Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ I)
Cập nhật lúc 9:37, ngày 11/02/2023 (GMT+7)
Mỗi người dân trên dải đất hình chữ S thân yêu, chắc hẳn ai cũng đều mong muốn một lần trong đời đến với Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngày chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, tôi may mắn được tham gia Đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa. Chuyến công tác với hải trình gần 20 ngày đã để lại trong tôi những trải nghiệm, cảm xúc khó quên.
 

Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) những ngày giáp Tết Quý Mão rộn ràng như ngày hội. Từng dòng người đổ về tham dự buổi lễ tiễn tàu, tặng quà Tết cho quân và dân huyện đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức. Các loại thực phẩm tươi sống, những chậu quất được cán bộ, chiến sĩ cẩn thận vận chuyển lên tàu. Những năm qua, hoạt động tổ chức thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa mỗi dịp Tết đến, Xuân về được duy trì thường xuyên với sự tham gia, đồng hành của nhiều đơn vị, địa phương, các nhà hảo tâm cùng nhiều phần quà ý nghĩa. Tiêu biểu như câu lạc bộ (CLB) "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và các tỉnh: Hưng Yên, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Phú Thọ... Ông Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cho biết: “Đây là năm thứ 8 CLB tham gia chương trình Xuân biên giới - Tết hải đảo. Năm nay, CLB phát động sớm chương trình và nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, đơn vị trong nước với nhiều hiện vật giá trị ước tính trên 800 triệu đồng. Tất cả phần quà được CLB phân loại và chia đều gửi đến các chiến sĩ mang ý nghĩa như sợi dây nghĩa tình của đất liền nối liền với khúc ruột Trường Sa”. Chuyến công tác lần này có nhiều điểm đặc biệt, đó là hải trình diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, thời gian hoạt động trên biển dài ngày; công tác phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện chặt chẽ. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt hải trình, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị phối thuộc làm tốt công tác chuẩn bị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Đúng theo kế hoạch, sau 3 hồi còi ngân vang, tàu Quân y 561 chở đoàn công tác số 2 rẽ sóng đến thăm các đảo: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Đá Đông. Vừa ra khỏi Vịnh Cam Ranh, tiếng loa phóng thanh của thuyền trưởng trên tàu cảnh báo có gió to, sóng lớn. Gần 1 giờ sáng, trong khi nhiều thành viên trên tàu đang say sóng, bỗng tiếng động mạnh trên boong đánh thức tất cả. Cơn sóng bao trùm làm tàu lắc dữ dội. Chỉ huy tàu cùng các thủy thủ nhanh chóng kiểm tra, chằng buộc lại hàng hóa gửi ra đảo. Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng tàu 561 cho biết: “Chuyến công tác lần này thời tiết không thuận lợi, gió to, sóng cao 4-6m. Do đó, ngay từ lúc mang hàng lên tàu, cán bộ, chiến sĩ đã phân loại hàng hóa, gói ghém, bảo quản kỹ lưỡng. Những thức hàng khô, hàng dễ vỡ được đóng gói thành nhiều lớp, tránh nước mặn xâm nhập; quất cảnh được bọc ni-lông hạn chế tác động gió biển. Bên cạnh đó tàu cũng phân công thủy thủ thường xuyên kiểm tra hàng hóa mỗi khi có đợt sóng làm tàu nghiêng, lắc...”. Trong số các cán bộ, chiến sĩ tàu 561 cùng đi trong chuyến công tác lần này có Đại úy Nguyễn Văn Quyết (35 tuổi) và Trung úy Nguyễn Tiến Thành (30 tuổi) là người con quê hương Nam Định đã nhiều lần cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chở quà tết từ đất liền đến Trường Sa. Đại úy Nguyễn Văn Quyết, xã Hải Châu (Hải Hậu) là Thuyền phó tàu 561 từ năm 2018 chia sẻ: “Mặc dù đã nhiều lần thực hiện nhiệm vụ chở quà tết đến Quần đảo Trường Sa nhưng cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Đó là niềm vinh dự, tự hào khi được góp sức cùng đoàn công tác mang mùa xuân đến với các đồng đội và nhân dân ngoài đảo xa”.

