tư thực hiện các mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi. Đơn cử như Công ty Cổ phần Hạt giống vàng (Thái Bình) liên kết sản xuất lúa BT7 kháng bạc lá; Công ty Cổ phần Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc liên kết với sản xuất các giống: BT7, BC15. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, xã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) sản xuất giống lúa BT7. Sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5-7%, bình quân người nông dân có lãi xấp xỉ 800 nghìn đồng/sào. Thu nhập từ cây lúa được nâng cao, người nông dân yên tâm “bám đất, bám ruộng”, hăng say sản xuất. Đồng Sơn lấy lại vị thế là vựa lúa chính của huyện Nam Trực với năng suất cao nhất, chất lượng gạo thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Người trồng lúa cảm nhận rõ nét hiệu quả của phương thức sản xuất hiện đại trong xây dựng nông thôn mới.
Những nỗ lực, thành tựu của từng địa phương, đơn vị trong đổi mới tư duy sản xuất theo phương thức, tiêu chí nông thôn mới đã góp phần tạo cho bức tranh kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong giai đoạn vừa qua đạt bình quân 3,1%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt 19.212 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2018 tăng, đạt 145,17 triệu đồng. Người nông dân đã thực sự vươn lên khẳng định vai trò chủ thể chính xây dựng nông thôn mới, là “chìa khoá” khai phóng tiềm năng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, các cấp, ngành cần hỗ trợ tích cực hơn để đảm bảo tiếp tục duy trì và phát triển thêm nhiều các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông sản tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
07:55, Thứ Năm, 12/09/2019 (GMT+7)
Nguồn: Báo Nam Định