Nuôi dê bán giống, bác nông dân kiếm tiền nhàn tênh
Cập nhật lúc 8:12, ngày 30/08/2023 (GMT+7)
Mô hình nuôi dê bán giống tại tổ dân phố Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc của ông Lê Văn Vỹ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, vừa nhàn, vừa cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

  

Mô hình nuôi dê giống của hội viên Lê Văn Vỹ, thị trấn Mỹ Lộc


Trang trại của ông rộng 6.000m2, đầu tư 01 khu chuồng nuôi 30 con dê, vịt thịt, gà và đào 01 ao thả cá. Năm 2001 làm kinh tế trang trại, ông huy động số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, với mong muốn có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống gia đình. Lúc đầu, ông nuôi lợn kết hợp cá trôi, cá koi, về sau, thị trường cá bão hòa, đặc biệt năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi càn quét khiến toàn bộ đàn lợn trong trang trại của gia đình thiệt hại nặng nề. Không đành lòng bỏ nghề chăn nuôi, người nông dân Lê Văn Vỹ đã tìm tòi, học hỏi các mô hình phù hợp và thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Ông bàn với vợ mua vài cặp dê trại giống ở Đông Anh, Hà Nội về nuôi thử. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nên đàn dê của gia đình sinh trưởng và phát triển chậm, hay bị bệnh… Mặc dù vậy, với sự siêng năng, quyết tâm vượt khó, ông Vỹ đã tìm đến các hộ chăn nuôi dê học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi dê qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng nên chỉ sau đợt nuôi đầu, ông đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ đó đàn dê của gia đình lớn nhanh, không ngừng tăng về số lượng.

Theo ông Vỹ, so với các loại vật nuôi khác như lợn hay bò, nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, đặc biệt là hiện nay khi giá cám thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng này lại ổn định hơn so với những loại khác. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi được trồng ngay tại trang trại và các loại lá rau, cỏ, lá cây… Cám chỉ cho ăn dặm thêm. Trong quá trình nuôi, có thể bổ sung lượng thức ăn phù hợp cho dê mau lớn, cũng như kiểm soát được chất lượng con giống. Việc xử lý thức ăn (rau, cỏ) khô ráo trước khi vào máy thái nhỏ, mục đích nhằm phòng ngừa bệnh tiêu chảy, có thể gây chết dê, nếu không phát hiện kịp thời. Ngoài ra, cần phải tiêm ngừa phòng bệnh tụ huyết trùng và các bệnh truyền nhiễm khác. Để bảo vệ đàn dê, cần quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao; nhờ đó, đàn dê sinh trưởng khỏe mạnh, cho chất lượng con giống tốt, dê béo, nhiều thịt. Nhờ phương pháp nuôi nhốt, nên không phải trông coi như dê thả tràn lan, giúp người nông dân chủ động trong khâu chăm sóc. Bên canh đó, phân dê được ông tận dụng ủ mục thành phân bón cho cây trồng và cỏ voi trong trang trại.

Mỗi con dê cái sinh sản nếu chọn được giống tốt và chăm sóc đầy đủ thì sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20 - 25 kg là có thể cho xuất chuồng. Với mức giá bán dê giống thị trường hiện nay 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 50 triệu đồng/năm. Thỉnh thoảng ông có bán dê thịt cho một số nhà hàng hoặc khách quen có nhu cầu. 

  “Từ lúc chuyển đổi sang mô hình nuôi dê nhốt, tôi thấy hiệu quả rất khả quan. Con dê có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nguồn thức ăn dồi dào, chi phí vừa phải, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh nên hiệu quả mang lại cao, người nuôi nhanh thu hồi được vốn đầu tư, không mất nhiều công sức, lại cho giá trị kinh tế cao… Từ mô hình chăn nuôi dê, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định và quan trọng hơn là có được sinh kế lâu dài trong thời buổi chăn nuôi gặp muôn vàn khó khăn, rủi ro mấy năm trở lại đây”, ông Vỹ chia sẻ.

Hiện nay, trang trại của gia đình ông đang nuôi thêm 350 con vịt thịt, 2 tấn cá trắm cỏ, chép, trôi. Tổng thu nhập từ trang trại đạt khoảng 150-180 triệu đồng/năm.

Có thể nói, mô hình nuôi dê sinh sản cầm chuồng của ông Lê Văn Vỹ là hướng đi mới mẻ, rất cần được phổ biến, nhân rộng, góp phần giải quyết lao động nông nhàn, cải thiện đời sống nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

                                                                             Trần Thế Hiển

                                                               Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện

 

CÁC TIN TỨC KHÁC