Đậm đà sắc quê với kẹo dồi, kẹo lạc Toàn Mỹ
Cập nhật lúc 7:39, ngày 11/11/2022 (GMT+7)
Không biết từ bao giờ, nước chè xanh với kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, dù ai đi ngược về xuôi vẫn luôn nhớ hương vị ngọt ngào, dân dã, rất đỗi gần gũi yêu thương ấy. Sản phẩm kẹo dồi, kẹo lạc của cơ sở sản xuất Toàn Mỹ, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) từ lâu đã nức tiếng thơm ngon khắp vùng, được nhiều người biết đến.



Tọa lạc tại vị trí gần đại lộ Thiên Trường, cơ sở sản xuất kẹo của ông Triệu Văn Mỹ luôn tấp nập người ra vào mua hàng, mùi thơm phức của mẻ kẹo mới ra lò tỏa khắp xóm như níu chân người lữ khách. Thấy tôi đến, hai vợ chồng bác chủ vội vã tiếp đón, sự cởi mở, chân thành, mộc mạc của người nông dân thời kỳ 4.0 khiến tôi thật cảm động.

Thưởng thức chén chè xanh với miếng kẹo dồi thơm lừng, giòn tan, cộng với cái vị bùi bùi, béo ngậy của hạt lạc, tôi thực sự thấy ấm lòng, bấy nhiêu ký ức tuổi thơ bồng bềnh ùa về trong tâm tưởng, nhớ những buổi trưa hè nằm nghe bà kể chuyện trên chiếc chõng tre, chiếc quạt mo phe phẩy trên đôi tay gầy guộc làm dịu vợi bao cái oi nóng, uống bát nước chè tươi, nước vối, nhâm nhi với thanh kẹo lạc, hay que kẹo kéo vừa đổi mấy chiếc chai lọ cho người bán đồng nát… Dường như hương vị kẹo dồi, kẹo lạc như sợi dây nối liền cổ-kim, quá khứ-hiện tại, xưa-nay, truyền thống-hiện đại...

Bắt đầu câu chuyện, bác chủ nhà tâm sự chuỗi thời gian lập nghiệp đầy gian khó. Thời trẻ, anh làm kinh doanh buôn bán nhỏ, nhưng cuộc sống gia đình vẫn chật vật, bí bách. Vốn sẵn tính năng động, quyết đoán, anh tìm đến nghề làm kẹo lạc, bởi duyên nợ “hương vị tình quê dạt dào” luôn thôi thúc anh làm giàu từ chính đặc sản gắn liền với đời sống người nông dân hằng bao đời nay. Để có được kiến thức, kinh nghiệm chế biến kẹo lạc, anh Mỹ tích cực tìm đọc sách báo, học hỏi từ những người đi trước. Năm 2010, gia đình anh quyết định mở xưởng chế biến kẹo với tổng vốn đầu tư 300 triệu đồng trên diện tích 500m2. Vạn sự khởi đầu nan, những mẻ kẹo đầu tiên được vợ chồng nấu chưa được ngon “đúng điệu”, sản phẩm tiếp thị đến các đại lý, cửa hàng không được suôn sẻ, hàng bán rất chậm. Khó khăn chồng chất khó khăn, số tiền vay mượn phải trả lãi, con cái ăn học, rồi tiền trả lương công nhân, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào cái xưởng kẹo nhỏ bé này. Thiết tưởng những gian lao đó sẽ làm nhụt ý chí người nông dân Triệu Văn Mỹ. Vợ chồng anh quyết tâm tìm ra công thức nấu kẹo ngon nhất, chuẩn nhất, bởi anh hiểu rằng chỉ có chất lượng tốt mới làm nên thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều đêm thức trắng, hai vợ chồng anh vẫn lọ mọ bên bếp lò đang đỏ lửa, cặm cụi nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để cho ra sản phẩm kẹo ngon nhất tới người tiêu dùng. Để sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi có vị ngọt thanh, thơm, đậm đà, giòn phải trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng và bí quyết gia truyền, cần sự khéo léo của người làm nghề. Nguyên liệu làm kẹo được gia đình bác chủ nhà tuyển chọn khắt khe: lạc ta hạt to, đều, mẩy, không bị sâu, mốc; va ni tạo hương vị phải chuẩn, không sử dụng hóa chất tạo mùi; mạch nha loại ngon nhất làm hoàn toàn từ mầm cây lúa.

