Nghệ nhân Trần Trọng Mẫn bên cây cảnh có giá trị cao
Đắm say nghề tạo thế cho cây cảnh
Trong khu vườn rộng 1.400m2, bác Trần Trọng Mẫn đang hăng say, miệt mài cầm kéo cắt tỉa từng ngọn cây. Nhìn bác làm, tôi thấy cả sự đam mê mãnh liệt, đôi bàn tay bác như đang “múa” trên từng bông tán. Bác Mẫn cho biết, người thợ làm cây cảnh tựa như một nghệ nhân, một thi sĩ, mỗi gốc cây đều có dáng vẻ, kiểu thế riêng, vì vậy, người thợ cần có sức tưởng tượng phong phú, phải hình dung thế cây, để từ đó tạo hình, cho ra thế cây đẹp, mềm mại, uyển chuyển, tự nhiên. Dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ, những gốc cây vô tri bỗng trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, biểu đạt, kết tinh “tâm” và “ý” của người thợ. Khu vườn của bác như thượng uyển của bậc tao nhân mặc khách, để những người chơi, người mua có dịp thưởng ngoạn.
Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương, chiến sĩ trẻ Trần Trọng Mẫn lựa chọn nghề truyền thống của cha ông để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Và như một lẽ tự nhiên, nghề trồng hoa cây cảnh đã “thấm” sâu vào máu thịt, đem đến cho chàng trai Trần Trọng Mẫn niềm hăng say, đam mê bất tận. Bấy giờ, thời buổi rất khó khăn, để có điều kiện trụ vững với nghề cây cảnh, bác phải vay mượn vốn liếng từ người thân quen, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, nấu rượu, chắt chiu, gom góp từng đồng, được khoản nào thì mua cây về trồng trong vườn. Cứ thế, dần dần, người nông dân Trần Trọng Mẫn hình thành khu vườn đủ các loại cây, với các thế khác nhau, đa dạng chủng loại. Mỗi khi gặp khách, bán được cây nào thì bác lại tiếp tục đầu tư mua thêm cây mới. Việc trồng cây cảnh thuận lợi so với trồng hoa, cây ăn quả, vì ít sâu bệnh phá hoại, không phải phun thuốc trừ sâu nhiều. Do đó, môi trường sạch sẽ, sức khỏe con người được đảm bảo.
Cây phôi được bác mua từ vườn các hộ dân, đem trồng để tạo thế, chứ không nhập cây từ trên rừng về. Ngày xưa, người ta hay trồng cây ở các bụi dậu, bờ sông, bờ ao, cánh đồng, thỉnh thoảng tìm được những cây mang dáng vẻ kỳ quái, thân gốc khù khoằm, mua với giá hời. Nay, các hộ dân đều xây tường bao, việc tìm được cây như thế tương đối khó khăn, có khi phải lặn lội tới khu vực miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, may ra mới sưu tầm hàng ưng ý. Mỗi lần tìm được cây đẹp, lọt vào “mắt xanh” là cả hành trình đầy gian nan, mỗi cây chứa đựng một câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên. Thành quả mồ hôi nước mắt đó luôn được bác nâng niu, giữ gìn như “đứa con” tinh thần.
Uốn cây không thể nôn nóng, vội vàng, đặc biệt là cây tùng la hán, vì đặc trưng loại này có thân gỗ cứng, dễ bị gẫy khi uốn cong. Phải dùng kỹ thuật uốn từ từ. La hán được ươm giống bằng hạt hoặc giâm cành. Trước đây, việc nhân giống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thành công thấp, thì nay, với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại, việc nhân giống thuận lợi hơn. Người ta chỉ cần nhúng cành non vào thuốc kích thích, rồi giâm xuống cát, cây sẽ tự động bén rễ, sinh trưởng tốt.
Có lẽ dễ trồng nhất là cây sanh, si. Vì loại này vốn giàu sức sống, thân mềm dễ tạo dáng. Theo bác, cây sanh lá nhỏ thuộc hàng giá trị nhất, lúc nào cũng có khách mua, luôn giữ giá hơn so với dòng sanh lá to. Cây sanh chủ yếu được trồng bằng hạt hoặc giâm cành trong chậu cát. Sanh sau khi đâm chồi nảy mầm, chỉ cần tưới nước vừa đủ độ ẩm, bón phân là có thể phát triển nhanh, ra rễ nhiều, cành lá xum xuê. Để góp phần tăng giá trị của cây sanh, bác chọn cây sanh hạt ký đá, rồi vào thế, đưa lên chậu làm tiểu cảnh trông rất bắt mắt. Cây sanh càng già, vỏ sần sùi, rêu mốc thì giá trị càng cao.
