Hiệu quả mô hình nuôi tôm trong bể tròn nổi
Cập nhật lúc 9:54, ngày 16/06/2020 (GMT+7)
Mô hình nuôi tôm trong bể nổi hình tròn là mô hình cải tiến, đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Gần đây, một số hộ dân của huyện Kim Sơn đã bắt đầu thử nghiệm áp dụng mô hình này. Kết quả bước đầu mô hình đem lại khá khả quan, năng suất cao hơn mô hình khác, giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng lợi nhuận cho người nuôi.

 

Mô hình nuôi tôm trong bể nổi hình tròn của anh Nguyễn Quý Nghĩa. Ảnh: Anh Tuấn

Đi tham quan mô hình nuôi tôm của gia đình anh Nguyễn Quý Nghĩa (xóm 5, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn), chúng tôi khá ngạc nhiên khi các ao nuôi không phải là những ao đất hình vuông như thường lệ mà thay vào đó là những bể hình tròn, được làm nổi phía trên mặt đất. Anh Nghĩa giới thiệu, đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong bể nổi, đã được nhiều địa phương trong miền Nam áp dụng thành công. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm ưu việt nhất hiện nay.

Lý giải việc thử nghiệm mô hình bể tròn trong nuôi tôm, anh Nghĩa cho biết: Sau nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi tôm, tôi nhận ra rằng với những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay như nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt..., người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao.

Ngoài ra, mô hình nuôi tôm bằng ao đất trải bạt, dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong môi trường ao nuôi biến động, gây bất lợi cho con tôm. Còn với mô hình nuôi này, bể nuôi được đặt nổi hoàn toàn trên mặt đất, phủ bạt nên hạn chế mầm bệnh từ đất. Mặt khác, diện tích bể nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước.

Năm 2019, anh Nghĩa đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng bể nuôi đầu tiên với diện tích 180m2, chiều cao bể là 1,2m, đồng thời trang bị hệ thống quạt nước và sủi bọt. Hồ nuôi được thiết kết đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng.

Sau 2 vụ nuôi tôm trong bể tròn, thành quả mà anh Nghĩa thu được rất khả quan. Ngoài tỷ lệ sống của tôm cao (đạt trên 90%), sản lượng tôm mỗi vụ đạt từ 7-8 tạ, cao hơn so với nuôi trong ao đất cùng diện tích khoảng 70%. Hiện nay anh Nghĩa đang xây dựng thêm 3 bể nuôi với diện tích mỗi bể là 130m2.

Anh Nghĩa cho biết thêm: Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong hồ nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến bể nuôi. Phải chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ươm trong bể từ 20 - 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra bể nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ bể phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài cho mô hình này.

Có thể thấy, mô hình nuôi tôm trong bể tròn có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông hộ, nông dân dễ tiếp cận. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nông hộ có thể thiết kế hồ nuôi từ 100 - 300m3, với giá cả phù hợp khả năng của đại bộ phận người nuôi tôm. Đây có thể sẽ là mô hình nuôi tôm mới, sẽ được nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Thái Học

Nguồn: baoninhbinh.org.vn