Con đường hoa xã Hải Châu (Hải Hậu).
Với nhận thức nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục đóng vai trò chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; làm nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, vì vậy xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, với sự tham gia tích cực của người dân, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh; nông thôn phát triển hài hòa với đô thị và thực sự là những vùng quê đáng sống.
Xã Đồng Sơn là 1 trong 3 địa phương tiên phong thực hiện chương trình xây dựng xã NTM nâng cao của huyện Nam Trực. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đoàn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên cơ sở rà soát, đối chiếu nghiêm túc, khoa học, bài bản, căn cơ theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 6-6-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020, xã Đồng Sơn còn 3 tiêu chí, bao gồm: hạ tầng kinh tế - xã hội (tiêu chí số 1), cảnh quan môi trường (tiêu chí số 12) và sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM nâng cao của chính quyền (tiêu chí số 19) chưa đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ đó địa phương xác định và xây dựng kế hoạch cụ thể đối với những việc cần phải làm để huy động nguồn lực hoàn thiện từng tiêu chí. Tổng kinh phí để thực hiện 3 tiêu chí này cần khoảng 4 tỷ 590 triệu đồng. Với phương châm “dân làm, dân hưởng thụ” nên các tiêu chí sáng - xanh - sạch và vui chơi thể thao ở các thôn, xóm thì nhân dân tự bàn, tự tổ chức đóng góp và triển khai thực hiện. Như vậy, nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao khoảng 1,5 tỷ đồng; còn khoảng 3 tỷ 90 triệu đồng được bố trí từ ngân sách xã từ nguồn thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 khu dân cư tập trung với tổng diện tích là 10,2ha. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình đã được triển khai tích cực, nghiêm túc nên tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra; đồng thời không để nợ đọng tiền xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM nâng cao. Hiện, xã Đồng Sơn đang trình UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 3-2020... Mục tiêu của tỉnh ta là đến năm 2025 phấn đấu có 70% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, trong đó đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển toàn diện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con có hiệu quả cao hơn. Quy hoạch và xây dựng chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Tổ chức, quản lý, sử dụng hiệu quả các quy hoạch; tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư; phát triển doanh nghiệp, ngành nghề ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Phát huy thành quả của công tác dồn điền, đổi thửa, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản. Nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản. Triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc... Xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn theo hướng thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn; đảm bảo 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư làm tốt công tác bảo vệ môi trường và chỉnh trang làm đẹp cảnh quan nông thôn. Phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời tiếp tục có kế hoạch củng cố nâng cấp, phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh đào tạo nghề, thực hiện các mô hình liên kết giữa các trường nghề với doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động ở nông thôn; gắn dạy nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp lý, kiến thức thị trường, tác phong công nghiệp và kỹ năng tham gia các chuỗi liên kết sản xuất của người dân... Từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Mục tiêu tỉnh NTM nâng cao là điểm đến tiếp theo trong nhiệm vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh ta hướng đến. Vì thế cần có sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như quyết tâm của người dân, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn: baonamdinh.com.vn