Để có một thế cây tâm đắc nhất, có khi phải mất hàng chục năm mới được dáng độc, lạ, thuộc dạng “hàng hiếm”. Những cây có giá trị cao thường phải được chăm sóc tỷ mỷ, công phu, trau chuốt cẩn thận, cây có “lý lịch” rõ ràng, xuất xứ từ đời vua chúa, quan lại ngày xưa thì càng có giá trị cao, thường được giới sành chơi săn lùng ráo riết, người sở hữu coi như báu vật của gia chủ. Những cây như thế chỉ để chơi, chứ ít khi bán. Giá trị của cây không thể đong đếm, có những cây thuộc hàng vô giá.
Bác tâm sự: “Chơi cây mang lại rất nhiều cảm xúc đặc biệt, giúp tâm hồn thanh thản, an nhiên, tĩnh tại sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng. Những buổi chiều thanh vắng, ánh hoàng hôn chạng vạng, hay khi buổi tối ngắm trăng thưởng nguyệt bên vườn cây, lòng vơi đi bao lo toan, bộn bề, bon chen của cuộc sống mưu sinh. Con người như được trở về với thiên nhiên, hòa mình với cỏ, cây, hoa lá, chim muông”.
Chơi cây vừa là thú vui tao nhã, vừa kiếm thêm thu nhập, coi như của tích lũy để dành. Chơi cây cảnh theo “gu”, phong cách mỗi người, theo “mốt” thời thượng. Năm 2010, người ta rộ lên phong trào chơi cây sanh, có những cây trị giá hàng chục tỷ đồng. Giai đoạn gần đây thì chơi hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa mộc, cây trứng gà... Bên cạnh dòng cây thế to, thuộc dạng “hàng khủng”, hiện nay, giới chơi cây cảnh chuộng dòng cây bon sai… Nói chung, người trồng cây cảnh cần phải đón bắt xu thế thị hiếu người chơi, cần đa dạng các loại cây, từ đó thuận lợi cho công việc làm ăn, không bị tồn vốn, mất giá, bởi nghề cây cảnh cũng lắm thăng trầm, thịnh suy như bao ngành nghề khác, chịu sự tác động của quy luật kinh tế thị trường…
...đến giá trị kinh tế to lớn
Hiện nay, khu vườn nhà bác trồng các loại cây sanh, si, đa, đề, tùng la hán, lộc vừng, dành dành, phong lan tai trâu… Nhiều cây có giá hàng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, khu vườn của bác có cây lộc vừng thế lão mai tuổi đời khoảng 70 năm, cây sanh cổ thụ thế long giáng, có người trả nửa tỷ đồng mỗi cây nhưng bác vẫn chưa bán. Thu nhập từ vườn cây của gia đình bác đạt khoảng 200 đến 300 triệu đồng/năm, lao động chủ yếu là người trong gia đình, coi như lấy công làm lãi. Nhờ có nghề cây cảnh, gia đình bác mới có cơ ngơi khang trang, nuôi con ăn học trưởng thành đàng hoàng.
Với tư cách thành viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Nam Định, của huyện, xã, nghệ nhân Trần Trọng Mẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh cho các thành viên trong hội sinh vật cảnh; đồng thời, tích cực giúp đỡ những người trồng cây cảnh tại địa phương, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống. Với bác, được chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng là niềm vui, hạnh phúc, vinh dự lớn lao.
Tiếng lành đồn xa, người chơi cây các tỉnh đều biết tay nghề của bác, tìm đến chơi, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cây cảnh nghệ thuật, mua cây tại vườn nhà bác. Có khách nhờ bác đến tận nhà chăm sóc, tạo thế cho cây cảnh. Dù tỉa cây của mình hay của khách, bác luôn cẩn thận, tỷ mỷ, nhiệt tình, gửi gắm, thổi hồn vào từng thế cây. Vì vậy, khách hàng xa gần, ai nấy đều tin yêu, quý trọng con người của bác. Bác luôn tâm niệm, nghề cây cảnh rất cao quý, góp phần tô điểm, làm đẹp cho đời; xã hội càng phát triển thì thú chơi cây cảnh càng hưng thịnh. Nghề cây cảnh, do đó, sẽ không bao giờ mất đi, mà luôn tồn tại, song hành với cuộc sống con người, xã hội hiện đại./.
Trần Thế Hiển
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc