Những kết quả nổi bật trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2017-2022
Cập nhật lúc 8:24, ngày 07/02/2023 (GMT+7)
Đại tá, Trần Minh Tiến Ủy viên BTVTU, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định

                              

Những năm qua, cùng với cả nước, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là vấn đề mâu thuẫn, khiếu tố, hoạt động của tội phạm ma túy, lừa đảo, trộm cắp, ô nhiễm môi trường... Trước tình hình đó, lực lượng Công an và Hội Nông dân các cấp đã chủ động xây dựng,triển khai Chương trình phối hợp hành động phòng, chống tội phạm; Kế hoạch liên ngành, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2017-2022. Sau 5 năm thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đạt được những kết quả nổi bật là:

Hai ngành đã tập trung chỉ đạo phối hợp tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như:Thông qua sinh hoạt Hội, các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, mời các báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước, địa phương về chủ trương xây dựng nông thôn mới; tổ chức ký cam kết đảm bảo an ninh, trật tự đối với trên 85% các hộ gia đình; vận động cán bộ, hội viên nông dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, tham gia giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự nhất là công tác hòa giải trong nội bộ dân cư, không để phức tạp kéo dài ở địa bàn cơ sở. Đặc biệt, trước sự phát triển không ngừng lớn mạnh của công nghệ thông tin, để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyềnvề phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừatrong quần chúng Nhân dân, hai ngành đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường hình thức tuyên truyền trên không gian mạng và qua tin nhắn điện thoại;biên soạn hàng nghìn tin, bài, phóng sự trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Fanpage “Nông dân Nam Định”, “Phong trào Nam Định”; phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hàng năm, thông qua tổ chức“Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hai ngành đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền pháp luật, lồng ghép các hoạt động thể thao; tín ngưỡng dân gian, giao lưu văn nghệ, hỏi đáp, tặng quà các điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa gắn với nội dung tìm hiểu về cách phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội như: Hội thi "Nhà nông đua tài", "Tham gia tìm hiểu về BHXH, BHYT", "Nông dân với công tác phòng chống ma túy”… từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, gắn bó giữa chính quyền, đoàn thể, lực lượng Công an với chức sắc, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của quần chúng Nhân dân, kiềm chế, kéo giảm phạm pháp hình sự và các tệ nạn xã hội.

Trên lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng vàphong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia 3.392 đội dân phòng, 3.912 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở;hưởng ứng cuộc vận động “Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, quần chúng Nhân dân đã tự giác giao nộp 4.548 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại, giúp đỡ lực lượng Công an điều tra, xử lý 1.041 vụ vi phạm về pháo, 88 vụ với 119 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, không để xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông;vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tích cực phát hiện, cung cấp cho lực lượng Công an trên 11.568 tin báo tố giác tội phạm qua 226 hòm thư tố giác, điện thoại đường dây nóng, trong đó có trên 8.968 tin có giá trị điều tra, khám phá tội phạm.

Cùng với lực lượng Công an xã, thị trấn, các tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó nòng cốt là cán bộ, hội viên nông dân được xây dựng, củng cố, từng bước kiện toàn tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.Trong 5 năm qua, hai ngành đã phối hợp xây dựng và duy trì nhiều mô hình về nông dân tham gia bảo đảm an ninh quốc phòng như: mô hình “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn an toàn”; “Nông dân tự quản về an ninh trật tự”, “Tiếng kẻng an ninh”... Qua đó, đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định và tạo chuyển biến rõ nét về tình hình an ninh, trật tự địa bàn cơ sở thực sự là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Các mô hình đã phối hợp giải quyết thành công trên 80% số vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Hưởng ứng, thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng” đã tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ 2.176 người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

 

Hội Nông dân và Công an thị trấn Lâm (huyện Ý Yên) ra mắt Câu lạc bộ Nông dân với an toàn giao thông 

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức trên 120 lớp tập huấn, cho gần 2.000 cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh trật tự dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiều mô hình phong trào có sự tham gia tích cực của các cán bộ, hội viên nông dân đã tổ chức sơ kết, tổng kết được Bộ Công an ghi nhận, thông báo nhân rộng để các địa phương khác, nghiên cứu, học tậpnhư: Tổng kết 15 năm mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” giai đoạn 2007 - 2022... Qua công tác sơ kết, tổng kết các chuyên đề phong trào, đã có nhiều lượt tập thể, cá nhân hội viên nông dân được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Nhìn chung cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phầnphục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên,công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào chưa đồng đều giữa các đơn vị, địa phương, một số nơi còn hình thức, chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết tình hình phức tạp xảy ra. Nguyên nhân là domột số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhận thức về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của một số hội viên còn hạn chế; Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nơi chưa đáp ứng yêu cầu,lực lượng nòng cốt ở cơ sở có thời điểm hoạt động còn hạn chế; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.

Qua 5 năm triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Để công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự có chiều sâu, và đạt được hiệu quả thiết thực, cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện, sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo 138 các cấp, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức (cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể), với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.

Hai là: Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện của từng đơn vị, địa phương. Nội dung công tác tuyên truyền, vận động phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu chính đáng của Nhân dân nói chung và cán bộ, hội viên nông dân nói riêng; có nội dung, khẩu hiệu hành động dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng, có sự lan toả sâu rộng trong quần chúng Nhân dân.

Ba là:Tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an phải thường xuyên nắm tình hình, chủ động tham mưu đề xuất các chủ trương, biện pháp đổi mới các hình thức, biện pháp tổ chức vận động quần chúng. Kết hợp đồng bộ giữa vận động quần chúng với đấu tranh trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, tạo chỗ dựa cho quần chúng tích cực tham gia, đấu tranh tố giác tội phạm. 

Bốn là: Phải gắn các nội dung trong chương trình, kế hoạch phối hợp của hai ngànhvới các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác đang được triển khai trên địa bàn, nhằm thu hút sự tham gia tích cực và phát huy mạnh mẽ tính chủ động sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội.

Năm là: Coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt của phong trào, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các thôn, xóm, đoàn thể, chức sắc trong các tôn giáo; đồng thời phối hợp đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa 2 ngành. Định kỳ sơ kết, tổng kết, phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm để động viên phong trào góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương./.