Nông dân Hải Lộc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Cập nhật lúc 10:3, ngày 31/03/2022 (GMT+7)
Trước tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, giá cả vật tư luôn biến động, tăng cao, giá trị đầu ra bấp bênh..., Hội Nông dân (HND) xã Hải Lộc (Hải Hậu) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.


Hội viên nông dân xã Hải Lộc chuyển đổi trồng lúa năng suất thấp
sang trồng cây dây thìa canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng dây thìa canh của hội viên nông dân xã Hải Lộc, đồng chí Phạm Văn Phong, Chủ tịch HND xã cho biết: “Trên những vùng chân ruộng cao, khó canh tác, trước đây chỉ chuyên trồng khoai lang, cho thu nhập thấp thì hơn 10 năm trở lại đây, hội viên nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây dây thìa canh. So với cây lúa và một số cây rau màu khác, dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đây cũng là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu vào thấp, trồng một lần có thể thu hoạch trên 10 năm nên được nhiều người dân lựa chọn”. Sau những đợt mưa xuân, cánh đồng trồng cây dây thìa canh đang đâm ngọn tua tủa, chuẩn bị một vụ thu hoạch mới. Tranh thủ tiết trời nắng ráo, các hộ nông dân đang hối hả làm cỏ, chăm bón, gia cố lại hệ thống cọc bê tông, giàn lưới thép. Gia đình ông Lâm Văn Khởi bắt đầu trồng cây dây thìa canh từ năm 2011. Từ năm 2012, cùng với nhiều hộ nông dân trong xã, ông liên kết với Công ty Nam Dược sản xuất theo quy trình, hướng dẫn của công ty. Ngay từ ban đầu, các hội viên được công ty hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, gia đình ông trồng 2 sào tại khu sản xuất tập trung theo phương pháp hữu cơ cho công ty. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch 3-4 đợt, sản lượng thu hoạch mỗi đợt được 1,5 tạ dây thìa canh khô/sào. Năm 2021, được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 3 sào, bổ sung giàn cọc, phân bón. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng do liên kết với công ty nên giá cả đầu ra vẫn ổn định, giúp ông và các hộ nông dân yên tâm sản xuất. Đến nay, toàn xã có khoảng 30ha trồng cây dây thìa canh, tập trung chủ yếu ở xóm 3 và trồng xen canh trong làng. 

HND xã Hải Lộc có tổng số 1.525 hội viên. Để khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, HND xã thường xuyên tuyên truyền, nêu gương tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, gương người tốt việc tốt, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân. HND xã còn phối hợp HTX dịch vụ nông nghiệp, trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân vận dụng thực hiện. Nhờ tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Đến nay diện tích chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả cao đạt 25,6ha; tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Tâm ở chi hội 9. Bên cạnh đó, HND xã đã vận động nông dân hưởng ứng trồng cây vụ đông, thực hiện chuyển đổi cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao. Phong trào VAC được phát động, triển khai sâu rộng. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn, ao, đấu thầu các vùng đầm, hồ, xây dựng chuồng trại với quy mô lớn để trồng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc gia cầm. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Biển ở xóm 5 nuôi gà, đào ao thả tôm, cá cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm. Cùng với đó, HND xã còn chú trọng phong trào tương trợ, giúp nhau giảm nghèo, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. HND xã phối hợp với các tổ chức tín dụng nhận ủy thác cho hội viên vay phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội có tổng dư nợ 11 tỷ 800 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổng dư nợ trên 115 tỷ đồng. HND xã còn vận động hội viên tham gia các buổi tập huấn về mô hình sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các hội viên đã thành lập được các câu lạc bộ nuôi trồng thủy hải sản, khoanh vùng trồng cây dược liệu, thành lập tổ hợp tác trồng cây dược liệu với 25 thành viên tham gia, đem lại thu nhập gấp 3 đến 5 lần trồng lúa cho người dân. Năm 2021, Hải Lộc có 8 thành viên tổ hợp tác được Quỹ Hỗ trợ nông dân của HND huyện cho vay 400 triệu đồng đầu tư phát triển vùng trồng cây dược liệu. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của hội viên nông dân xã Hải Lộc, đến nay năng suất lúa của xã đạt 130 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 4.688 tấn. Diện tích cây vụ đông trên đất vườn màu, đất 2 lúa đạt 32,7 mẫu. Diện tích trồng cây dược liệu tiếp tục mở rộng, cho giá trị kinh tế cao. Nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập trên 125 triệu đồng/ha/năm. Số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Năm 2021, xã có 5 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 17 hộ cấp tỉnh, 210 hộ cấp huyện, 500 hộ cấp cơ sở. 

Thời gian tới, HND xã Hải Lộc tiếp tục vận động hội viên phát huy nội lực, tích cực cải tạo vườn, ao, chuồng, phát triển trang trại, gia trại; mở rộng diện tích trồng cây vụ đông; tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, góp phần tăng thu nhập trên ha gieo trồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn: baonamdinh.com