Gian hàng giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình anh Trần Văn Huấn
Trước kia, anh Huấn công tác tại Công ty Dược phẩm Trường Thọ, với sự năng động, dám nghĩ dám làm, người nông dân Trần Văn Huấn đề xuất hợp tác với Công ty triển khai mô hình bao tiêu cây dược liệu tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình sản xuất gặp khó khăn do giá thành thu mua dược liệu giảm, khiến thu nhập từ việc trồng cây dược liệu của vợ chồng anh bấp bênh. Cơ duyên đổi nghề mưu sinh nuôi đông trùng hạ thảo bắt đầu từ năm 2018. Trong một lần xem tivi giới thiệu mô hình nuôi đông trùng hạ thảo bằng phương pháp nhân tạo do Cục Quân y, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, anh Huấn nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp bằng việc nuôi đông trùng hạ thảo, thứ được mọi người coi là “thần dược” giúp mang lại sức khỏe cho con người hàng bao đời nay.
Nghĩ là làm, anh bàn với vợ lên tận Cục Quân y tham quan học tập và tự mày mò tìm hiểu kiến thức nuôi đông trùng hạ thảo qua sách, báo, tivi, mạng internet. Với số vốn tự có và vay mượn từ nhiều nguồn được 2 tỷ đồng, anh quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi nấm đông trùng hạ thảo. Diện tích khu sản xuất rộng 500m2, gồm phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy bảo quản và phòng sấy, phòng đóng gói thành phẩm.
Sau gần 3 tháng chăm chút, mẻ đông trùng hạ thảo thử nghiệm đầu tiên của gia đình anh ra lò và thành công ngoài mong đợi.
Theo các nhà khoa học nghiên cứu, nấm đông trùng hạ thảo có 17 loại axit amin tốt cho sức khỏe con người, giúp bồi bổ cơ thể, khả năng ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể; hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nan y, bệnh liên quan đến nội tiết cơ thể, đường sinh sản… Bởi vậy, không ngẫu nhiên nó được mệnh danh là “thần dược”. Từ xa xưa, đông trùng hạ thảo tự nhiên chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa, người giàu có sử dụng. Sau này, do giá trị đặc biệt của nó mà thị trường rất ưa chuộng, giá bán đông trùng hạ thảo thiên nhiên cực kỳ đắt đỏ nhưng hàng rất khan hiếm, không có để bán. Giờ đây, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm cho ra sản phẩm chất lượng tốt, với giá thành rẻ.
Anh Huấn cho biết: “Nuôi đông trùng hạ thảo đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, trong khi nhiều cơ sở khác sản xuất nấm bằng cơ chất tổng hợp thì cơ sở chúng tôi chọn cách làm nấm bằng cơ chất tự nhiên. Sau khi nhập giống bao tử về chúng tôi làm môi trường nuôi đông trùng hạ thảo bằng hỗn hợp khoai tây, nước dừa đun để lắng. Chuẩn bị giá thể cho vào lọ thủy tinh vô trùng gồm: gạo lứt, nước tằm xay, nước cốt dừa; sau đó đưa nước môi trường vào và bọc kín miệng lọ để nuôi trong phòng thí nghiệm, nhiệt độ luôn duy trì 18-200C, và độ ẩm 85-90% để đảm bảo cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng tốt nhất”. Công nghệ chủ lực để tạo ra đông trùng hạ thảo là giống và môi trường sống, để đảm bảo cây có thể phát triển và cho ra thành phẩm, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nồng độ khí Cacbonic (CO2) trong nhà nuôi phải tương đồng với nhiệt độ ngoài tự nhiên. Nếu nuôi trồng thành công, độ cao tối ưu của đông trùng hạ thảo khoảng 7cm và có khoảng 60% - 70% dưỡng chất so với sản phẩm tự nhiên ở Tây Tạng, Trung Quốc.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình anh sản xuất sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô, tươi, nấm mật ong nhãn, nấm ngâm rượu, thị trường tiêu thụ ở các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình,...lợi nhuận thu về từ lứa nấm đầu tiên đạt 50 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Cơ sở của anh có 1 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm có địa chỉ tại 82 Trần Thái Tông, thành phố Nam Định. Anh thường xuyên được Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh cử tham gia chương trình hội chợ, trưng bày triển lãm và giới thiệu sản phẩm với du khách, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Cơ sở của anh đã đăng ký chất lượng, thương hiệu sản phẩm và có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ giỏi trong sản xuất kinh doanh, anh Huấn là hội viên nông dân năng nổ, nhiệt tình với công tác hội và phong trào nông dân địa phương, anh luôn tận tình giúp đỡ hội viên nông dân trong xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, vật tư để các hộ đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống. Chúng ta thấy ở anh- hình ảnh người nông dân thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 - tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, hội viên, nông dân và bà con xóm giềng.
Trần Thế Hiển
Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc