Thành công từ mô hình nuôi ba ba kết hợp nuôi cá Koi, cá trắm cỏ
Cập nhật lúc 14:28, ngày 24/02/2020 (GMT+7)
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững được Hội Nông dân các cấp triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, mang lại hiệu quả to lớn, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 
Anh Trần Sỹ Lanh, Chi hội trưởng Chi hội xóm Mai

Anh Trần Sỹ Lanh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Mai, xã Mỹ Thắng là một trong những tấm gương tiêu biểu với mô hình nuôi ba ba thương phẩm và cá Koi, cá trắm cỏ, cho thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, anh Trần Sỹ Lanh lặn lội, bươn trải nhiều nghề mưu sinh, bản thân anh thấm nỗi vất vả của nghề nông, một nắng hai sương. Cái mệt, cái khó không thể làm trùn bước trước ý chí, nghị lực của người nông dân ấy. Vào những năm 2000, nhiều hộ nông dân trong huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi diện tích ruộng không cấy, cho năng suất thấp sang trồng cây, đào ao nuôi cá mang lại giá trị kinh tế cao. Anh nhận thấy tiềm năng to lớn của mảnh đất quê hương. Năm 2005, được sự ủng hộ từ gia đình, anh đề nghị UBND xã Mỹ Thắng thuê lại 4000m2 đất ruộng, cộng với 2000m2 đất vườn nhà quy hoạch thành trang trại nuôi trồng thủy sản. Anh đã vay mượn cùng số vốn tự có được 200 triệu đồng, xây dựng 02 ao nuôi ba ba thương phẩm, kết hợp với nuôi cá Koi và cá vàng.

Ba ba là một loài tương đối dễ nuôi, chúng ít khi bị bệnh dịch, là loại sinh vật có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, do giá trị dinh dưỡng và y học mà chúng mang lại cho sức khỏe con người. Thịt của chúng khi chế biến rất thơm và ngọt, đặc biệt thời gian nuôi nhanh lớn. Hiện nay, trang trại của anh nuôi 200 con ba ba thường và 200 con ba ba gai, riêng ba ba gai có giá trị kinh tế cao hơn ba ba thường. Với kinh nghiệm 14 năm nuôi ba ba, anh Lanh cho biết: “Chúng rất phàm ăn, mỗi lần ăn từ 10 - 15% trọng lượng, thức ăn chính của chúng là các loại tép, ốc, tôm, cua, thịt cá rô phi”. Mỗi năm ba ba đẻ từ 3 đến 4 lứa. Mỗi lứa cho ra đời từ 15 đến 18 quả trứng. Phải thường xuyên theo dõi nắm bắt các giai đoạn phát triển của ba ba cái. Khi chúng đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái. Vì nếu số lượng con đực nhiều thì nó sẽ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái. Khi con cái đẻ thì chuồng ấp trứng phải được đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ từ 300-320C thì mới đảm bảo trứng không bị hỏng. Theo anh Lanh, muốn nuôi ba ba đạt kết quả tốt thì khâu quan trọng nhất là phải biết chọn con giống tốt, đảm bảo được chất lượng ba ba con và nguồn nước sạch phải được thay thường xuyên để phòng bệnh cho ba ba gai. Với các ao nuôi, anh làm hàng rào cao từ 50 cm đến 60 cm để ba ba không bò ra khỏi ao. Trên ao có chỗ phơi nắng và chuồng cho ba ba gai đẻ trứng. Anh làm cống thông với kênh nước để thường xuyên thay nước mới cho ao. Ba ba lớn khoảng từ 1,2 đến 1,5 kg/con thì xuất bán, với giá bình quân 240.000 đồng/kg, cùng với 2000-3000 con giống, tính ra sau khi trừ chi phí cho thu lãi 50 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ tập trung các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nội…

Nhằm tận dụng tối đa diện tích ao nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Lanh kết hợp nuôi thêm cá trắm cỏ, cá Koi cảnh, hiện nay sản lượng cá Koi trong trang trại của gia đình anh khoảng 1,2 tấn, cá trắm cỏ khoảng 2 tấn. Thu nhập từ trang trại của anh đạt từ 200-250 triệu đồng/năm.

Anh Trần Xuân Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng cho chúng tôi biết: “Anh Trần Sỹ Lanh là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã trong lĩnh vực làm ăn kinh tế. Mô hình nuôi ba ba kết hợp nuôi cá Koi, cá trắm cỏ giúp gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học. Mấy năm nay, giá bán cá trắm có giảm nhưng giá cá Koi và ba ba vẫn giữ ở mức tương đối, giúp người nông dân làm ăn có lãi, yên tâm sản xuất”.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình hàng năm gia đình anh tạo công ăn việc làm cho từ 3 đến 5 lao động liên tục với mức thu nhập từ 3 - 3,2 triệu đồng/người/ tháng. Anh còn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân trong xã góp phần cùng nhau phát triển và giảm nghèo bền vững.

 Để tạo điều kiện cho gia đình anh đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, Hội Nông dân xã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mỹ Lộc tạo điều kiện cho anh vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng. Không chỉ giỏi trong lĩnh vực làm ăn kinh tế, anh còn là hội viên nông dân năng nổ, nhiệt tình; anh luôn nhận thức sâu sắc chức trách, nhiệm vụ của mình, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, nghị quyết của Hội Nông dân, nội quy, quy chế của địa phương; đồng thời anh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hưởng ứng các phong trào thi đua của Hội, đặc biệt là phong trào nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững đạt được kết quả đáng khích lệ. Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong thôn, xóm để cùng nhau phát triển kinh tế, thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của xã Mỹ Thắng phát triển mạnh, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

            Trần Thế Hiển

PCT Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc

CÁC TIN TỨC KHÁC