Nam Thắng là một địa phương được thiên nhiên ưu đãi với khoảng 70 ha đất bãi bồi ven sông Hồng. Những người dân dám nghĩ dám làm của xã Nam Thắng đã mạnh dạn đưa giống cỏ Nhật về vùng đất bãi của mình thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả. Người đi đầu của xã đã đem giống cỏ Nhật này về trồng là ông Thơi, ông Tiêu và ông Thúy.
Cỏ Nhật là loại cây vốn dĩ dễ sinh trưởng nên người nông dân nơi đây thường nói “trồng cỏ thì có gì mà khó”, bởi trong tự nhiên, cỏ vốn dĩ đã mọc đầy. Cỏ Nhật cũng không ngoại lệ, vì khi gặp điều kiện phù hợp thì cỏ sẽ sinh trưởng rất nhanh. Bà Phạm Thị Tám - một hội viên nông dân đang canh tác loại cỏ này cho biết: loại cỏ này chỉ thích sống trên vùng đất cát pha nên dọc bờ sông địa phương rất thích hợp để cỏ sinh sống. Cũng nhờ cỏ Nhật rất ưa đất cát nên công việc của người nông dân cũng nhẹ nhàng hơn so với việc canh tác trên đất thịt. Tuy nhiên, để có được thảm cỏ đẹp, bán được giá thì cũng không hề đơn giản. Do đó, thời gian đầu, những hội viên nông dân ở đây đã phải đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để vừa tiếp cận thị trường, vừa có thêm kinh nghiệm trong sản xuất cây trồng mới này.
Để trồng được cỏ, sau khi làm đất, luống và rãnh thoát nướcchỉ việc đánh cỏ giâm xuống đất với khoảng cách từ 3-5cm. Muốn cỏ nhanh phát triển, chỉ cần bỏ thêm ít phân. Ngày nắng phải tưới 2 lần/ngày, ngày mát trời thì chỉ cần 1 lần/ngày là cỏ có thể sinh trưởng tự nhiên. Công đoạn vất vả nhất là làm cỏ dại. Trong quá trình phát triển của cỏ Nhật, để cỏ phát triển đồng đều, người nông dân phải thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại. Tuy nhiên, cỏ Nhật cho thu hoạch sớm nên việc làm cỏ dại chỉ diễn ra trong vòng 2-3 tháng. Bà Tám chia sẻ: Nhiều hộ dân nơi đây đang hình thành một hợp tác xã trồng cỏ Nhật để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Khi bắt đầu trồng, mọi người đã cử 1 người đi tìm hiểu kĩ cách trồng, cách chăm sóc, phun thuốc để làm cho mặt cỏ được đều, đẹp, đối tác thu mua thấy bắt mắt. Những kinh nghiệm đó chủ yếu học từ bà con xã bên là xã Nam Điền - một xã phát triển cây cỏ Nhật trước.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, nhận thấy cây cỏ Nhật không quá khó để phát triển, đồng thời nhu cầu của thị trường cũng lớn nên ngày càng có nhiều hộ dân chuyển sang trồng loại cây này. Có những hộ gia đình phải thuê thêm đất của người dân trong thôn để trồng cỏ cùng với 5-7 người làm hỗ trợ. Mô hình trồng cỏ đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân nơi đây. Với thời gian làm việc 8h/ngày, mỗi nhân công làm nghề này thu nhập từ 200-600 nghìn/ngàytùy vào bộ phận công việc nhưng chủ yếu là cắt cỏ, làm cỏ, cột cỏ, đánh cỏ chuyển đến nơi làm công trình, đối với họ công việc như vậy không quá vất vả.
Làm cỏ dại là công đoạn vất vả nhất
Điều làm nhiều hộ dân nơi đây gắn bó với mô hình trồng cỏ Nhật chính là đầu ra ổn định. Hơn nữa so với các sản phẩm cỏ khác, cỏ Nhật có tuổi thọ cao hơn, thường được dùng để trang trí và cũng dễ chăm sóc. Đặc biệt, cỏ Nhật chịu được gió biển nên các khu resort, sân golf rất ưa chuộng. Hiện nay, nguồn khách hàng ngày càng đa dạng, phong phú, chủ yếu đến từ các resort lớn ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An. Không chỉ vậy, thông qua giới thiệu, nhiều đơn vị từ Hà Nội, Quảng Ninh, tp Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác cũng tìm đến tận đây để đặt mua, cắt từng khoảnh theo như cầu rồi chở đi. Do vậy, người trồng cỏ Nhật hoàn toàn có thể yên tâm chờ bạn hàng đến mua mà không lo bị ế. Khi chưa có khách thì cỏ vẫn mọc bình thường, không hề giảm giá trị.
Từ năm 2012 đến nay, qua theo dõi, người trồng cỏ thấy 2 lứa cỏ đầu năm và cuối năm sẽ có giá trị cao hơn. Như thời điểm giáp Tết, giá cỏ có thể lên tới 27 nghìn đồng/m2 tại ruộng. Chính vì vậy trồng cỏ Nhật đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa và các loại nông sản khác trước đây. Mặc dù giá cỏ dao động theo từng thời điểm nhưng luôn duy trì từ 15-30 nghìn đồng/m2. Sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi sào có thể đem lại thu nhập từ 7-10 triệu đồng tiền lãi, tương đương 180 - 260 triệu/ha/năm.
Hiện nay, diện tích trồng cỏ Nhật trên địa bàn xã Nam Thắng đã phát triển mạnh ở hầu hết vùng đất bãi ven sông Hồng, thay thế hoàn toàn cây ngô, cây dâu tằm vì hiệu quả kinh tế mà cây cỏ Nhật đem lại cho nông dân.
Thành công của nhiều người dân xã Nam Thắng đã góp phần đa dạng hóa cây trồng cho vùng đất bãi ven sông. Trong thời gian tới, các hộ dân nơi đây rất mong muốn sớm hình thành hợp tác xã để được hỗ trợ về vốn nhằm tiếp tục đầu mở rộng diện tích trồng cỏ, trở thành nơi cung ứng tốt nhất cho thị trường, đồng thời tạo công ăn, việc làm ổn định cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thùy Dương
Ban Tuyên huấn