Nghĩa Hưng đạt chuẩn huyện Nông thôn mới (Kỳ II)
Cập nhật lúc 9:9, ngày 19/06/2018 (GMT+7)
...Trước khi rời Nghĩa Minh, theo đề nghị của nhà văn Lê Hoài Nam, chúng tôi tới thăm ngôi trường trung học phổ thông ba tầng, mới tinh khôi trên mặt bằng 15.000m2, cạnh quốc lộ 37B

 

Ảnh minh họa (nguồn Báo Nam Định)

Trước khi rời Nghĩa Minh, theo đề nghị của nhà văn Lê Hoài Nam, chúng tôi tới thăm ngôi trường trung học phổ thông ba tầng, mới tinh khôi trên mặt bằng 15.000m2, cạnh quốc lộ 37B, trong khu trung tâm của xã. Chủ tịch Trinh Minh Tuấn tâm sự rằng Nghĩa Minh rất tán thành khi trên đưa một trường cấp III về đây. Con em Nghĩa Minh, chuyển cấp học lên, chả phải đi đâu xa. Mới thành lập 3 năm, với 16 lớp, 685 học sinh, tỉ lệ tốt nghiệp cao, thi đỗ Đại học xếp thứ 787/2500 trường trung học phổ thông toàn quốc. Thầy Hoàng Văn Đạm, hiệu trưởng "đãi khách" bằng cách mời đoàn lên tầng thượng để nhìn quang cảnh quê hương Nghĩa Minh đang mở mang. Theo tay chỉ của bí thư Vũ Văn Thuỵ, kia là xưởng may 600 công nhân đang khai móng, kia là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp về đây hạ trại. Còn đây, bên ngôi trường cao tầng này là khu đất công của xã đã được đặt trên bàn thiết kế. Nhà văn hoá xã rất bề thế đang lên tầng...Giao thông thuỷ, bộ liền tuyến thông luồng, khu trung tâm này đang đứng lên dáng dấp một Nghĩa Minh thị tứ nay mai.

