Khi địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình đã chủ động nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và thế chấp vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp, cùng với số vốn gia đình hiện có, tôi đã mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá, nuôi lợn và trồng cây rau màu các loại. Đồng thời, xin nhận thuần thêm diện tích, mở rộng quy mô và tìm hướng đi mới, hiệu quả hơn.
Mô hình nuôi cá chạch sụn của anh Tô Văn Mạnh hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
tại xóm Trung, xã Phú Hưng, huyện Ý Yên
Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi tôi đã tìm thấy mô hình nuôi chạch sụn là hướng đi mới, đem lại hiệu quả cao. Qua nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh kỹ thuật nuôi gia đình đã có thu nhập cao và ổn định từ mô hình. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng là gần 14 mẫu với các ao nuôi chạch bố mẹ, chạch bột, chạch hương và chạch thương phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình tôi đã xuất bán được 38 tấn chạch thương phẩm, cho doanh thu trên 2,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 800 triệu đồng. Hàng năm, gia đình tôi thường xuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 đến 7 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy lợi ích từ việc tham gia các mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân xây dựng, năm 2022 tôi làm đơn xin tham gia Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Bình Dương, xã Yên Phương (nay là xã Phú Hưng). Tại đây, với kinh nghiệm thực tế sản xuất của mình, tôi đã hướng dẫn cho các thành viên trong HTX về quy trình sản xuất, cung cấp giống chạch sụn, cùng các thành viên hợp tác hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững; qua đó tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương, giúp các hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, gia đình cũng tích cực tham gia các hoạt động của địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; ủng hộ, đóng góp, tham gia tu sửa, làm mới đường làng, ngõ xóm, các công trình và hạ tầng nông thôn… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.
Chính nhờ tham gia phong trào đã khơi dậy tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của bản thân. Giúp bản thân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tạo sự gắn bó chặt chẽ với tổ chức Hội Nông dân, cùng với các hội viên tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội phát động./.
Hội viên Tô Văn Mạnh