Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 1)
Cập nhật lúc 10:24, ngày 08/04/2022 (GMT+7)
Tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đến nay cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã từng bước được điều chỉnh phát triển theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương. Nhiều loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều gia tăng về sản lượng, giá trị, mang lại hiệu quả tích cực cho người nông dân. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngành N

 


 Khai thác thế mạnh ven sông Hồng của địa phương, người dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)
đã đầu tư nuôi cá lồng tạo sản phẩm sạch, mang lại nguồn thu nhập cao.

Bài 1: Thành quả toàn diện tái cơ cấu nông nghiệp

Bám sát tinh thần chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết 26/NQ-TW (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tỉnh ta đã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai khá đồng bộ với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp, người nông dân nên nhiều nội dung đạt kết quả khá. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, toàn ngành đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời vụ; ứng dụng cơ giới hóa, đưa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả hơn. Thông qua chương trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ thâm canh sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông dân thuê gom, tập trung tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Từng bước hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác từ 64,54 triệu đồng/ha năm 2008 lên 120 triệu đồng/ha năm 2020 (giá so sánh 2010).

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) và tập trung ruộng đất đã được các địa phương hoàn thành. Nam Định là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đồng thời là 1 trong 2 tỉnh được Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 sớm nhất của cả nước. Công tác DĐĐT đất nông nghiệp được triển khai trên toàn tỉnh từ năm 2010, cơ bản hoàn thành trong năm 2013. Sau DĐĐT, không chỉ giảm số thửa của mỗi hộ mà quỹ đất công ích manh mún trước đây được tập trung gọn thành các cánh đồng lớn và dồn về một số vị trí thuộc quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng đồng ruộng, nhất là hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng được chỉnh trang, nâng cấp. Đặc biệt, hầu hết các xã, thị trấn đã quy hoạch được các vùng “cánh đồng lớn” để chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Từ sau khi DĐĐT, với sự khuyến khích, tạo điều kiện của tỉnh và các địa phương, việc tập trung tích tụ ruộng đất diễn ra nhanh và thuận lợi hơn. Đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tích tụ được 1.750ha ruộng đất phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Cường Tân trên 300ha, Công ty TNHH Toản Xuân gần 600ha, Công ty Cơ khí Đình Mộc 96ha...

 

Mô hình trình diễn giống lúa Thiên Trường 900 của Trung tâm Giống cây trồng
(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Từ kết quả tích tụ ruộng đất đã hình thành hàng trăm mô hình “cánh đồng lớn” ở các địa phương với tổng diện tích khoảng 20 nghìn ha/năm để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt đạt nhiều kết quả tích cực; giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác năm 2020 đạt 120 triệu đồng, gấp 1,9 lần năm 2008. Bốn nội dung chính của tái cơ cấu trồng trọt là đổi mới cơ cấu giống theo hướng chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các mô hình liên kết; chuyển đổi canh tác linh hoạt trên đất trồng lúa và ứng dựng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp được tập trung thực hiện đồng bộ: Cụ thể, để nâng cao tỷ trọng nông sản hàng hóa, giá trị gia tăng của các sản phẩm, phục vụ chế biến, xuất khẩu và sản xuất bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chú trọng đổi mới cơ bản bộ giống lúa và các giống cây trồng chính, chủ lực của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 29% diện tích (năm 2008) lên 85% diện tích (năm 2020); các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng, yếu cây, kém chịu úng trong vụ mùa được thay thế cơ bản bằng các giống chống chịu sâu bệnh, cứng cây, chịu úng, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Các giống cây rau màu được chuyển đổi theo hướng chất lượng, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Một số giống cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao (cây dược liệu, khoai tây giống Đức, Hà Lan, ngô ngọt...) được du nhập và phát triển nhanh diện tích. Việc phát triển các mô hình “cánh đồng lớn”, mô hình liên kết sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được các địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân quan tâm. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành được 458 cánh đồng lớn ổn định với quy mô từ 30ha trở lên; trong đó có 12 cánh đồng liên kết giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và mô hình liên kết tăng từ 15-20% so với cách làm riêng lẻ cũ. Năng suất lúa trong các mô hình cánh đồng lớn đều tăng hơn so với sản xuất đại trà từ 5-15% tùy theo giống, từng vụ; hiệu quả kinh tế tăng so với trồng đại trà từ 2-10 triệu đồng/ha. Từ năm 2008 đến năm 2020, các địa phương đã chuyển đổi được hơn 15.400ha đất trồng lúa, với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi đến hàng chục lần so với trồng lúa. Tiêu biểu như các mô hình trồng cây khoai môn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); mô hình chuyển đổi sang trồng sen tại xã Minh Tân (Vụ Bản); mô hình trồng cây măng tây tại HTX Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy)... Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Kết quả hàng năm, tỉnh ta thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản; tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) với quy mô 7ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo cấy và khâu thu hoạch, được cơ giới hóa mạnh mẽ đã tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, công lao động nặng nhọc cho nông dân.

Các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với sâu bệnh được khảo nghiệm, trình diễn, bổ sung vào cơ cấu và mở rộng nhanh diện tích thay thế cho các giống lúa cũ có chất lượng gạo thấp và chống chịu sâu bệnh kém. Ở vùng ven biển đã đổi mới cơ cấu giống cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 20% diện tích năm 2008 lên 85% diện tích năm 2020; một số giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa như Bắc Thơm số 7, Lưỡng Quảng 5… được thay thế bằng các giống chống chịu sâu bệnh, do đó đã nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 7-10% so với trước đây. Cơ cấu giống khoai tây, ngô, rau các loại và nhiều loại cây trồng khác cũng được đổi mới nhanh theo hướng chất lượng và hiệu quả. Chương trình phát triển giống cây trồng được triển khai tích cực và bước đầu cho kết quả tốt. Cụ thể, một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: M1, CS6, Thiên Trường 900, Ly 2099, Lai Thơm 6… và các giống khoai tây sạch bệnh, chất lượng cao đang được nghiên cứu, áp dụng trong sản xuất ở các địa phương. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống lúa của Tập đoàn Syngenta đã chọn tạo được một số giống lúa có triển vọng.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi lợn, đã bước đầu hình thành được một số mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô, áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học, mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn; phát triển ngành chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ tập trung; chăn nuôi gà ổn định cơ cấu và quy mô. Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 247 trang trại đạt tiêu chí mới. Về thủy sản, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, những năm qua tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Đã xuất hiện một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh thay thế cho phương thức nuôi truyền thống, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm ngao trắng (giống ngao Meretrix Lyrata) của tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn ASC, đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc với giá trị cao hơn 2-3 lần, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nuôi ngao của tỉnh.

Có thể khẳng định, vượt lên bộn bề những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu… tái cơ cấu nông nghiệp những năm qua của tỉnh ta đã đạt được một số kết quả khá toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động về sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Văn Đại