Mô hình trồng lan hội viên nông dân Phạm Văn Tỵ xóm 8, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Chơi hoa lan từ chục năm về trước do sở thích của bản thân, anh Phạm Văn Tỵ đã đi khắp các nơi từ Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ rồi sang cả đất Lào, chèo đèo lội suối để mang về cho mình những loài hoa Lan đặc biệt. Anh Tỵ cho biết “hoa Phong Lan là loài hoa cực kỳ nữ tính, đại diện cho vẻ đẹp của tình yêu và sắc đẹp. Càng tìm hiểu về hoa lan, tôi càng thêm yêu quý và gắn bó với loài hoa này hơn”.
Ban đầu anh trồng hoa lan như một thú vui, đam mê. Nhưng thấy có khách tới chơi nhà thích thú và năn nỉ mua lại giỏ lan với giá cao. Vốn nhanh nhạy với thị trường nên đầu năm 2018, anh Tỵ quyết định thành lập vườn hoa. Với mục đích chính là cung cấp giống hoa chất lượng cao cho khách hàng và cũng là nơi để những người yêu hoa thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm hay chia sẻ những giống hoa quý.
Sau thời gian 2 năm triển khai mô hình phong lan cảnh của anh Tỵ từ 50m2 trồng lan ban đầu, đến nay anh Tỵ đã mở rộng lên hơn 200m2 diện tích trồng lan với hơn 1.000 loại hoa khác nhau. Anh xây dựng hệ thống nhà màng với hệ thống các rãnh nước trên và dưới để tạo môi trường có độ ẩm cao. Bên cạnh đó thiết kế nhiều tầng để treo lan tiện chăm sóc với từng loại riêng biệt.
Anh Tỵ chia sẻ thêm: Khi mới bắt tay vào trồng hoa, việc lan bị bệnh chết hàng loạt hoặc lan không nở hoa là chuyện bình thường và phải chấp nhận nhiều rủi ro vì đây là nghề cần sự công phu, tỉ mẩn. Bởi loài hoa này thuộc diện khó tính, kén người trồng, người chơi. Để có được những chậu lan, giỏ lan đẹp, nở đúng độ, giữ được sắc và tươi lâu tôi đã tự tìm hiểu kỹ thuật trồng lan qua sách, báo, Internet để học tập những phương pháp đối với từng loại hoa.
Bằng kinh nghiệm thực tế và những kiến thức học được trong sách vở, đến nay anh Tỵ đã thành công trong việc nhân giống được các loài hoa để chủ động nguồn giống hoa cho vườn nhà. Từ trồng và bán hoa lan, mỗi năm gia đình anh Tỵ có thu nhập từ 2 đến 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, khách hàng của anh hầu hết là những người quen từ khắp các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa… đến đặt mua số lượng lớn. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống mà anh Tỵ còn bán qua internet thông qua hệ thống mạng xã hội như facebook, zalo để bán hoa bằng cách phát sóng hình ảnh trực tiếp. Qua đó, anh chia sẻ tận tình về từng loại hoa, cách chăm sóc và giữ gìn hoa chơi lâu.
Để hỗ trợ hội viên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Hội Nông dân huyện Kim Sơn đã giải ngân 30 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn huyện hội cho anh Tỵ vay để triển khai xây dựng và phát triển mô hình trồng hoa phong lan vào cuối năm 2018.
Nhờ trồng hoa đem lại thu nhập ổn định anh Tỵ đã xây nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học không những vậy Anh Tỵ còn tham gia Câu lạc bộ hoa phong lan của huyện Kim Sơn để người yêu hoa cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa lan, giúp nhau giống, vốn, kỹ thuật…Qua đó, góp phần xây dựng tổ liên kết trồng cây cảnh trong tương lai./.
Bích Lê