Những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi
Cập nhật lúc 7:48, ngày 04/09/2020 (GMT+7)
Thực hiện lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã phát động, tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào thi đua. Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã huy động các tiềm lực về vốn, lao động, đất đai cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó đã xuất hiện những đi

 
Ông Nguyễn Văn Công (ngoài cùng bên trái) xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu)
phát triển mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu) 10 năm qua đã phát triển mô hình trang trại VAC kết hợp chăn nuôi với trồng trọt; trong đó có 4 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ trứng công nghệ cao, diện tích 5.000m2; 6.000m2 thả cá diêu hồng và 8.000m2 trồng cây ăn quả lâu năm. Năm 2016, ông thành lập Công ty TNHH Công Phượng với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng (bao gồm xây dựng chuồng trại, ao cá và đất đai sản xuất) mang lại lợi nhuận từ 2-3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trang trại có khoảng 50 nghìn con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ và 200-300 con lợn giống; 3 sản phẩm đạt OCOP gồm trứng gà quê Công Phượng, trứng vịt quê Công Phượng, trứng gà cao cấp Công Phượng. Năm 2019, ông là một trong 63 đại biểu nông dân đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ông Triệu Đình Hợi, thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) 6 năm qua đã phát triển mô hình nuôi thỏ giống New Zealand, thu lãi mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình ông sở hữu trang trại nuôi thỏ rộng 2ha, tổng đàn ổn định 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm; trực tiếp xuất bán cho Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam có nhu cầu mua thỏ với mục đích làm thí nghiệm để chế tạo vắc-xin, số lượng 1.300-1.500 con/tháng. Không chỉ tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 5 lao động của gia đình với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; ông còn vận động thành lập Hợp tác xã Long Phú với 6 thành viên tham gia, phát triển nghề nuôi thỏ ở địa phương, giúp đỡ 10 hộ gia đình về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông luôn được bình xét là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Tại thôn Hạ, xã Yên Khánh (Ý Yên), từ năm 2004 đến nay, ông Hoàng Duy Thắng đã xây dựng mô hình VAC kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, nuôi cá, ba ba và trồng rau màu với tổng số vốn, đất đai, tài sản đầu tư 4,5 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 2.000 lợn con, 300 lợn thương phẩm tương đương 32 tấn; 2 tấn cá, 2 tấn ba ba; lợi nhuận thu được hàng năm đạt trên 1,5 tỷ đồng. Ông còn tạo việc làm cho 10 lao động có thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăn nuôi theo mô hình VAC cho 5 hộ gia đình khác tại địa phương; tích cực tham gia ủng hộ 30 triệu đồng phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn 75 triệu đồng. Tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) ông Nguyễn Văn Sơn 9 năm qua đã tập trung sản xuất, thu mua, xây dựng thương hiệu cá bống bớp Sơn Nguyệt tiêu thụ, phân phối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, mô hình đã nhân rộng trên địa bàn thị trấn và các khu vực lân cận, tạo việc làm cho 18 lao động với thu nhập ổn định 5,5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho 29 hộ tại thị trấn Rạng Đông… Bản thân ông Sơn luôn tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động ở địa phương như: Làm đường giao thông tại xã Nghĩa Thành và tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông trong chương trình xây dựng nông thôn mới với số tiền 330 triệu đồng; ủng hộ xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo địa phương với số tiền 120 triệu đồng. Năm 2018, ông đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Cúp Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015, 2016, 2017 và biểu dương tấm lòng vàng vì nông dân Việt. Còn tại xóm 11, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), bà Nguyễn Thị Hải, chủ cơ sở sản xuất cói xuất khẩu Hải Tiến, từ năm 2002 đến nay đã tổ chức cơ sở đan lát thủ công, kinh doanh hàng cói xuất khẩu, thu nhập hàng năm từ 300-400 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm tại cơ sở cho từ 50 đến 60 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; cơ sở còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng mở các lớp dạy nghề cho lao động nữ tại nông thôn, qua đó giúp cho gần 700 lao động với thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở đã ủng hộ 20 triệu đồng xây nhà văn hóa của xóm, cho vay 100 triệu đồng để xóm xây nhà văn hóa không lấy lãi, hàng năm ủng hộ quỹ từ thiện của xã 20 triệu đồng. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cơ sở đã ủng hộ hơn 700 bánh xà bông lifeboy diệt khuẩn cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và cùng với Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm tặng khẩu trang cho công nhân trong, ngoài xã. Ngoài ra, trong phong trào làm theo Bác, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế của các cấp HND thời gian qua còn có rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác như ông Trịnh Văn Diện, thôn An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh) với mô hình tích tụ ruộng đất trồng lúa và khoai tây kết hợp hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp, thu nhập 500 triệu đồng/năm; năm 2015, 2017, 2019 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thục, xóm 4, xã Trực Thái (Trực Ninh) với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm theo phương pháp hữu cơ kết hợp thảo dược; bình quân mỗi năm xuất bán 70-80 tấn thịt lợn, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình khoảng 500 triệu đồng. Ông còn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi lợn thành lập Tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; nay là Hợp tác xã chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái với 13 thành viên tham gia; xây dựng cửa hàng nông sản Trực Thái, giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch VietGap và OCOP đến người tiêu dùng…

Những điển hình nông dân tiêu biểu, hăng hái thi đua trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại./.

Bài và ảnh: LAM HỒNG

Nguồn: baonamdinh.com.vn