Tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Cập nhật lúc 14:28, ngày 26/02/2024 (GMT+7)
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ… là hướng đầu tư được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh hiện nay cũng như nhiều năm tới. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, phát triển nguồn lực là một trong những vấn đề được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tăng cường để hướng tới xây dựng bền vững nông nghiệp, nông thôn.


 

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đại Thắng (Vụ Bản). 


Tỉnh ta có 72km bờ biển, 89 nghìn ha đất canh tác phù sa màu mỡ và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản… nên có nhiều điều kiện để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi theo quy trình công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, sản xuất lúa, rau màu; chăn nuôi lợn, gà; nuôi tôm, cá… là những loại cây trồng, vật nuôi được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ ngày càng hoàn thiện. Để đáp ứng những đòi hỏi của một nền nông nghiệp tiên tiến, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, điển hình là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 15-9-2022 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tổng thể kinh tế - văn hóa - xã hội đến các cấp, ngành, địa phương và người dân. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tích cực tham mưu xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với khả năng thực tiễn của địa phương như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP; phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tích tụ, tập trung ruộng đất làm cánh đồng lớn; chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn... Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư đối tác công tư; tạo môi trường thuận lợi để động viên doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ kinh doanh và chế biến nông sản.

Hiện nay, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành NN và PTNT tỉnh có 378 người; trong đó về trình độ chuyên môn có 58 thạc sĩ, cử nhân đại học; cao đẳng 310 người; trung cấp 10 người. Ngành NN và PTNT đẩy mạnh việc đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân từ lý thuyết đến thực hành bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình, hội thảo đầu bờ… Đến nay, thông qua các chương trình, hình thức đào tạo nghề cho nông dân, toàn tỉnh đã đào tạo được hơn 12 nghìn lao động nông nghiệp; trong đó có hơn 600 lao động sau đào tạo đã có sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Đã có 84 HTX ngành nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất chung; 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 64 HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; 43 HTX với 83 sản phẩm thuộc sở hữu của HTX được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên; 30 HTX đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản… Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành NN và PTNT đã được tỉnh và ngành quan tâm triển khai, trong đó tỉnh đã tích cực triển khai thí điểm xây dựng, thực hiện mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS (mô hình trường cấp 3 Nông nghiệp của Nhật Bản). Bước đầu đã tuyển sinh và đào tạo được 138 học sinh. Sau khóa đào tạo tại trường ở trong nước, học sinh có thể sang Nhật Bản lao động hoặc tiếp tục học đại học theo nhu cầu.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ và triển khai các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh đã cơ giới hóa cơ bản 100% các khâu làm đất, thu hoạch, gieo sạ và máy cấy; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao… Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, qua đó đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, đã có trên 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản như: Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Lộc (Xuân Trường); Công ty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong (Giao Thủy)… Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp được đầu tư về kỹ thuật công nghệ có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: ngao sạch Lenger, gạo sạch Toản Xuân, chả cá Hùng Vương; nước mắm Ninh Cơ; giò 7 phút Nam Phát; sứa Tân Long… Việc đầu tư phát triển nguồn lực toàn diện đã giúp cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng chăn nuôi và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015-2023 tăng bình quân gần 3%/năm…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết và chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, HTX và người dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm mới góp phần tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị về tỷ lệ lao động qua đào tạo. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từng bước đưa mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn: baonamdinh.con