Anh Vũ Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) với mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc công nghệ cao.
Về quê lập nghiệp, được tuyển dụng làm công chức công tác tại địa phương, anh ấp ủ dự định mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao. Từ những kinh nghiệm khi còn làm trong Khu nông nghiệp công nghệ cao, anh đã vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả, đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới. Từ năm 2015, anh mua giống dưa lê Hàn Quốc về trồng thử trên diện tích 200m2.
Trải qua những khó khăn ban đầu do cây chưa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhờ thường xuyên chịu khó học hỏi, tìm hiểu thêm thông tin trên sách, báo, các chương trình truyền hình, anh đã dần nắm bắt và thành thục kỹ thuật trồng, chăm sóc. Năm 2017, anh mở rộng thêm 600m2; năm 2019 anh phát triển thêm 1.800m2, nâng tổng diện tích trồng lên 2.600m2 . Để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, anh luôn chú trọng khâu cải tạo đất, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây, chỉ sử dụng phân hữu cơ sinh học tự ủ, đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Cùng với đó, anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, chủ động điều khiển độ ẩm, căn chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn phát triển, cung cấp dinh dưỡng cho dưa phát triển đồng đều. Anh Khá cho biết: “Quê tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, nhưng người dân chủ yếu vẫn canh tác theo kiểu truyền thống, ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết, sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu do người dân ngày càng chú ý đến vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm; đây cũng là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính bền vững, hạn chế được rủi ro do tác động của thời tiết, sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, đó là động lực giúp tôi quyết tâm kiên trì thực hiện ước mơ”. Để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Khá cùng với 2 anh em khác thành lập tổ liên kết sản xuất các sản phẩm trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh dần phát triển ổn định, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đều tăng, được nhiều khách hàng biết tới. Trung bình một năm anh trồng 3 vụ dưa, tổng sản lượng đạt 7,5 tấn với giá bán từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. Để hạn chế sâu bệnh, anh thực hiện trồng luân canh các loại cây khác như dưa chuột, cà chua. Các sản phẩm dưa lê Hàn Quốc, cà chua Monaco Israel, dưa chuột baby Hà Lan của tổ liên kết hiện đã có mặt tại nhiều cửa hàng, trung tâm nông sản sản sạch trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hà Nội, Hải Dương...
Tại xã Hải Cường (Hải Hậu), anh Lê Tiến Đạt thuộc thế hệ 9X cũng rất thành công với mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, xin làm việc ở các mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh về quê vay vốn, thuê đất, bắt tay xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng 700m2 gồm khu nhà màng, nhà lưới khung thép kiên cố, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng thử nghiệm các loại rau, quả, đặc biệt là giống dưa lưới của Nhật Bản theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Nhờ tư duy sản xuất mới và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đến nay, anh đã sở hữu cơ sở trồng rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh và tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Trên địa bàn tỉnh những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Văn Công, hội viên nông dân xã Hải Xuân phát triển mô hình chăn nuôi gà lấy trứng sạch với hệ thống trang trại hiện đại áp dụng công nghệ Thái Lan, công nghệ Đức; Nguyễn Lương Bằng, xã Hải Trung với mô hình trang trại nuôi thỏ theo phương pháp an toàn sinh học; Phạm Văn Quang, xã Hải Chính với trang trại nuôi tôm theo “công nghệ 4.0” sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi; Nguyễn Văn Toán, chủ trang trại chăn nuôi lợn VietGap ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại huyện Xuân Trường… Để khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; lựa chọn những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Ở hầu hết các huyện, thành phố đều đã có mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, HACCP..., quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ; các chương trình quản lý tiên tiến trong sơ, chế biến nông sản./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn:baonamdinh.com.vn