Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ
Cập nhật lúc 10:21, ngày 04/10/2019 (GMT+7)
Với lợi thế là xã nằm dọc bên bờ sông Ninh Cơ, điều kiện lý tưởng cho phát triển nghề nuôi cá lồng và chăn nuôi thủy sản trên sông, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình hội viên nông dân xã Trực Cường, huyện Trực Ninh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 

Gia đình hội viên Ngô Văn Ánh chi Thái Học, xã Trực Cường là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở đây. Nhờ có sự tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc của kỹ sư thủy sản và những kiến thức được học qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp Hội Nông dân tổ chức, năm 2017 gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 40 lồng nuôi cá với nhiều loại đặc sản như: Cá lăng, cá trắm, cá chép giòn, cá diêu hồng... Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, giá bán trên thị trường dao động từ 150 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng/kg. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường trên 10 tấn cá, trừ các chi phí thu về từ 400 - 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với số tiền công hàng tháng là 6 triệu đồng.

Sau một thời gian nuôi cá trên sông, anh nhận thấy đây là mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên chia sẻ với các hộ hội viên nông dân cùng nhau tham gia thực hiện. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở về tăng cường mối liên kết theo chuỗi giá trị, giúp cho các hộ sản xuất kinh doanh giảm thiểu chi phí, tăng thu nhập thông qua hoạt động của tổ hợp tác. Từ nhận thức đó, anh đã tuyên truyền vận động một số hộ nuôi thành lập Tổ hợp tác “Nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ” với 9 thành viên tham gia. Với vai trò là tổ trưởng, anh đã cùng các thành viên nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp để xây dựng quy chế hoạt động; xây dựng vốn Quỹ để giúp đỡ các thành viên có nhu cầu hoặc mới bắt đầu tham gia. Từ đó đến nay, tổ đã duy trì hoạt động và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.


Tổ hợp tác “Nuôi cá lồng trên sông Ninh Cơ” nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp Hội Nông dân, các thành viên trong tổ hợp tác đã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương với thời gian 2 năm, với mức phí 8,4%/năm. Được hỗ trợ về vốn, các thành viên tham gia tổ hợp tác cảm thấy rất phấn khởi vì có thêm nguồn vốn để sửa sang lại lồng bè, mua thức ăn và vật tư đầu vào cho cá.

Anh Ánh chia sẻ: Mỗi bè cá lồng thường có kích thước 6x6m hoặc 6x9m tùy vào quy mô đầu tư chăn nuôi của mỗi gia đình. Giống và thức ăn cho cá được các hộ nuôi cá chọn mua ở các cơ sở nuôi trồng thủy sản uy tín. Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Vì vậy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cá, người nuôi thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu ô xy cũng như hạn chế việc phát sinh mầm bệnh. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh thì khả năng phát triển nuôi cá lồng ở đây rất tốt. Mỗi một lứa cá thường từ 1 - 1,5 năm, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Bên cạnh đó, để nuôi cá hiệu quả, các hộ dân sống dọc bờ sông luôn cùng nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường nước.

Ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Trực Cường cho biết: Địa phương đang chú trọng những mô hình phát triển kinh tế liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao như cá lồng. Chính quyền xã cũng tạo điều kiện để hội viên nông dân và nhân dân tận dụng lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, góp phần nâng cao đời sống và tạo việc làm cho lao động tại địa phương./.

 

     Thu Nga

Ban Tuyên huấn

CÁC TIN TỨC KHÁC