A. Phân loại rác thải sinh hoạt
Rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình được phân loại thành 3 loại chính: Rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác độc hại. Mỗi loại rác nên được đựng trong một xô rác riêng, được đánh dấu rõ ràng.
- Rác hữu cơ: Là các loại rác thải có khả năng phân hủy trong môi trường tự nhiên sau một thời gian ngắn như các loại rau, trái, rơm, các loại lá non, thực phẩm thừa,… có thể được xử lý làm phân bón hữu cơ
- Rác vô cơ: Là các loại rác khó phân hủy, tồn lưu trong môi trường tự nhiên trong thời gian rất dài như vỏ ruột của các loại xe, sành sứ, gạch vỡ, thủy tinh, thân, vỏ chai lọ…. Được chia làm 2 loại: rác tái chế (có thể sử dụng lại hoặc bán phế liệu) và rác không thể tái chế (thu gom tập trung tại điểm tập kết theo quy định, được đưa đi chôn lấp hoặc đốt).
- Rác độc hại: Là loại rác có chứa các thành phần độc hại ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh vật như: pin, ắc quy, vỏ bao bì hoá chất… được xử lý theo quy trình riêng.
B. Xử lý rác thải hữu cơ
I. Xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ rác
1. Chuẩn bị
1.1. Thùng ủ rác hữu cơ:
- Về cấu tạo: là thùng nhựa hình trụ, có nắp đậy kín miệng thùng.
Trên thành thùng có khoan nhiều lỗ nhỏ để lưu thông không khí. Gần mép đáy thùng có cắt 1 cửa có kích thước 20cm x 25cm để thu phân bón hữu cơ. Đáy thùng có đục lỗ để thoát nước rỉ rác trong quá trình ủ rác.
- Vị trí đặt thùng:
+ Thùng được đặt ở nơi thông thoáng, cách xa nơi ở, nguồn nước sinh hoạt.
+ Đặt thùng lên trên bệ được kê bằng gạch hoặc xi măng, đặt chậu nhựa bên dưới để thu nước rỉ từ rác.
1.2. Chế phẩm vi sinh hỗ trợ xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón
Chế phẩm vi sinh EMIC của công ty cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường, tác dụng:
+ Phân giải nhanh rác thải hữu cơ, phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh.
+ Tạo chất kháng sinh hoặc chất ức chế các vi sinh vật có hại, vi sinh vật gây bệnh.
+ Làm giảm thiểu mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi thối trong chất thải.
1.3. Lọ nhựa sạch, có nắp kín để đựng chế phẩm vi sinh
Đổ chế phẩm vi sinh vào lọ có nắp kín để tiện sử dụng, đặt ở nơi khô ráo để tránh ẩm mốc
1.4. Chai nhựa 1,5 lít có đục nhiều lỗ trên miệng chai để pha chế phẩm vi sinh.
1.5 Pha chế phẩm vi sinh
- Tỷ lệ: 0,4g chế phẩm để xử lý 1kg rác
- Pha với nước: theo tỷ lệ: 02 thìa chế phẩm (thìa canh nhỏ) + 1 lít nước sạch
- Chú ý: Nước và đồ dùng để pha chế phẩm không được lẫn hóa chất, chất tẩy rửa, dầu mỡ...
- Chế phẩm đã pha còn thừa sau khi tưới vào thùng ủ rác có thể giữ lại trong chai để sử dụng cho lần tưới tiếp theo
2. Quy trình
- Mở nắp thùng ủ, cho rác hữu cơ đã phân loại vào thùng và tưới đều chế phẩm vi sinh, sau đó đậy kín nắp thùng.
- Lưu ý:
+ Đối với các loại rác hữu cơ có thân dài (dây leo, thân cây rau…) cần chặt nhỏ trước khi bỏ vào thùng ủ.
+ Không cho vào thùng ủ các loại cây có chứa tinh dầu như lá bạch đàn, lá tràm, lá xả tươi, vỏ cam, quýt.
+ Không cho hoa quả bị thối đã phát sinh giòi, bọ.