          Nối tiếp hành trình, chúng tôi về Nghĩa Sơn, một trong 10 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đón khách, bí thư Đảng uỷ Ngô Công Tác, phó bí thư Đỗ Minh Hải, chủ tịch Vũ Văn Đăng tề tựu tại trụ sở.  Nhìn vào bản đồ Nghĩa Sơn, tôi đoán chỗ mình đang ngồi chỉ cách tỉnh Ninh Bình chừng 1km, bên dòng sông Đáy phía tây. Quay sang đằng đông, chỉ mấy trăm mét bên kia sông Ninh là huyện Hải Hậu. Phía bắc giáp giới xã Nghĩa Trung và thị trấn Liễu Đề trên kia chỉ rộng chừng 5 cây số. Thế mà Nghĩa Sơn lại "đỡ trên tay" đến 9 km chiều dài tỉnh lộ 490C (đường 55 cũ), và "gánh" 24 km đê đại hà của tỉnh. Nghĩa Sơn có diện tích tự nhiên đến 1.477,33ha, với dân số 15.276 người. Một xã có 28 xóm của 8 thôn quần tụ, các thôn hình thành và phát triển có những nét văn hoá riêng.Trên địa bàn Nghĩa Sơn có tới 14 công trình tôn giáo tín ngưỡng với 3 ngôi chùa, 8 nhà thờ Giáo họ, 3 Giáo đường (Giáo xứ Đại Đê, Giáo xứ Quần Liêu, Giáo xứ Tân Liêu). Nghĩa Sơn là xã nông nghiệp gắn với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhân dân có việc làm ổn định, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, hệ thống thuỷ lợi, các công trình phúc lợi công cộng của địa phương trước khi thực hiện Đề án, tương đối hoàn chỉnh so với bộ tiêu chí Quốc gia. Đó là thuận lợi mà Nghĩa Sơn đã tạo dựng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng trước khi thực hiện Đề án, xã Nghĩa Sơn mới chỉ có 7/19 tiêu chí đạt yêu cầu. Tính toán ban đầu cần đến số vốn hàng trăm tỉ cho tất cả các hạng mục. Cán bộ chỉ đạo, quản lý của Nghĩa Sơn sang huyện Hải Hậu, xã điểm Hải Đường tham khảo và học tập, về lập đề án mới sát hợp hơn. Nhà nước đã đầu tư 24 tỉ, nhân dân đóng góp 9 tỉ...Tổng kết 3 năm, Nghĩa Sơn đã chuyển đổi giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 5,3% năm 2011 xuống 2,9% cuối năm 2013, nâng mức thu nhập bình quân một người một năm từ 11 triệu đồng năm 2011 lên 29,15 triệu năm 2013. Đáng chú ý là sự chuyển đổi cơ cấu lao động của xã đi lên theo hướng phát triển đáng mừng, trong đó, tỉ trọng lao động Nông nghiệp giảm từ 41% xuống 29,5%; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tăng từ 36% lên 44,3%; Thương mại - Dịch vụ tăng từ 23% lên 26,3%. Hơn một trăm phòng học cao tầng cho hơn hai nghìn học sinh của xã. Mỗi làng một nhà văn hoá mới, cỡ 400 triệu đồng, khá tiện nghi. Khu xử lý rác thải cận kề trại lúa giống Nghĩa Sơn. Mùa màng tăng sản, tăng vụ, các hình thái gia trại, trang trại xuất hiện. Đồng ruộng thênh thênh cho cơ giới hoá vận hành. Anh Ngô Công Tác nói vui rằng bây giờ lo công việc đồng áng chỉ toàn các bà các chị U40, U50. Còn các em đến tuổi đi làm đều có công việc ổn định thu nhập khá trong Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn với các công ty may mặc, giày da, hạt nhựa...trong và ngoài nước đứng chân ở đây. Kề hàng cây xanh bên dòng sông quê, là những xưởng thợ choàng áo màu xanh nõn chuối nơi hàng nghìn công nhân trẻ của Nghĩa Sơn cùng các xã lân cận thay kíp đổi ca, vui như hội. Nghĩa Sơn còn có xưởng gạch, xưởng thuyền quy mô khá lớn. Bên kênh Quần Liêu, các tay nghề thành thục và đội ngũ kỹ thuật ở đây đã cho hạ thuỷ những con tàu 1000 tấn. Đêm Nghĩa Sơn sáng đèn và chớp sáng ánh lửa hàn. Tuy vậy, địa phương vẫn còn có cái khó chưa thể tháo gỡ, chưa tìm được mặt bằng cho một sân vận động đạt chuẩn. Đất đã giao cho dân sở hữu, đất hai lúa do Nhà nước kiểm soát, sao có thể khinh suất, tuỳ tiện huy động được.

          Ngồi với nhau bên chén trà, tôi bỗng thấy nể trọng các anh, những người nói năng chẳng có gì là cao giọng mà việc làm thì dân tin theo, cấp trên ủng hộ, một núi công việc sắp hoàn tất. Ngô Công Tác rủ rỉ: "Cán bộ không được né tránh, mình là công bộc của dân, gặp khó cần tiếp xúc đối thoại. Vào cuộc, nhiều đêm không ngủ, thao thức, trăn trở, nửa đêm còn gọi điện trao đổi công việc". Được biết Ngô Công Tác từng là lính phòng không, từng có mặt ở mặt trận biên giới tây nam...Xuất ngũ về quê, hai mươi bốn tuổi đã làm đội trưởng sản xuất, thông thuộc đồng đất sông nước quê hương. Qua anh, tôi được biết hầu hết cán bộ chủ chốt của Nghĩa Sơn, lớp trẻ kế cận được đào tạo cơ bản về chính trị, về chuyên môn. Tôi thấy các anh lại vừa có thêm một "chứng chỉ tốt nghiệp" nữa sau 3 năm chung sức xây dựng quê nhà.

          Trở về nhà khách Huyện uỷ, tôi chong đèn đọc tài liệu. Ngoài kia, đêm xuân Nghĩa Hưng đang trôi trong mưa xuân sa mù biển. Gió lạnh đợt rét tăng cường có thể làm chậm tiến độ xuống đồng. Tất nhiên đây cũng chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện", cả cái đợt rét hại này cũng đã được "lên lịch" rồi, không ai bị động cả. Trời dần sáng, tôi và Lê Hoài Nam cùng reo lên trong điện thoại khi nghe trưởng đoàn Đào Thắng thông báo rằng  anh sẽ đáp xe buýt Nam Định - Liễu Đề để chính thức tham gia vào nhóm công tác Nghĩa Hưng. Là bộ đội chủ lực thời chống Mỹ, anh lính trẻ Đào Thắng từng bám trụ trên trận địa phòng thủ bờ biển Nghĩa Thắng, Hải Thịnh những năm tháng chiến tranh gian khổ. Chắc hẳn ông nhà văn này lại nhớ Nghĩa Hưng nên đánh đường về đây.

