Anh Hoàng Duy Cường (ngoài cùng bên trái), thôn Tây Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên)
giới thiệu các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ cao cấp do gia đình sản xuất.
Kế thừa và phát huy tinh hoa làng nghề truyền thống của địa phương, gia đình anh Hoàng Duy Cường ở thôn Tây Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) đã phát triển nghề đúc đồng đến nay được gần 20 năm. Từ năm 2010, anh đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm chủ yếu của cơ sở là các đồ đồng mỹ nghệ như tượng danh nhân, tranh đồng, chuông đồng, đồ thờ cúng tâm linh, đồ phong thủy, sản phẩm trang trí… được bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Anh Cường cho biết, để có những sản phẩm đồng có tính thẩm mỹ cao, tinh xảo đến từng chi tiết, ngoài khâu đúc, khâu hoàn thiện chủ yếu vẫn phải làm thủ công, đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ. Hiện tại, cơ sở đúc đồng của anh tạo việc làm cho 8 công nhân với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Còn tại xã Trực Cường (Trực Ninh), từ năm 2017, anh Ngô Văn Ánh, hội viên nông dân chi Hội Thái Học đã phát huy lợi thế diện tích mặt nước, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ. Nhờ có sự tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc của kỹ sư thủy sản và những kiến thức được học qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp HND tổ chức, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 40 lồng nuôi cá với nhiều loại đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá trắm, cá chép giòn, cá diêu hồng... Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, anh thu về từ 400-500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả của mô hình, anh đã tuyên truyền vận động một số hộ nuôi thành lập Tổ hợp tác “Nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ” với 9 thành viên tham gia, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tại các địa phương trong tỉnh những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát, xã Hải Ðông (Hải Hậu) đã đầu tư hàng tỷ đồng, xây dựng trang trại tổng hợp rộng 3,5ha với 4 ao nuôi cá, 1 ao nuôi tôm, xuất bán hàng trăm con lợn, hơn 4 vạn con gà thịt mỗi năm. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trang trại lớn trong và ngoài nước, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do HND tổ chức; ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tuân thủ nghiêm các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi nên mô hình trang trại của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, anh thu lãi trên 3 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng; đồng thời còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác phát triển chăn nuôi, có hộ cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Anh Luật đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giải thưởng như “Sao Thần nông”, “Lương Ðịnh Của”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu”... Anh Nguyễn Văn Thục, xóm 4, xã Trực Thái (Trực Ninh) với mô hình trang trại VAC theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi với 3 sào ao nuôi cá, gần 600m2 chuồng trại chăn nuôi lợn và vườn trồng hoa phong lan, hoa hồng, cây ăn quả, cây dược liệu. Ðặc biệt, trong chăn nuôi lợn, anh đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn, giúp lợn tăng sức đề kháng, thịt thơm ngon vượt trội. Mô hình nuôi lợn của anh đã được tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP. Với quy mô đàn 500 con, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán 70-80 tấn thịt lợn thương phẩm. Ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6, thị trấn Rạng Ðông (Nghĩa Hưng) chuyên sản xuất giống và nuôi cá bống bớp kết hợp tiêu thụ với quy mô lớn trên địa bàn, lợi nhuận hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Ông Triệu Ðình Hợi, xóm 14, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với mô hình chăn nuôi thỏ, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, doanh thu 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động, lợi nhuận hàng năm đạt bình quân 800 triệu đồng...
Ðể nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, HND các cấp thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong những tháng đầu năm 2020, các cấp Hội đã tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động 254.305 hộ (bằng 60% so với hộ nông dân) đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu được chú trọng, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. HND tỉnh đã đề cử 2 gương điển hình tham gia bình chọn nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 là các ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) và Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh); xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 143 cơ sở Hội, 1 huyện đã tiến hành tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, biểu dương và khen thưởng các cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào. Trên cơ sở đó, HND tỉnh sẽ lựa chọn, biểu dương 90 nông dân tiêu biểu vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập HND Việt Nam. Ngoài ra, HND tỉnh đã lựa chọn 2 hồ sơ tham gia cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay - cơ quan của Trung ương HND Việt Nam và Ban Khoa giáo (VTV2) - Ðài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm khích lệ và tôn vinh nông dân Việt Nam có thành tích nổi bật về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Việc nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi trong các cấp HND đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại./.
Bài và ảnh: Lam Hồng