Bà Trần Thị Vóc kiểm tra chất lượng dưa chuột trước khi thu hái. Ảnh: Hoàng Hiệp
Những ngày này, đến thăm những cánh đồng trồng cây vụ đông ở xã Khánh Trung, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa chuột để kịp cân cho thương lái. Trên thửa ruộng hơn 1 sào, bà Trần Thị Vóc (thôn 3) lựa những quả dưa đã đạt trọng lượng thương phẩm, màu sắc xanh thẫm để thu hái rồi xếp gọn gàng vào bao tải.
Bà Vóc chia sẻ: Tôi trồng dưa chuột cả chục năm nay rồi, trước kia làm giàn nhưng 2 năm nay gia đình chuyển sang hình thức để dưa bò lan dưới mặt ruộng. Cách làm này rất đơn giản và giảm được nhiều chi phí đầu tư. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, chỉ cần cuốc rãnh, làm luống, xuống giống. Khi cây dưa bò lan đến đâu, tôi lót rạ đến đó để tránh quả dưa tiếp xúc với đất ẩm, không bị thối. Sau 30 ngày trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng. Trung bình mỗi sào ruộng trồng 600 gốc dưa, mỗi gốc cho khoảng 3-4 kg quả, tương đương với năng suất 1,8-2,4 tấn/sào. Với giá bán từ 7-10 nghìn đồng/kg, 1 sào dưa chuột vụ đông mang về cho gia đình thu nhập 7-10 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng dưa theo hình thức này, chị Nguyễn Thị Thu Thỏa cho biết: Nếu trồng dưa leo giàn, tôi phải đầu tư từ 2 - 3 triệu đồng tiền mua cây dóc mỗi sào. Đó là chưa kể công làm luống, cắm giàn, buộc ngọn. Nếu trồng dưa bò đất tôi chỉ cần cuốc rãnh làm luống. Bên cạnh đó, cây dưa bò đất sẽ ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên giữ được bộ lá từ đó cho năng suất, chất lượng dưa tốt hơn. Được biết, đến nay, dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch được gần 1 tuần mà chị Thỏa đã hái được hơn 5 tạ dưa chuột. Đầu mùa chị bán với giá 12 nghìn đồng/kg. "Giá dưa bán được, không phải đi chợ. Hái đến đâu gửi xe đưa đi Hà Nội đến đấy. Tôi thấy trồng dưa theo cách này rất nhàn, chỉ cần chịu khó bắt sâu, ngắt lá, nắng quá thì tưới nước, còn thu nhập thì cao gấp 5-6 lần trồng lúa", chị Thỏa phấn khởi nói.
Theo cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng dưa chuột bò đất có nhiều ưu điểm và lợi ích kinh tế. Song, thời tiết những năm gần đây có nhiều biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho cây vụ đông sớm, người trồng cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao. Thứ nhất, phải thực hiện tốt khâu làm đất, lên luống, đảm bảo độ cao luống từ 25 - 30 cm, bề rộng tùy theo cách trồng. Thứ hai, cần chú ý việc nương dây, bấm ngọn. Dưa trồng bò đất nếu không được nương dây và chặn đốt thì khả năng hút dinh dưỡng không cao, thân cây chồng chéo lên nhau sẽ dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa, quả ít…
Để hạn chế bệnh chết rũ cho dưa thời kỳ mẫn cảm (giữa vụ), trong khi chăm sóc nông dân không nên để cây thừa đạm. Cần bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Tuyệt đối không nên tưới đạm urê riêng lẻ cho cây. Tốt nhất nên bổ sung thêm các loại phân bón trung, vi lượng để nâng cao sức đề kháng và tăng năng suất, phẩm chất cho các cây trồng này. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung để tăng khả năng đậu quả. Trong suốt thời gian cây sinh trưởng, cần bổ sung các chế phẩm nấm đối kháng hay nấm cộng sinh vào vùng gốc rễ để giảm thiểu bệnh chết rũ và kích thích cây phát triển nhanh hơn. Nên ưu tiên sử dụng các giống dưa lai F1 để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất.
Hà Phương
Nguồn Báo Ninh Bình điện tử