          Cuộc tiếp xúc tại trụ sở Ủy ban Nhân dân thị trấn Quỹ Nhất gây cho Lê Hoài Nam những phấn chấn, cởi mở khiến anh có thể hát khá truyền cảm đoạn mở đầu bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng khi chúng tôi yêu cầu. Nhà văn quê Nghĩa Hưng này giở ba lô lấy tập truyện "Bữa tiệc ly" vừa in, trong đó có truyện "Đêm Thánh", ký tặng lãnh đạo xã. Chủ, khách hồ hởi. Chủ tịch Vũ Trọng Dương, phó chủ tịch Phạm Văn Hà tặng khách mỗi người một cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương và tập tài liệu tổng kết 3 năm xây dựng nông thôn mới. Thị trấn Quỹ Nhất được thành lập năm 2007 trên cơ sở xây dựng phát triển của xã Nghĩa Hoà, nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế thương mại dịch vụ phía tây nam của huyện Nghĩa Hưng. Quá trình xây dựng nông thôn mới của thị trấn được khởi đầu từ khá sớm. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, địa phương nhanh chóng đưa vào quy hoạch xây dựng các công trình mới trên diện tích đất thu hồi của các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, phải giải thể. Tiến hành các chiến dịch thuỷ lợi, giao thông nội đồng, nâng cấp kênh mương, cất bốc mấy trăm nấm mộ vô chủ, quy tập về nghĩa địa. Tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch các khu thâm canh, chuyên sản lúa màu. Củng cố hợp tác xã, nâng cấp chợ Quỹ, mở bến xe khách liên tỉnh, khuyến khích phát triển các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt chú trọng củng cố hệ thống chính trị, xây dựng khối đoàn kết lương giáo, xây dựng các hương ước, quy ước, kiên quyết bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hoá nông thôn. Ngày xã được nâng cấp thành đô thị loại V, Quỹ Nhất là thị trấn nông nghiệp, diện tích tự nhiên 550 ha, dân số trên 6000 người, với 9 khu phố, 80% đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Trong Đề án xây dựng nông thôn mới, năm 2011,  thị trấn có 6/19 tiêu chí đã đạt chuẩn. Triển khai công việc xây dựng từ ngoài đồng vào trong phố, xác định làm cơ sở vật chất hạ tầng trước, mở đường cho cơ giới ra đồng, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, chuyển đổi nhanh cơ cấu mùa vụ. Hoa, cà chua, bí xanh...trên ruộng một màu hai lúa, hai màu một lúa, ba màu một lúa, tuỳ năng lực thâm canh tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao của mỗi hộ gia đình mà bắt tay gối sóng. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với thị trường. Bài học cà chua chất vào kho rồi đổ đi ở đây ai cũng nhớ. Phó chủ tịch Phạm Văn Hà kể rằng có lúc một quả cà chua Quỹ Nhất đưa vào các siêu thị, giá tương đương một quả trứng vịt lộn. Đất trồng cấy đột ngột tăng năng suất, trồng ra trái, hái ra tiền. Trồng hoa hồng một sào một lứa thu về từ 7- 12 triệu đồng. Cà chua quanh năm - cà chua vụ đông một mẫu thu về cỡ 300 - 400 triệu. Thị trấn xuất hiện những doanh nhân giỏi, các cửa hiệu, nhà hàng tấp nập, nghiêm chỉnh thực hiện luật doanh nghiệp.  Đặc biệt, Quỹ Nhất đã nâng phiên chợ truyền thống cuối năm thành "Hội chợ Tất niên Quỹ Nhất" từ ngày 24 đến 30 tháng Chạp, thu hút hàng nghìn bạn hàng gần xa cùng cơ man người về mua sắm. Hàng họ chả thiếu thứ gì. Có hộ kinh doanh giỏi thu về cỡ 700 - 800 triệu đồng tiền bán hàng chợ Tết. Bến xe Quỹ Nhất tăng lên 50 đầu xe với 150 lái xe tải, xe khách, tắc-xi được đào tạo bài bản. Thợ máy, thợ nguội, dịch vụ cơ khí sửa chữa, điện tử trưng biển mời chào. Cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp xuất khẩu theo nhau dựng nghiệp. Một doanh nghiệp 200 việc làm đứng chân ở đây với nhiệm vụ làm sạch môi trường. Quỹ Nhất đang về đích.

