Kỹ thuật nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể
Cập nhật lúc 14:45, ngày 05/11/2020 (GMT+7)
Lươn là loài lưỡng tính tiền nữ, thân hình rắn, tròn dài và dẹp ở phía đuôi, da trơn, xương sọ rắn, đầu tròn tương đối lớn và cao hơn thân. Mõm ngắn, miệng bé, rạch miệng hơi cong. Mang, vây ngực và vây bụng thối hoá. Lươn hô hấp chủ yếu nhờ da, xoang bụng, ruột. Lươn sống ở nhiều vùng nước khác nhau như ở sông, hồ, ao, đầm, ruộng, cống, mương rảnh…, lươn ưa sống trong bóng tối, ở đáy những vùng đất sét, đất pha bùn, nơi nước tĩnh, chịu đựng được các điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống, th

 

Lươn là loài ăn tạp thiên về động vật, rất ham ăn và hung dữ. Tuy nhiên chúng cũng dễ chuyển đổi khi loại thức ăn thích hợp bị khan hiếm. Lươn là loài ăn động vật, chúng thích ăn giáp xác, nhuyễn thể và nhất là động vật có mùi tanh. Khi còn nhỏ, lươn ăn sinh vật phù du, giai đoạn tiếp ăn côn trùng, trùn chỉ, bọ gậy, ấu trùng chuồn chuồn, ăn cả mùn bã, mảnh vụn hu cơ. Lươn lớn ăn giun, ốc, tôm, tép, cá con, nòng nọc và những động vật trên cạn gần mép nước…

Trong những năm gần đây phong trào nuôi lươn phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nuôi lươn thịt trong bể xi măng, bể bạt, bể composite, bể đất, trong ao, mương ruộng ... Nguồn lươn giống được thu gom trong tự nhiên không nhiều, tỷ lệ sống thấp, chất lượng kém do bị đánh bắt bằng các hình thức nguy hại như chít điện, dùng hóa chất, thuốc nhử có độc…Tuy nhiên hiện nay vấn đề sinh sản lươn đã được giải quyết tốt và đang từng bước chủ động về con giống.

Tại tỉnh Nam Định, phong trào nuôi lươn đồng chưa phát triển nhiều, mới chỉ có một số hộ nuôi tại Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Kỹ thuật nuôi không quá khó, đầu tư nhỏ và có thể tận dụng chuồng chăn nuôi lợn để cải tạo sử dụng làm bể nuôi lươn, nuôi lươn không mất quá nhiều công sức nhưng cho lợi nhuận cao. Để nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể đạt hiệu quả bà con nông dân trong tỉnh cần thực hiện tốt theo quy trình kỹ thuật sau:

1.  Chuẩn bị bể nuôi lươn

Nuôi lươn trong bể xi măng lót bạt có giá thể hoặc bể bạt cao su có giá thể cho lươn trú ẩn. Giá thể phục vụ cho nuôi lươn thương phẩm có nhiều loại như dây nilon, cỏ, cây bắp khô, chà tre, cây bó lại thành từng bó…

Bể có diện tích từ 10-50m2, độ sâu của bể 60-80cm, có bố trí ống rút cạn nước hoặc giữ nước lại khi cần. Ống phải bịt lưới để lươn không chui đi mất. Trước khi thả giống phải tháo cạn bể, tạt đều vôi bột nơi thành và đáy bể (1kg vôi bột hòa tan 10 lít nước, lắng lấy nước trong) hoặc chlorin 10ppm (1 gam trong 1 m3 nước) để diệt mầm bệnh và điều chỉnh pH, phơi nắng 1-2 ngày, đưa nước vào đầy bể và ngâm 4-5 tiếng, sau đó tháo cạn nước cũ cấp nước mới trung bình 20-30cm để thả giống. Nên đo pH của nước trong bể khoảng từ 7-8 là thích hợp.

2. Lươn giống thả nuôi

Có 2 loại lươn giống: Giống lươn nhân tạo và giống đánh bắt từ tự nhiên. Tuy nhiên nên mua lươn được sản xuất giống nhân tạo tại Nha Trang, Tiền Giang, Cần Thơ…vì lươn đã chịu được điều kiện nuôi nhốt, không phải thuần như lươn tự nhiên nên trong quá trình nuôi cho tỷ lệ sống cao.

Lươn giống tự nhiên: Chọn lươn bằng cách quan sát ngoại hình, lươn khỏe, đều cỡ, có màu sắc sáng đặc trưng của loài, không bị sây sát, không bị mất nhớt, vận động nhanh nhẹn. Trước khi thả lươn vào bể nuôi nên tắm nước muối 3% từ 5-10 phút.

Lươn giống nhân tạo: có nhiều từ tháng 5 đến tháng 9. Kích thước giống nhân tạo 2-4 g/con, khoảng 400-500 con/kg. Lươn giống nhân tạo nên chọn lươn đều cỡ, bơi lội nhanh nhẹn, không bị sây sát.

Mật độ nuôi thả lươn trong bể tạm 300-400 con/m2 (đối với lươn tự nhiên). Cỡ giống 2-4 g/con, mật độ nuôi 150-200 con/m2. Cỡ giống từ 20-30 hoặc 30-40con/kg, mật độ nuôi 60-80 con/m2. Nên chọn giống có kích cỡ đồng đều nhau để tránh tình trạng cạnh tranh thức ăn, con lớn vượt đàn ăn thịt con lươn có kích cỡ nhỏ hơn.

