Trong tiết hàn thực mùa đông miền Bắc, cái lạnh se se hanh khô, chút nắng vàng nhuộm cả không gian chiều tà, thời gian như ngưng lại, nhịp sống hối hả, tất bật rộn ràng hơn khi tết đến gần; tôi được đồng chí Trần Đức Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hà hướng dẫn tham quan gia trại của người nông dân Trần Văn Quang. Những mẻ lưới kéo cá lên bờ, chuẩn bị phân loại, chờ tập kết lên xe chở cho khách hàng khắp nơi. Anh Quang hớn hở, khoe với chúng tôi thành tựu một năm nuôi trồng thủy sản trên mảnh đất quê hương.
Hội viên nông dân Trần Văn Quang - Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà, thành phố Nam Định bên mô hình phát triển kinh tế của gia đình
Xuất phát điểm từ người buôn bán tôm, cá ở chợ quê đã mang lại cho anh Trần Văn Quang nhiều trải nghiệm thú vị, những thuận lợi, khó khăn trong nghề giúp anh tích lũy bài học quý báu, để anh vững tâm, tin tưởng vào bản thân, đi đến thành quả tươi sáng hôm nay. Năm 2003, được sự động viên từ gia đình, anh Quang bắt đầu thử sức với mô hình nuôi trồng thủy sản trên khu vực trang trại rộng 1,2 mẫu, gồm 3 ao nuôi. Đầu tiên, anh nuôi một số loại cá truyền thống như cá trắm, chép, mè, trôi, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2007, chuyển hẳn sang nuôi cá sộp, vì lúc đó đang rất “sốt”, mang lại cho anh và nhiều hộ dân quanh vùng thu nhập đáng kể. “Thời đấy, ai nuôi cá sộp đều có lời lớn, thị trường tiêu thụ tương đối khan hàng. Tuy nhiên về sau, sản lượng nuôi tăng đột biến, trong khi nhu cầu khách hàng có giới hạn. Vì thế, những hộ nuôi cá sộp như tôi gặp rất nhiều khó khăn cho đầu ra, giá cả bấp bênh” - Anh bộc bạch.
Gian nan là vậy, nhưng anh Quang vẫn bám trụ với nghề, quyết tâm xoay xở, tìm hướng đi bền vững cho con cá, từng bước học hỏi kinh nghiệm, áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học, từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn, xử lý ao nuôi, hiểu đặc tính sinh trưởng, điều trị các mầm bệnh… Nhờ đó, đàn cá nuôi trong ao của anh luôn mạnh khỏe, ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, được khách hàng tin tưởng. Anh cho biết: “Chăn nuôi đâu phải lúc nào cũng thuận lợi, có những vụ, cá bị bệnh chết hàng đàn, thiệt hại không kể xiết. Lắm lúc nghĩ cũng nản, muốn buông bỏ để tìm nghề khác cho an toàn hơn. Nhưng rồi nghĩ lại, đã trót theo nghề này thì phải theo đến cùng, mình bỏ dở giữa chừng thì gia đình, vợ con khổ theo. Thôi thì nghề chọn người, mình cứ kiên trì, biết đâu có ngày khấm khá hơn”. Nhìn cơ ngơi bề thế hôm nay, ít ai hình dung được quãng thời gian lập nghiệp thấm đẫm mồ hôi, công sức, nhọc nhằn của gia đình anh.
Không chỉ chăn nuôi giỏi, anh còn liên kết với các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng, thành viên Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong bao tiêu sản phẩm cá sộp, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp, thông tin giá cả, thị trường, dịch bệnh… giúp thành viên trong Tổ hợp tác đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả. Theo anh, việc phát triển kinh tế tập thể theo mô hình tổ hợp tác gắn với chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, vừa khai thác, phát huy thế mạnh địa phương, vừa tạo sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa các hộ chăn nuôi, mang lại ưu thế cạnh tranh, giúp người nông dân yên tâm sản xuất kinh doanh. Sản lượng cá trong ao nuôi của gia đình anh đạt 70-80 tấn/năm; bình quân hằng năm, cơ sở của gia đình anh nuôi, thu mua và xuất bán khoảng 1.100 - 1.300 tấn cá sộp; với giá bán buôn hiện nay 53.000- 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ tập trung ở Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Để thuận tiện cho công việc làm ăn, anh đầu tư 03 xe ô tô tải chuyên chở cá, hệ thống máy bơm, máy sục khí, bể chứa… Trang trại của gia đình anh góp phần tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng...
Từ những ngày khởi nghiệp khó khăn, đến nay anh đã thành công và có thu nhập cao với mô hình sản xuất, kinh doanh hộ gia đình mà mình đã chọn. Có được kết quả đó, một phần là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương; của tổ chức Hội Nông dân trong việc tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức liên kết chuỗi, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng chuyển đổi số... Bên cạnh đó, anh và các thành viên trong Tổ hợp tác, Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản Tiền Phong còn tích cực hỗ trợ các hộ nông dân thoát nghèo, làm ăn khá giả; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương. Với những việc làm, hiệu quả mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh Trần Văn Quang trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen năm 2024. Hiện nay, anh là thành viên Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Nam Định.
Mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của anh Trần Văn Quang đã trở thành địa chỉ tin cậy để hội viên nông dân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi thường xuyên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Trần Thế Hiển - Phó Chủ tịch HND TP.Nam Định