"Một thị trấn phát triển nhanh đến chóng mặt!"- anh Đồng Xuân Lực vui vẻ bổ sung. Quỹ Nhất hôm nay đang làm nức lòng người về còn bởi sự an lành của đức tin và niềm tin trong sáng tình nghĩa giáo lương đoàn kết, trong nền nếp của quy chế văn hoá thị trấn và ý nguyện nhân văn bao người. Lễ Giáng sinh hằng năm ở đây đã trở thành ngày lễ của cả bà con Phật tử, họ nối bước sau kiệu Thánh về Giáo đường Quỹ Nhất, tôn kính và thành tâm. Ngày lễ Phật đản, chùa Quỹ Nhất cũng mở hội đón mừng bà con anh em trong Giáo họ, Giáo xứ về dự lễ dâng hương.

          Tản bộ trên trục đường làng bên bờ sông Thạch Giang, nước trong kè đá xanh xa hút tầm mắt, chúng tôi thực mục sở thị các hạng mục công trình, khá đẹp ở đây. Tên con sông quê gợi nhớ tên ấp Thạch Giang hình thành năm 1851, triều vua Tự Đức, với 27 suất đinh về đây khai hoang lập nghiệp,  nguồn cội ân tình của Quỹ Nhất hôm nay. Cây gạo già trên trăm tuổi vẫn đứng hiên ngang giữa con đường trục, một đại thụ chứng nhân của thị trấn suốt trường kỳ gian khổ của dân tộc, của mảnh đất bên bờ sông Đáy đang cất mình lên. Qua đài Liệt sĩ, cầu đá, hồ xuân, chúng tôi vào tham quan Thánh đường Quỹ Nhất cổ kính uy nghi. Chốn thiêng liêng này từng hiện hữu trong tiểu thuyết "Xung đột" nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải từ năm 1957, giờ nhiều người còn nhắc nhớ. Năm 1997, từ thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Khải về Nam Định. Ông cùng nhà văn Lê Hoài Nam đã đứng đây chiêm ngưỡng tượng Thánh Mẫu, đã từ tốn dạo bước trong sân nhà xứ thênh thang. Tác giả tiểu thuyết "Xung đột" hứa sẽ viết tiếp tiểu thuyết "Hậu xung đột", trở lại Nghĩa Hưng lần nữa. Tiếc thay, việc ấy không thành, nhà văn đã ra đi mãi mãi... Các nguyên mẫu trong tiểu thuyết mỗi người một phận, người mất, người còn, người đang ở xa dốc lòng tâm nguyện, góp tiền công đức gửi về tôn tạo nghĩa trang, dâng lên tu bổ Thánh đường.

          Trước khi rời Nghiã Hưng trong chuyến đi này, chúng tôi tìm về Nghĩa Lâm, dâng hương đền thờ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, một nhà giáo đức độ, một vị Nho tướng tổng chỉ đoàn quân nghĩa dũng 365 sĩ tử Nam Định lên đường từ thành Nam vào Nam đánh giặc khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng tháng 8 năm 1858. Ông cũng là vị quan Hải phòng sứ Nam Định, lập các đồn Tức Tranh, Ba Lạt canh phòng cửa biển, có công chiêu mộ dân khai khẩn đất bãi bồi lập nên tổng Sĩ Lâm. Đền thờ danh nhân với 4 chữ “Công thùy vạn cổ” (Công lao lưu truyền muôn đời) trên bức đại tự tiền sảnh đã nói được lòng biết ơn của nhân dân sở tại với nhà doanh điền thế kỷ XIX ở Nghĩa Hưng.

Bút ký của Phạm Trọng Thanh

Tác phẩm dự giải “Búa liềm vàng” lần thứ III- năm 2018