3.  Thức ăn

Thức ăn cho lươn có nguồn gốc động vật và có mùi tanh như cá tạp, cá vụn, ruột ốc bươu vàng, tạp, phụ phẩm lò mổ…phải bằm nhỏ vừa cỡ miệng lươn. Thức ăn chế biến gồm các thành phần gốc động vật (cá tạp, bột cá…) trộn với cám gạo, bột đậu nành, tấm, bột bắp và một số chất bổ sung như premix khoáng, vitamin… và nấu chín để hạn chế sự ô nhiễm nước bể nuôi. Lươn cũng có thể ăn thức ăn viên công nghiệp.

Khẩu phần ăn: Thức ăn tươi sống (cá tạp, cua, ruột ốc, hến, vẹm, mực, phụ phẩm lò mổ…) 3-7% trọng lượng thân. Thức ăn chế biến 5-10% trọng lượng thân.

Hàng ngày theo dõi mức độ ăn của lươn để điều chỉnh phù hợp, nên cho ăn vừa đủ và vớt sạch thức ăn dư trong bể, dưới đáy bể sau mỗi lần cho ăn. Không để lươn bị đói nhưng cũng không cho thức ăn dư thừa sẽ gây ô nhiễm nước trong bể hoặc lươn ăn quá nhiều dễ bị bội thực và chết.

4. Quản lý môi trường và sức khỏe lươn nuôi

4.1. Quản lý môi trường nước

Quản lý nước nuôi: mức nước trung bình 20-30 cm là thích hợp để lươn dễ dàng chủ động hô hấp khí trời. Cần phải thay nước bể nuôi hằng ngày, nên thay nước trước khi lươn ăn để cải thiện chất lượng nước, cung cấp đủ lượng oxy hòa tan và ổn định nhiệt độ trong bể nuôi. Lượng nước thay từ 2/3 đến toàn bộ và tùy thuộc chất lượng nước, không để nước có mùi hôi.

 4.2. Quản lý hoạt động và sức khỏe lươn

Hàng ngày quan sát hoạt động của lươn để phát hiện những biểu hiện không bình thường và kịp thời khắc phục.

Kiểm tra quá trình tăng trưởng của lươn: định kỳ kiểm tra 30 con và cân đo trọng lượng, chiều dài để đánh gía mức độ tăng trưởng, đồng thời có căn cứ để tính toán lượng thức cho lươn trong giai đoạn tiếp theo.

5. Một số bệnh thường gặp và các biện pháp phòng bệnh

5.1 Bệnh nấm thủy mi

Do loài nấm Saprolegnia spp. nhiễm vào lươn qua các vết thương. Trên da lươn xuất hiện những vòng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông trên thân. Bệnh xuất hiện khi nuôi với mật độ dày, lươn bị sây sát, nước nuôi ít thay và bị ô nhiễm.

Phòng trị:

Áp dụng các giải pháp phòng bệnh tổng hợp, nếu lươn có ít vết thương có thể sát trùng trực tiếp trên da dung dịch Potassium dichromate 5% hoặc dung dịch Iodine 5%.

Nếu bị nhiễm bệnh số lượng lớn, có thể sử dụng Postassium dichromate 20-24ppm để tắm cho lươn từ 5-10 phút

5.2 Bệnh giun đầu móc (Acanthocephala)

Bệnh thường xảy ra do cho lươn ăn thức ăn là cá tạp và thức ăn tươi sống còn tồn tại giun. Giun đầu móc ký sinh trong ruột, đoạn ruột có giun ký sinh bị phình to. Bệnh giun nội ký sinh thường không gây thành dịch, không làm chết hàng loạt nhưng ảnh hưởng đến tăng trưởng của lươn, làm lươn chậm lớn, gầy yếu. Nếu ký sinh với số lượng nhiều sẽ gây hiện tượng tắc ống dẫn mật hoặc tắc ruột, giun có thể đâm thủng ruột tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn khác phát triển và gây ra những bệnh nguy hiểm khác.

Phòng trị.  

Giữ sạch bể, nước cấp sạch không chứa mầm bệnh và ấu trùng giun sán. Không cho ăn thức ăn tươi sống. Định kỳ dùng thuốc tẩy giun sán trộn vào thức ăn cho lươn ăn.

Chú ý:

Trước khi thả giống cần phải khử trùng lươn giống, thức ăn và dụng cụ nuôi lươn; Tắm cho lươn bằng thuốc tím 20ppm 15-20 phút hoặc nước muối 3% trong 5-10 phút.

Thức ăn phải được làm sạch không cho ăn thức ăn hôi thối.

Thường xuyên rửa sạch sàn ăn, khử trùng dụng cụ nuôi lươn và thay nước. Kịp thời dọn sạch thức ăn dư thừa. Theo dõi chặt chẽ hàng ngày tình hình ăn của lươn, khả năng bắt mồi, dọn sạch thức ăn dư thừa, thức ăn đầy đủ và sạch, không bị hư hoặc ôi thiêu.

Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra nhiệt độ, chất lượng nước, đảm bảo nước nuôi sạch. Phát hiện kịp thời lươn có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện bất thường hay nổi đầu để kịp thời xử lí và chữa trị.

Th.sỹ Trần Thọ Đan - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và HTND tỉnh