Những kết quả nổi bật qua 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm giữa Hội Nông dân tỉnh và Công an tỉnh Nam Định, giai đoạn 2017-2021.
Cập nhật lúc 10:17, ngày 22/10/2021 (GMT+7)
Đại tá, PGS. TS.Phạm Văn Long Ủy viên BTVTU, Bí thư ĐU, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định

 Những năm qua, cùng với cả nước, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, ANTT được đảm bảo, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp. Cũng chính từ khoảng cách thu hẹp này, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn phát sinh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là vấn đề mâu thuẫn, khiếu tố, hoạt động của tội phạm ma túy, lừa đảo, trộm cắp, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường...Trước tình hình đó, thực hiện Chương trình số 45/CTPH-HND-BCA ngày 06/7/2017 giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công an về phối hợp hành động phòng, chống tội phạm giai đoạn 2017-2021, Công an tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch liên ngành, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai tới các cấp Hội và lực lượng Công an toàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm giữa Công an tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật:

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội tại xã Nam Hồng, huyện Nam Trực (ảnh tư liệu)

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, thực hiện bài bản, có hiệu quả, ngoài việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí viết bài tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân, hai ngành đã chỉ đạo lực lượng cơ sở phối hợp tập trung tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các câu lạc bộ nông dân với pháp luật, mời các báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước, địa phương về chủ trương xây dựng nông thôn mới, chủ trương dồn điền đổi thửa, bảo vệ công trình xây dựng, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn gắn với tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm thường xuyên xảy ra ở địa bàn nông thôn; biên soạn và tổ chức cho 100% hộ gia đình ký cam kết thực hiện nội dung gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hóa do Trung ương Hội Nông dân phát động; vận động cán bộ, hội viên nông dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, tham gia giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự nhất là công tác hòa giải trong nội bộ dân cư, không để phức tạp kéo dài ở địa bàn cơ sở. Trước sự phát triển không ngừng lớn mạnh của công nghệ thông tin, để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa trong quần chúng Nhân dân, hai ngành đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường hình thức tuyên truyền trên không gian mạng và qua tin nhắn điện thoại: Trong 5 năm đã biên soạn trên 95 tin, bài; 55 phóng sự trên trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, Fanpage “Nông dân Nam Định”, “Phong trào Nam Định” và 350 lượt tin nhắn qua mạng viễn thông trên điện thoại tới người dân...; phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện Đề án cấp, đổi căn cước công dân gắn chíp điện tử, qua đó góp phần tích cực cùng lực lượng Công an tỉnh hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn 1,5 tháng, được Bộ Công an biểu dương, đề nghị khen thưởng. Hàng năm, thông qua tổ chức“Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, hai ngành đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền pháp luật, lồng ghép các hoạt động thể thao; tín ngưỡng dân gian, giao lưu văn nghệ hỏi đáp, tặng quà các điển hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa gắn với nội dung tìm hiểu về cách phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội như: Hội thi "Nhà nông đua tài", "Tiếng hát đồng quê", "Nông dân với công tác phòng chống ma túy”… từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, gắn bó giữa chính quyền, đoàn thể, lực lượng Công an với chức sắc, tín đồ và Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Nhiều mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được xây dựng, củng cố, duy trì phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm phát luật: Để thu hút hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; những năm qua các cấp Hội trong tỉnh cùng ngành Công an phối hợp xây dựng nhiều mô hình phong trào phát huy hiệu quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật như: mô hình “Tổ tuần tra Nhân dân”, “Tổ hòa giải”, “Ba an toàn” nhất là mô hình “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn an toàn” tại các xã Xuân Tiến (Xuân Trường), Hải Bắc (Hải Hậu), Liên Minh (Vụ Bản), Yên Hưng (Ý Yên), Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Trực Hùng (Trực Ninh), Nam Vân (Thành phố Nam Định); mô hình “Nông dân tự quản về an ninh trật tự” (tại chi Hội 5 xã Xuân Trung); mô hình “Tự quản bảo đảm an ninh trật tự Nhà văn hóa thôn, xóm” (tại xã Giao Thiện, Giao Thanh, Hồng Thuận); mô hình “Tiếng kẻng an ninh” (tại 25 chi hội xã Trực Hùng); “Hộ an toàn, tổ dân phố bình yên” (TT Rạng Đông); “Tổ tự quản khu du lịch biển phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” (TT Quất Lâm)...Việc xây dựng, củng cố các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, tình hình an ninh trật tự nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT có nhiều chuyển biến rõ nét, số vụ việc về ANTT hàng năm đều giảm, tính đến hết năm 2020 qua phân loại 2.863/3.462 khu dân cư được công nhận là “Khu dân cư văn hóa”, 507.361 hộ gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”.