Quy trình chế biến khá công phu: Lạc được rang sấy chín vàng có mùi thơm, không bị cháy khét, sau đó đến công đoạn chà sạch vỏ, vỡ nhẹ hạt lạc. Lạc rang xong đưa vào nấu kẹo ngay để giữ độ giòn, không bị ỉu. Người thợ nấu kẹo canh đường và mạch nha thật chuẩn, chỉ cần sơ suất một chút là kẹo sẽ bị đắng, đổi màu, làm hỏng cả mẻ kẹo. Hỗn hợp làm kẹo gồm có mạch nha, vani và đường kính trắng được đun trên bếp từ 5-10 phút. Đối với kẹo lạc: mạch nha sau khi nấu chảy được trộn với lạc, quyện lại với nhau sền sệt, nóng hổi thì đổ ra mâm gỗ có sẵn bột gạo chống dính, dùng chày cán phẳng đều tay để kẹo đảm bảo độ mịn và dày, rắc vừng rang chín, rồi cắt thành từng thanh dài 4-6cm. Đối với kẹo dồi thì lạc và mạch nha cho vào máy tạo khuôn, nhồi nhân lạc, sau đó tiến hành cắt khúc tầm khoảng 3-4cm. Các thao tác trộn, cán kẹo phải phối hợp thật nhanh, nhuần nhuyễn, vì mạch nha để nguội sẽ cứng lại, cắt dễ bị vỡ vụn. Sản phẩm cuối cùng được đóng gói cẩn thận, in nhãn mác bao bì, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Theo anh Mỹ, trước đây, việc chế biến kẹo lạc phải làm thủ công bằng tay, mất nhiều sức lực, nay các công đoạn sản xuất kẹo được hỗ trợ bằng máy móc như: máy rang lạc, máy xay lạc, máy cắt kẹo, máy đóng gói, bếp điện, bếp gas.... Nhờ đó, công việc sản xuất kẹo tại cơ sở gia đình đạt năng suất cao hơn, sản phẩm ra lò đều, đẹp, chất lượng ngon, trông bắt mắt hơn. Nhìn anh làm thoăn thoắt, giới thiệu quy trình sản xuất kẹo, tôi mới cảm nhận được công việc này đòi hỏi độ khéo léo, tỷ mỷ, dứt khoát và cả bề dày kinh nghiệm.

Thấm thoát hơn 10 năm gắn bó với nghề, vợ chồng anh Mỹ trải bao nhọc nhằn. Cơ nghiệp bề thế hôm nay chính là thành quả mồ hôi nước mắt bao tháng ngày lao động hăng say, miệt mài của cả gia đình anh. Cơ sở sản xuất kẹo của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức lương từ 6-9 triệu/người/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tập trung ở các tỉnh miền Bắc, chủ yếu đổ buôn cho các đại lý lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tổng sản lượng kẹo dồi, kẹo lạc mỗi năm xuất bán đạt trên 100 tấn, tổng thu nhập đạt 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về khoảng 500-600 triệu đồng/năm.

Nhằm hỗ trợ cơ sở gia đình anh mở rộng sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân xã và cấp ủy, chính quyền địa phương cử anh tham gia các hội nghị tập huấn kiến thức phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap; tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá nông sản. Năm 2014, sản phẩm kẹo dồi lạc Toàn Mỹ được trao tặng Huy chương vàng và Danh hiệu “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng do Ban Tổ chức Chương trình truyền thông, quảng bá thương hiệu và hội chợ triển lãm sản phẩm/dịch tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng”. Năm 2020, Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở của anh tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), theo đó, cơ sở sản xuất kẹo của anh được UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ 50% số tiền mua 01 máy cán kẹo tự động, giúp anh nâng cao năng lực sản xuất. Năm 2022, Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc và Hội Nông dân xã Mỹ Thịnh đã phối hợp với Bưu điện huyện đã hướng dẫn anh Mỹ đưa sản phẩm kẹo dồi và kẹo lạc đăng bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. Hiện nay, sản phẩm kẹo của anh đang được niêm yết trên các trang thương mại điện tử: Vinmart, Bách hóa xanh, Shopee, Voso, OCOP Nam Định… Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống qua đại lý, cửa hàng tại các tỉnh, anh tận dụng tối đa hình thức bán hàng trực tuyến để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm tới người tiêu dùng. Đó là hướng đi mới mẻ, thích ứng với xu thế phát triển tất yếu của thời đại công nghệ số, mạng xã hội internet toàn cầu hiện nay.

Dù bận trăm công nghìn việc, anh Mỹ vẫn luôn dành thời gian chăm sóc cho gia đình, giúp đỡ bà con hàng xóm, sống giản dị, tran hòa. Trong công tác Hội, anh Mỹ dành trọn tâm huyết, tham gia sinh hoạt chi hội và đóng góp tích cực cho phong trào thi đua của Hội Nông dân tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thịnh cho biết: “Anh Triệu Văn Mỹ là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Mỹ Thịnh. Cơ sở của anh góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Sản phẩm kẹo dồi lạc có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch, an toàn, rất được thị trường ưa chuộng. Mong rằng, các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như hộ anh Triệu Văn Mỹ ngày càng làm ăn khấm khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương phồn thịnh.”

    Trần Thế Hiển
 Phó Chủ tịch HND huyện Mỹ Lộc

 

CÁC TIN TỨC KHÁC