Hàng năm, hai ngành đã phối hợp chỉ đạo HND 3 huyện ven biển và các đồn biên phòng xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Lực lượng Biên phòng và các cấp HND trong tỉnh tập trung tuyên truyền hội viên nông dân các văn bản pháp luật liên quan đến chủ quyền biển đảo như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị định 71 của Chính phủ, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ... và các chủ trương, chính sách của địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, giúp người dân có cái nhìn đúng về quan điểm của Đảng và Nhà nước về giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, góp phần ổn định tình hình nhân dân trên địa bàn. Để tăng cường thế trận lòng dân bảo vệ biên giới và chủ động cho công tác nắm tình hình trên biển, hai ngành đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Ở các địa bàn biên phòng, đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng đã “bám dân, bám địa bàn”, thường xuyên phối hợp nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và giáo dân trên địa bàn thực hiện tốt các quy định về hoạt động tôn giáo; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với mô hình “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh trật tự”. Đã có 19/19 Hội Nông dân các xã, thị trấn và 524 tập thể, 2.281 hộ gia đình và 2.367 cá nhân tự nguyện ký kết tham gia phong trào.
Trong chương trình phối hợp vận động phát triển kinh tế - xã hội, hai ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua của HND; trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; vận động hội viên xây dựng mô hình trang trại, gia trại, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong 3 năm qua, hai ngành đã tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, như các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, mô hình trồng cây ăn trái và nhiều mô hình khác… Đến nay, toàn tuyến có 12 Tổ hợp tác, 15 Tổ hội nghề nghiệp và 03 Chi hội nghề nghiệp với hơn 500 thành viên tham gia. Từ phong trào xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh được vinh danh. Điển hình là ông Nguyễn Ngọc Minh, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu) với mô hình nuôi tôm thương phẩm với diện tích nuôi trồng là 5ha chia thành 35 vuông ao, canh tác mỗi năm 3 vụ, mỗi vuông trừ chi phí cho thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Ông Vũ Văn Chức, xóm 3 xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) với mô hình nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm ổn định cho 35 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí là 1,8 tỷ đồng…
Phong trào xây dựng nông thôn mới được các cấp HND tuyến biển phối hợp cùng BĐBP tích cực tham gia bằng những việc làm thiết thực như: xây dựng mới 02 mô hình “Tuyến đường hoa nông thôn kiểu mẫu”, 04 mô hình “Đường giao thông, cây bóng mát”, 02 mô hình “Vườn cây ăn quả” và nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” trên địa bàn 03 huyện tuyến biển với tổng số 37.157 thùng và trên 22.128 hố có nắp đậy xử lý men vi sinh tại các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, hai ngành đã phối hợp tham gia xây dựng các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Nạn nhân chất độc màu da cam”; xây dựng “Nhà tình nghĩa”, tặng “Sổ tình nghĩa”, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, chăm sóc người có công với cách mạng... Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, hai ngành đã phối hợp phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; trồng 5.000 cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả tại các đơn vị; phối hợp với địa phương trồng 150 cây cau, 2.000 cây Sú Vẹt, Phi Lao dọc đê biển để chắn cát xâm nhập mặn… Thực hiện chương trình “BĐBP Nam Định chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, BĐBP tỉnh giúp đỡ thường xuyên 8 gia đình hội viên nông dân và 34 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 20 triệu đồng/tháng; đóng góp quỹ “Vì người nghèo” 270 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả của mô hình điểm “Nông dân tự quản về an ninh trật tự và tham gia giữ gìn bình yên tuyến biển” triển khai tại xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), xã Giao Xuân (Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), đến nay, các cấp Hội Nông dân phối hợp với lực lượng Biên phòng xây dựng được 11 mô hình với hơn 600 thành viên tham gia. Các đồn biên phòng cùng với HND các xã, thị trấn đã củng cố và duy trì tốt hoạt động của các tổ tự quản an toàn trên biển và khu vực nuôi trồng thủy sản. Các thành viên trong tổ tự quản là hội viên hội nông dân đã phối hợp với lực lượng BĐBP trong tuần tra bảo vệ chủ quyền, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão. Đây được coi là kênh thông tin tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Các tổ tàu thuyền an toàn, an ninh khu vực đầm bãi, bến đậu là nơi thường xuyên được BĐBP thông báo tình hình an ninh trật tự, phổ biến các văn bản liên quan đến biển đảo cho ngư dân, giúp họ nâng cao nhận thức về tài nguyên biển và ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phối hợp củng cố và duy trì hoạt động có hiệu quả 258 tổ tự quản an ninh trật tự thôn xóm, tổ hòa giải cơ sở, 31 tổ tự quản an ninh trật tự trên biển, cửa sông và khu vực đầm bãi... Đặc biệt, trong chương trình phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, hai ngành đã huy động được nhiều cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân tham gia tố giác tội phạm. Qua đó, hội viên nông dân và nhân dân đã cung cấp cho BĐBP 422 nguồn tin có giá trị, 161 tin tham khảo, nghiên cứu, 45 tin trao đổi với các đơn vị chức năng. Đơn vị đã nắm, tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp giải quyết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ông Lại Văn Tuân, Chủ tịch HND xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: Những năm gần đây, HND xã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng và phát huy thế mạnh trong việc khai thác hải sản trên biển. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ nuôi trồng và đánh bắt thủy khải sản. Cùng với đó, HND thường xuyên phối hợp với lực lượng BĐBP đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi làm ăn trên biển, nhất là việc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, cung cấp kịp thời cho BĐBP mọi tình hình xảy ra trên biển, nhất là hoạt động của tầu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền đánh bắt trộm hải sản. Phối hợp xây dựng các mô hình đảm bảo giữ gìn ANTT trên khu vực đầm bãi, tạo điều kiện người dân yên tâm sản xuất...
Đến nay, 18/19 xã,thị trấn địa bàn khu vực biên giới tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kinh tế xã hội đang từng ngày phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Nhiều con đường lớn, nhiều công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Những kết quả từ chương trình phối hợp giữa hai ngànhđã góp phần củng cố nâng cao chất lượng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa bàn ven biển, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp các đơn vị BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc./.
Thượng tá Đỗ Duy Đoán,
Phó Chủ nhiệm Chính trị, BĐBP tỉnh Nam Định