Những chuyến công tác tới Trường Sa trên tàu 561 đã đọng lại trong Đại úy Nguyễn Văn Quyết nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2019, khi đang làm nhiệm vụ trên biển tại khu vực đảo Tốc Tan (huyện đảo Trường Sa), anh Quyết cùng đồng đội nhận được tín hiệu có tàu cá ngư dân bị hỏng máy, thả trôi. Nhận thấy tình hình nguy cấp bởi lúc này biển động cấp 6, gió to, sóng lớn, anh Quyết cùng Thuyền trưởng đã kịp thời chỉ đạo các kíp chuyên môn hỗ trợ sửa chữa tàu cá và cứu nạn thành công 16 thuyền viên. Trung úy Nguyễn Tiến Thành quê ở xã Hải Châu (Hải Hậu) hiện là Trưởng ngành Hàng hải tàu 561. Là sĩ quan trẻ, Thành luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Những ngày đầu trong chuyến đi, nhiều phóng viên bị say sóng, Trung úy Nguyễn Tiến Thành cùng các chiến sĩ trên tàu thường xuyên thăm nom, chuẩn bị các loại thực phẩm phù hợp với thể trạng sức khỏe từng người.

Sau hải trình gần 2 ngày đêm, tàu 561 chở đoàn công tác đến Đảo Trường Sa Lớn. Nhờ có âu tàu lớn nên việc vận chuyển quà Tết lên đảo có nhiều thuận lợi. Khi lên đến đảo, tất cả mệt mỏi, âu lo của các thành viên đoàn công tác đều tan biến, thay vào đó là không khí khẩn trương, hân hoan của cán bộ, chiến sĩ trên đảo... Các kíp phóng viên nhanh chóng tỏa ra tác nghiệp. Trước mắt chúng tôi là một Trường Sa xanh biếc với không khí xuân rộn ràng. “Tàu ra, Trường Sa vào Tết” - đó là câu nói của những người lính đảo khi thấy tàu cập bến. Những cành mai, cây quất vừa ở trên tàu vận chuyển xuống đảo được đưa lên chậu ngay ngắn. Các hoạt động chuẩn bị trang trí Tết, đón Xuân được triển khai. Hầu hết quân và dân trên đảo cùng nhau gói bánh chưng, trang trí bàn thờ Bác Hồ. Đặc biệt, ngoài gói bánh chưng bằng lá dong, một “đặc sản” ngày tết ở Trường Sa là bánh chưng gói bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói lá bàng vuông không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của lá mà còn mang hương vị mặn mòi của biển. Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa lớn, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ, nhân dân tham gia. Đêm Giao thừa, sau lễ đón năm mới, Ban chỉ huy đảo chúc tết cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ các điểm gác, trực chiến đấu. Sáng mùng một Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đến thắp hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, các gia đình và cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức thành từng nhóm đi thắp hương ở chùa và liên hoan, chúc Tết với các đơn vị, đồng hương trên đảo”. Ngay buổi tối đầu tiên trên đảo, chúng tôi đã được hòa mình vào không khí Xuân rộn ràng. Đoàn công tác cùng các chiến sĩ trên đảo tổ chức đêm văn nghệ với những bài ca về tình yêu đất nước, yêu biển đảo quê hương.


Những ngày sau đó, đoàn công tác tiếp tục hải trình đến các đảo An Bang, Đá Đông, Trường Sa Đông. Cuối năm biển động khiến hải trình trở nên khó khăn hơn; tàu liên tiếp phải neo đậu tìm chỗ tránh trú đảm bảo tuyệt đối an toàn. Để đưa hàng hoá và các thành viên đoàn công tác đến với các đảo, tàu phải tổ chức các chuyến xuồng chuyển tải. Có những điểm đảo xuồng đã hạ để vào nhưng phải quay lại tàu vì sóng quá lớn. Lên đến các đảo chúng tôi thêm cảm phục tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ. Khác với những đảo nổi như: Trường Sa Lớn, An Bang, Trường Sa Đông… những đảo chìm như Đá Đông A, B, C điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không gian chật chội hơn. Khắc phục khó khăn các cán bộ, chiến sĩ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan. Bên cạnh nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết. Những phần quà gửi tới các điểm đảo vẹn nguyên hơi ấm từ đất liền động viên các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

(Còn nữa)

Viết Dư