Nhờ liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ khoai tây, nhiều lao động
xã Trực Chính (Trực Ninh) có việc làm, thu nhập ổn định.
Các cấp HND trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên tích tụ ruộng đất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; quan tâm xây dựng, phát triển các hình thức liên kết sản xuất như HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp… Trong 3 năm qua, các cấp HND toàn tỉnh đã thành lập mới 75 tổ hợp tác, 5 HTX, ra mắt 42 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số mô hình tổ hợp tác, HTX toàn tỉnh lên 146 mô hình với trên 2.500 thành viên; 74 chi hội, tổ hội nghề nghiệp với 911 thành viên. Nhiều HTX, tổ hợp tác đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa cho nông đân. Từ hiệu quả liên kết doanh nghiệp - nhà nông, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại, gia trại, các mô hình liên kết hợp tác phát triển kinh tế tiêu biểu ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 1.029 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó gồm 935 hộ nông dân, 69 HTX và 25 doanh nghiệp. HND các cấp đã tham gia 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu giữa Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Dược phẩm Traphaco, Công ty Dược Nam Hà với tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu các xã: Hải Lộc, Hải An (Hải Hậu) và các vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh; mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân của 9 huyện tập trung ruộng đất sản xuất gạo sạch theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH Toản Xuân với diện tích 500ha, sản lượng 2.000 tấn lúa chất lượng cao; trong đó sản phẩm gạo an toàn đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019. Liên kết sản xuất lúa giống giữa hàng nghìn hộ nông dân và Công ty TNHH Cường Tân trên diện tích gần 600ha, trải rộng trên nhiều cánh đồng của các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn...
Là một trong những hộ trồng đinh lăng quy mô lớn của huyện Hải Hậu, ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang đã mạnh dạn bắt tay quy hoạnh những diện tích trồng lúa kém hiệu quả vào đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp V.A.C với diện tích trên 3ha trồng cây dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO của tổ chức Y tế thế giới do Công ty Dược phẩm Traphaco hướng dẫn. Từ mô hình này, gia đình ông đã liên kết với 28 hộ nông dân trong xã với tổng diện tích 30ha do ông Sớm trực tiếp đứng tên đại diện, ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm Traphaco để cung ứng sản phẩm. Sản phẩm thu hoạch đến đâu đều được xuất tới đó với giá cả luôn ổn định, cao hơn so với giá thị trường. Bình quân mỗi năm, ông cung cấp cho công ty trên 100 tấn củ và rễ đinh lăng khô đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, mang lại thu nhập cho bà con nông dân trong tổ liên kết. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Xuân Trường, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa được thành lập từ năm 2014 theo Luật HTX 2012 với 18 hộ thành viên. Đến nay, HTX đã phát triển lên 30 thành viên, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 30ha gồm các sản phẩm chủ lực gồm: cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX được sản xuất theo liên kết chuỗi; trong đó tất cả các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt. Hội đồng quản trị HTX đã kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm. Tại xã Hải An (Hải Hậu), HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng đã thành công với mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị gạo đặc sản tám xoan bao tử. HTX được tổ chức Agritera của Hà Lan hỗ trợ kết nối với Công ty Shanshes tại Hà Nội thành lập Công ty Cổ phần Hải Hậu Oganic; được chuyên gia hỗ trợ giúp đỡ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ; xây dựng thương hiệu gạo tám xoan bao tử sản xuất theo quy trình hữu cơ; đăng ký chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, làm bao bì nhãn mác. Đến nay, sản phẩm gạo tám xoan bao tử đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tại xã Yên Cường (Ý Yên), HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã tổ chức liên kết với Công ty TNHH Ngọc Anh, Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao và một số cửa hàng nông sản sạch để sản xuất, tiêu thụ khoai tây và các loại rau được nhiều thị trường tiếp nhận. HTX áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn từ nguồn phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản sản xuất tại chỗ vào canh tác. Đến nay, HTX đã có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn được chứng nhận OCOP 3 sao…
Liên kết doanh nghiệp - nhà nông được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững; hiệu quả mô hình liên kết này cũng đã được thể hiện thời gian qua trong tỉnh. Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp - nhà nông, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, qua đó cơ giới, công nghệ hóa được các khâu sản xuất, đặc biệt là tạo điều kiện để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị trong sản xuất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn: baonamdinh.com.vn