Năm 2013, chàng trẻ Đinh Văn Thuận quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh, trở về quê khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình khi nhận thấy mô hình trồng đinh lăng ở quê đang phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Anh đã tận dụng ruộng, vườn có sẵn của gia đình, cải tạo lại đất, sau đó trồng đinh lăng. Anh vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, đồng thời mở rộng thêm diện tích canh tác. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Trong một lần đi tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi chim yến ở Ninh Bình, anh nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới, chắc chắn sẽ đem lại thu nhập ổn định trong tương lai. Nghĩ là làm, trở về quê, anh quyết định đầu tư tiền, xây dựng nhà nuôi chim yến trên mảnh đất quê hương, mở ra triển vọng to lớn cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Nhà nuôi chim yến trong trang trại kinh tế tổng hợp của anh Đinh Văn Thuận. Ảnh: Mai Chiến.
Năm 2019, anh Đinh Văn Thuận bắt đầu khởi công xây dựng nhà nuôi chim yến với diện tích 200 m2, đến năm 2020 chính thức đi vào hoạt động. Bước đầu việc khai thác, vận hành nhà nuôi chim yến, anh Thuận gặp không ít khó khăn. Do khí hậu miền bắc có mùa đông lạnh, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rét cho đàn chim, nên chim yến chết rét hàng loạt (chiếm tới 70% tổng đàn). Qua nhiều lần tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu về giới hạn nhiệt độ của chim yến, anh Thuận đã trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm nhất định để vận hành nhà yến với nhiệt độ phù hợp cho chim yến trong điều kiện giá rét của mùa đông của Miền bắc Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng tự rút ra cho mình 5 yếu tố để vận hành thành công nhà nuôi chim yến đem lại hiệu quả đó là: âm thanh, độ ẩm, ánh sáng, khí hậu và nhiệt độ.
Anh Đinh Văn Thuận thu hoạch tổ yến. Ảnh: Mai Chiến
Đến nay, mô hình nuôi chim yến của anh Đinh Văn Thuận đã lên tới 05 nhà nuôi, cho sản lượng tổ yến 220 kg/năm. Ngoài ra, trong mô hình trang trại kinh tế của gia đình còn có 1,5 ha nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 30 tấn tôm, cá các loại; trồng 4 ha cây dược liệu với sản lượng 15 tấn/năm. Tổng doanh thu của gia đình đạt 9 tỷ/năm, lợi nhuận thu về 1,8 tỷ/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 15 người và 13 người có việc làm thời vụ. Đồng thời, gia đình anh cũng giành khoảng 300 triệu để ủng hộ các công trình phúc lợi và các phong trào ở địa phương trong năm. Các sản phẩm tạo ra được bán trên các sàn thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và các mạng xã hội: facebook, Tiktok, zalo, intagram và trang mạng tìm kiếm google.
Hội viên nông dân Đinh Văn Thuận được coi là tấm gương điển hình trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, anh đã được các cấp, các ngành ghi nhận và biểu dương như: Bằng khen Lương Đình Của (dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc) năm 2018; Bằng khen của BTV Hội Nông dân tỉnh Nam Định tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2023; Giải thường “Sao Thần Nông” tháng 5/2024… Năm 2024, được BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Mô hình trang trại kinh tế tổng hợp của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” Đinh Văn Thuận không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, khá giả cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và người dân trong vùng học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
PHẠM MINH QUYẾT - Hội Nông dân tỉnh