Hộ anh Trần Xuân Nguyễn, xã Trực Chính (Trực Ninh) thu hoạch cá chạch sụn.
Trung tâm Giống thủy, hải sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có chức năng lưu giữ giống gốc, nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc, sản xuất, cung ứng giống hải sản có năng suất, chất lượng cao phục vụ nuôi trồng hải sản; góp phần thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển. Thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh việc sản xuất giống cá chạch sụn để cung cấp cho người dân có nhu cầu nuôi trong và ngoài tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã sản xuất 50 triệu cá chạch bột, 200 vạn cá chạch hương, 10 tấn cá chạch thương phẩm. Đồng chí Vũ Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy, hải sản tỉnh cho biết: “Cá chạch sụn đang là đối tượng nuôi được người dân và thị trường quan tâm bởi giá thành không quá cao, cá dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc lại có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Cá chạch sụn đang là một trong những đối tượng nước ngọt chủ lực được Trung tâm sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất”.
Xã Trực Chính (Trực Ninh) có hơn 70ha nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại cá nước ngọt truyền thống. Năm 2022, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá chạch sụn cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 10 hộ nuôi cá chạch sụn với diện tích hơn 10ha. Gia đình anh Trần Xuân Nguyễn trước kia có hơn 1 mẫu nuôi cá nước ngọt truyền thống nhưng hiệu quả không cao. Năm 2022, qua các phương tiện thông tin đại chúng và được người quen giới thiệu, anh biết đến cá chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm và thị trường tiêu thụ nội địa rất mạnh nên anh bàn bạc với gia đình đầu tư con nuôi mới này. Nghĩ là làm, anh tìm đến thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) là địa phương có nhiều hộ nuôi cá chạch sụn thành công theo phương pháp nuôi công nghiệp trong ao để học hỏi kinh nghiệm. Qua việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nên ngay từ vụ nuôi đầu, anh Nguyễn đã gặt hái thành công. Mỗi năm, anh thu 2 vụ, mỗi vụ được trên 10 tấn với mức giá từ 60-70 nghìn đồng/kg. Anh Nguyễn chia sẻ: “Để nuôi cá chạch sụn thành công thì phải qua nhiều công đoạn, từ khâu thiết kế ao, lượng nước, chọn giống, chăm sóc cá chạch thương phẩm… Đầu tiên phải xử lý ao nuôi, rắc vôi bột dưới đáy ao và phơi khô từ 5-7 ngày. Đồng thời, xử lý bờ ao nuôi cá chạch kiên cố, tránh cá thất thoát ra bên ngoài. Sau khi khử khuẩn, kiên cố bờ ao, tôi mới tiến hành đưa nước vào ao đảm bảo không bị ô nhiễm, nước cấp vào ao sâu khoảng 1,2m và sử dụng các chế phẩm sinh học diệt khuẩn ao nuôi, cũng như nuôi cấy vi sinh… Sau 5 ngày mới thả cá hương (cá chạch), mật độ khoảng 130 con cá hương/m2”. Đồng chí Mai Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết: “Đây là mô hình kinh tế thuỷ sản mới đạt hiệu quả cao cần được nhân rộng để nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, để thành công từ mô hình nuôi chạch sụn, các hộ dân cần có kế hoạch đầu tư phù hợp bởi đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi chăm sóc đầy đủ, bài bản, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào, dẫn đến mất trắng, dễ lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn vùng nuôi thuỷ sản của xã”.
Thương lái đến mua cá chạch sụn của người dân xã Trực Chính (Trực Ninh).
Từ mô hình nuôi cá chạch sụn đặc sản, anh Nguyễn Hữu Bằng, xã Xuân Phú trở thành điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Xuân Trường. Năm 2018, anh Bằng cùng với 4 người anh em bàn nhau thuê diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đầu tư trang trại, làm ao nuôi cá chạch sụn. Khi mới nuôi cá chạch sụn, anh đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chạch sụn ở các hộ nuôi khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, anh Bằng đã có 7 ao nuôi cá chạch sụn với tổng diện tích gần 8ha. Mỗi năm thu 2 lứa cá chạch sụn thương phẩm, tổng sản lượng khoảng 35-40 tấn cá. Nhờ chất lượng ngon nên đầu ra của cá chạch sụn luôn đảm bảo ổn định do một công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch ở Hà Nội nhận thu mua. Ngoài ra, cứ 2 tháng một lần, trang trại của anh xuất một lứa cá giống khoảng 40 đến 50 vạn con.
Cùng với mô hình nuôi cá chạch sụn của người dân ở xã Trực Chính (Trực Ninh); Xuân Phú (Xuân Trường), nhiều nông dân ở huyện Ý Yên cũng có thu nhập cao từ mô hình này. Anh Tô Văn Mạnh ở thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên) hiện đang sở hữu trang trại nuôi cá chạch sụn rộng gần 3ha, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Qua quá trình nuôi, anh tìm tòi, sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động, đồng thời chủ động được nguồn giống, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Anh Mạnh là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân tôn vinh, biểu dương trong giai đoạn 2015-2020.
Gia đình anh Nguyễn Văn Muôn ở xã Minh Thuận (Vụ Bản) có 11 ao, trong đó có hai ao nuôi cá chạch sụn giống, 7 ao nuôi cá chạch sụn thương phẩm và 2 ao chuyên để nước dự trữ. Với thâm niên hơn 10 năm nuôi cá chạch sụn, anh Muôn cho biết: “Cá chạch sụn tương đối dễ nuôi, kỹ thuật không quá khó, chỉ cần chú ý xử lý nguồn nước để phòng tránh dịch bệnh. Ưu điểm lớn nhất của loại cá này là tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Khác với đặc tính của cá chạch ta là sinh sống dưới bùn, chạch sụn lại nổi lên mặt nước nên khá thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh”.
Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, cá chạch sụn không còn là đối tượng nuôi quá mới trong ngành nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta. Mô hình nuôi cá chạch theo phương pháp công nghiệp là một lựa chọn hiệu quả để nhiều người dân trên địa bàn nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Nguồn: baonamdinh.com