Giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang (kỳ 2)
Cập nhật lúc 10:21, ngày 10/04/2023 (GMT+7)
(Tiếp theo và hết)


Nhận diện những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ ruộng hoang, ảnh hưởng đến gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển chung của ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện các giải pháp để động viên, khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất nhằm kéo giảm tình trạng hoang hóa đồng ruộng…

Bài 2: Giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng

Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT cho biết: Để kéo giảm tình trạng bỏ ruộng hoang hiện nay, trước tiên cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đối với diện tích có điều kiện canh tác thuận lợi nhưng không gọn vùng, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động nhân dân dồn đổi, quy gọn diện tích của những hộ không có nhu cầu canh tác thành vùng tập trung; mời doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá thể thuê ruộng để sản xuất nông sản hàng hóa hoặc vận động các tổ chức hội, đoàn thể của xã, thôn, đội thuê lại và tổ chức sản xuất. Thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây rau màu (lạc, cà chua, bí xanh, ớt, cây dược liệu…); chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Tiếp tục ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa hàng năm để cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu canh tác theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với diện tích xen kẹt trong khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học… không đủ điều kiện sản xuất, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bị phá vỡ mà vẫn thuộc quy hoạch đất lúa, các địa phương tổ chức khảo sát, thống kê, lập phương án tối ưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

 

Tập trung đất đai giúp Công ty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) sản xuất theo mô hình VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, thời gian qua huyện Vụ Bản đã xây dựng và triển khai quyết liệt Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm khuyến khích nông dân không để ruộng hoang, tích cực tích tụ, tập trung ruộng đất để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Theo đó, một trong những biện pháp quan trọng của huyện là tập trung quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của từng địa phương; trong đó tập trung vào các vùng sản xuất lúa cá, vùng chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất rau sạch gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo điều kiện thay đổi tập quán sản xuất từ phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Huyện xây dựng, thực hiện cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất. Cụ thể, đối với hộ tích tụ từ 1ha đất nông nghiệp trở lên bằng hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất được ngân sách huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để tổ chức sản xuất. Đối với doanh nghiệp, HTX tích tụ từ 3ha đất nông nghiệp trở lên bằng hình thức thuê quyền sử dụng đất của dân được ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí trong 2 năm để phát triển sản xuất… Cùng với thực hiện cơ chế hỗ trợ cho từng đối tượng tích tụ ruộng đất, hàng năm UBND huyện Vụ Bản đều có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn tăng cường quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân tích cực sản xuất, không để đất ruộng bỏ hoang. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện đối với sản xuất nông nghiệp; sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa để phát triển các mô hình sản xuất, duy tu bảo dưỡng, kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất. Tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tổ chức ký cam kết không bỏ ruộng hoang đến từng hộ nông dân; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP… Nhờ đó tình trạng bỏ ruộng hoang trên địa bàn đã giảm dần từ 180ha năm 2019 xuống còn 140ha ở vụ mùa năm 2021. Tại các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tích tụ ruộng đất có quy mô từ 10-30ha như: Mô hình sản xuất lúa thương phẩm của gia đình chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo với quy mô gần 20ha; mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm của anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh quy mô hơn 10ha… Các mô hình này đang khẳng định tính hiệu quả và xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay. Các mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 đến 4,5 lần so với sản xuất lúa truyền thống.

Tại huyện Xuân Trường, đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tích tụ ruộng đất, UBND huyện, các xã đã đứng ra vận động, đàm phán việc thuê đất ruộng với hàng chục nghìn hộ nông dân ở các địa phương để người dân bàn giao, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, HTX, hộ thu gom, tích tụ, tập trung ruộng để sản xuất. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp... Với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, từ cuối năm 2017 đến nay anh Phạm Tiến Dụng ở xóm 5, xã Xuân Thượng đã tích tụ được 20ha để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm. Anh Dụng cho biết: Tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi phải kiên trì vận động, thuyết phục trong nhiều vụ bởi người dân không có nhu cầu sản xuất nhưng vẫn có tâm lý “giữ ruộng“ và sợ mất ruộng?!. Phải làm sao để người dân thấy được hiệu quả mới yên tâm cho mình thuê đất, mượn đất để sản xuất. Vì vậy, anh đã chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua 1 máy cấy mạ khay, 1 máy gặt, 1 máy cày, 1 máy phun thuốc trừ sâu, 1 máy sấy thóc công suất 12 tấn/mẻ để phục vụ sản xuất của mình và làm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con. Nhờ đó, không chỉ thu được lợi nhuận mỗi vụ từ 300-400 nghìn đồng/sao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập ổn định. Với việc tập trung thực hiện cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh, huyện, xã phát triển kinh tế nông nghiệp, trong 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã Xuân Thượng đã xuất hiện hàng chục mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung quy mô 5-20ha như mô hình sản xuất lúa của các ông: Vũ Văn Hoàng, xóm 13, quy mô 22ha; Đỗ Văn Thiềm, Phạm Văn Thuận, Đinh Văn Hiển, xóm 5 quy mô 7,5ha. Các mô hình này đều thực hiện liên kết với doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm nên giá trị kinh tế mang lại khá cao, ổn định.

Những cơ chế, chính sách của tỉnh, ngành chức năng, các địa phương trong giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang đang ngày càng khẳng định sự đúng đắn và phù hợp với thực tiễn phát triển sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn: baonamdinh.com

 

CÁC TIN TỨC KHÁC