+ Không cho cây bị bệnh, không cho phân chó, mèo hoặc tã lót trẻ sơ sinh
- Mỗi khi lượng rác trong thùng đạt độ dày khoảng 20 - 30 cm thì tiếp tục tưới chế phẩm vi sinh kết hợp điều chỉnh độ ẩm của rác trong thùng phù hợp (khoảng 60%)
+ Nếu độ ẩm quá cao: cần bổ sung thêm lá cỏ khô, rơm rạ, vỏ trấu;
+ Nếu phát sinh giòi, bọ: rắc vôi bột, đảo đều rác trong thùng, bổ sung vỏ trấu, rơm rạ để giảm độ ẩm.
+ Nếu rác khô: bổ sung thêm nước, thêm chế phẩm nếu có mùi hôi thối.
3. Sản phẩm thu được
- Quá trình ủ rác thải hữu cơ sẽ phát sinh nước rỉ rác, được thu gom bằng chậu/khay nhựa đặt dưới đáy thùng ủ. Nước rỉ rác thu được có thể dùng để tưới lại vào thùng để tiết kiệm chế phẩm vi sinh, hoặc pha loãng với tỷ lệ 1-10 (1 nước rỉ rác - 10 nước sạch) để tưới cho cây trồng.
- Sau 30 - 45 ngày ủ, lớp rác dưới đáy thùng sẽ phân huỷ trước. Tiến hành lấy phân ra từ cửa ở thành thùng. Phân tơi xốp, không có mùi hôi thối, ngả màu nâu đen là đạt yêu cầu, được sử dụng để bón cho cây trồng. Nếu phân lấy ra bị ướt, chưa phân huỷ hết thì bỏ lại vào thùng để tiến hành ủ lại.
Lưu ý: Phân bón hữu cơ nên được phơi khoảng 1 ngày ở nơi khô thoáng để giảm nhiệt độ của phân hữu cơ trước khi đem bón cho cây trồng.
II. Xử lý rác thải hữu cơ bằng hố chôn lấp rác thải
1. Chuẩn bị
1.1. Đào hố ủ: Đào hố chôn lấp có kích thước dài x rộng x sâu là 0,6m x 0,6m x 0,7m, phần nhô lên mặt đất cao khoảng 0,2m để đặt nắp đậy.
Tránh đào hố gần mạch nước ngầm; không để nước xâm nhập vào trong hố rác (nước mưa, nước tưới...). Hố chỉ cần đào đủ rộng, không quá sâu.
1.2. Nắp đậy: Nắp đậy được làm từ vật liệu composite không phân huỷ trong môi trường ẩm hoặc làm bằng nhựa cứng, tôn gò. Nắp có kích thước đủ rộng để che kín miệng hố.
1.3. Chế phẩm vi sinh
Sử dụng chế phẩm vi sinh EMIC của công ty cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường. Các dụng cụ lọ nhựa đựng chế phẩm, chai nhựa, cách pha chế phẩm tương tự như quy trình xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ.
2. Quy trình
- Mở nắp hố ủ, bỏ rác hữu cơ đã phân loại vào hố và đậy kín nắp hố ủ.
- Khi rác có độ dày 20 - 30cm, cần tưới đều chế phẩm vi sinh lên bề mặt rác. Trong quá trình ủ cần duy trì độ ẩm trong hố ủ rác khoảng 50 - 60%.
Lưu ý: Khi mở nắp hố ủ cần tránh đứng trực diện, cần đeo khẩu trang và trang phục bảo hộ khác
- Khi hố ủ đầy, lấp đất phủ kín mặt hố ủ, đào hố ủ mới và bắt đầu lại quy trình. Nắp hố ủ được sử dụng để đậy cho hố ủ mới.
3. Sản phẩm thu được
Sau khi ủ khoảng 30 - 45 ngày lớp rác bên dưới sẽ thành phân hữu cơ, có thể sử dụng để bón trực tiếp cho cây trồng, hoặc lấp đất phủ kín và trồng cây trên miệng hố ủ.