Phối hợp tổ chức lồng ghép việc thực hiện kế hoạch liên ngành với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Công an, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức lồng ghép phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” được các hội viên tham gia bằng những việc làm thiết thực cụ thể như: đảm nhận trồng hàng cây xanh, thu gom rác thải bảo vệ môi trường, làm vệ sinh khu dân cư, vận động nông dân góp đất làm đường giao thông; chỉnh trang khuôn viên gia đình. Đến năm 2019 có 204/204 xã, thị trấn = 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 13 xã, thị trấn (năm 2019) và 65 xã, thị trấn (năm 2020) đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; có 200/204 xã, thị trấn = 98% số xã đạt tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự và đảm bảo bình yên” (theo tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới nâng cao).

Bên cạnh đó, để củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt, tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở: Thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo mỗi xã bố trí tối thiểu 05 đồng chí trở lên theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí 1.236 đồng chí Công an chính quy gồm: 204 Trưởng Công an, 267 Phó trưởng Công an, 1.433 đồng chí Công an viên thường trực, 2.586 đồng chí Công an viên thôn, xóm và 23 Ban Bảo vệ dân phố với 576 đồng chí. Lực lượng trên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng  cao trình độ về mọi mặt nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt tinh thông về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, được trang bị kỹ năng, điều kiện cần thiết, ngang tầm nhiệm vụ. Cùng với lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn, các tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở được xây dựng, củng cố, từng bước kiện toàn tạo thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Qua đó đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định và tạo chuyển biến rõ nét về tình hình an ninh, trật tự địa bàn cơ sở thực sự là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống tội phạm và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Lực lượng này đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 11.568 tin báo tố giác tội phạm qua 226 hòm thư tố giác, điện thoại đường dây nóng, trong đó có trên 8.968 tin có giá trị phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật. Điển hình là “Tổ Cựu chiến binh vì dân” xã Tân Thành, huyện Vụ Bản qua tuần tra đã phát hiện bắt 3 vụ trộm cắp tài sản trị giá 50 triệu đồng, giải quyết 15 vụ tai nạn giao thông, cấp cứu 17 người bị thương, hòa giải thành công 11/14 vụ mâu thuẫn...

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp, lực lượng Công an tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp nhất là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng Công an với quần chúng Nhân dân tham gia giữ gìn ANTT phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; nhiều mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được Bộ Công an, các bộ, các ngành và tỉnh ghi nhận, biểu dương, nhân rộng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế là: Công tác triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp chưa đồng đều giữa các địa phương; một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT tại cơ sở; một số tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo ANTT có thời điểm chất lượng hoạt động chưa cao; một bộ phận hội viên còn vi phạm pháp luật, phạm tội.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; nhận thức về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của một số hội viên còn hạn chế; công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng nòng cốt ở cơ sở có thời điểm hoạt động còn hạn chế; tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai, phát huy hiệu quả của công tác phối hợp.

Qua 5 năm thực hiện chương trình công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, hai ngành có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Để công tác phối hợp đạt hiệu quả cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện, sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo 138 các cấp, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức (cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể); sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm và giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT ngay tại cơ sở.

Hai là: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhất là ở cấp cơ sở. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện của từng đơn vị, địa phương, phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu chính đáng của Nhân dân, hợp lòng dân, vừa sức dân; có nội dung, khẩu hiệu hành động dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng, có sự lan toả nhanh trong quần chúng Nhân dân.

Ba là: Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trong chương trình, kế hoạch phối hợp gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác đang được triển khai trên địa bàn, nhằm thu hút sự tham gia tích cực và phát huy mạnh mẽ tính chủ động sáng tạo của hội viên nông dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Định kỳ sơ kết, tổng kết, phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm để động viên phong trào.

Để chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021 - 2025 giữa Hội Nông dân và Công an tỉnh đat hiệu quả, hai ngành tiếp tục thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất: Tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Kế hoạch liên ngành giữa Hội Nông dân và Công an tỉnh; thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch liên ngành về công tác phòng, chống tội phạm đặc biệt là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp về ANTT, nơi tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, các loại tội phạm thường xảy ra nhiều, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hoạt động tín dụng đen…; xây dựng và phát triển các cơ chế tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.

Thứ ba: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các tổ chức quần chúng làm ANTT ở cơ sở; tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo thiết thực, sâu rộng, hiệu quả tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa, lôi cuốn đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia nhất là hội viên nông dân. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, các chức sắc trong tôn giáo, bảo vệ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp... Tổ chức sơ, tổng kết và nhân điển hình tiêu biểu trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.