Chuyện của một gia đình nông dân thời đổi mới
Cập nhật lúc 14:43, ngày 25/03/2020 (GMT+7)
Đầu xuân Canh Tý, năm 2020, tôi được cán bộ của Hội Nông dân (HND) tỉnh dẫn đi cơ sở thăm và chúc tết các hội viên HND, ở mỗi huyện trọng điểm lúa của tỉnh, qua nhiều HTXNN, tôi được gặp và chia sẻ cũng như học hỏi các kinh nghiệm sản xuất của nhiều hộ nông dân.

 

Trang trại nuôi lợn nhà anh Thục

Về xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tôi được thăm trang trại của một hội viên nông dân ở xóm 4. Tôi rất ấn tượng với những lời chia sẻ của hội viên nông dân này. Đó là một hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Trực Thái, anh có tên là Nguyễn Văn Thục, Xuân Canh Tý này mới 49 tuổi.

1. Một Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX chăn nuôi đa dạng sinh học có Tâm và có Tầm


Vườn hoa hồng nhà anh chị Hiền Thục

Anh Nguyễn Văn Thục sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1992, anh trở về quê và lấy vợ. Sau khi lập gia đình, cuộc sống có nhiều khó khăn, vợ chồng anh phải lăn lộn với đủ nghề để kiếm sống. Với ý tưởng sẽ làm giầu trên mảnh đất quê hương, sau nhiều lần bàn bạc, anh quyết định đề xuất ý tưởng của bản thân với chính quyền địa phương, thật may mắn anh được UBND xã và HND xã tạo điều kiện thuê gần 4.000m2 đất công. Theo mô hình chăn nuôi V.A.C, lúc đầu mới nuôi được 40-50 con lợn, dần dần phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi từ 50-100 con, rồi 200-300 con. Từ năm 2010, trại chăn nuôi của anh duy trì tổng đàn 400-500 con. Anh Thục đã học thêm kinh nghiệm của những hộ sản xuất kinh doanh giỏi rồi quy hoạch lại trang trại theo hướng đa dạng cây trồng và vật nuôi. Anh đào 3 sào ao nuôi cá truyền thống, làm vườn trồng hoa Phong Lan, hoa hồng, cây ăn quả và cây dược liệu. Riêng chuồng chăn nuôi lợn rộng 600m2.

Từ năm 2015, bằng con đường tự học và tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, anh Thục thấy chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi lợn sạch theo phương pháp hữu cơ, vừa bảo đảm chất lượng vừa an toàn vệ sinh thực phẩm lại phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Anh bắt đầu đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn cho lợn, sắm thêm máy chế biến thức ăn. Nguyên liệu chế biến chủ yếu gồm: ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương, bỗng rượu và thảo dược. Với phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi này đã giúp cho đàn lợn miễn dịch, tăng chất đề kháng và đã làm cho thay đổi cấu trúc của thịt. Thịt lợn của trang trại anh Thục mềm, thơm ngon, trong thịt lẫn mỡ dắt, thịt nạc đỏ tự nhiên, đảm bảo sản phẩm “lợn sạch” cung cấp đến người tiêu dùng. Quá trình nuôi, anh Thục còn đưa thêm men vi sinh EM trộn vào thức ăn. Vì chăn nuôi lợn sạch nên thức ăn dùng đến đâu chế biến đến đó, vì vậy mỗi kg thức ăn chăn nuôi lợn sạch của trang trại anh Thục rẻ hơn giá thị trường 1.000đ/kg. Nhưng giá bán lợn thịt vẫn cao hơn giá thị trường từ 2-3.000đ/kg trở lên. Chăn nuôi lợn với quy mô khép kín, phương pháp chăn nuôi hữu cơ kết hợp thảo dược, lợn sạch của trang trại anh Thục cung cấp chủ yếu ở 3 thị trường Nam Định, Hà Nam và Hà Nội. Bình quân mỗi năm trại lợn của anh Thục xuất bán 70-80 tấn thịt lợn thương phẩm, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình mỗi năm 400-500 triệu đồng. Đặc biệt, cũng từ năm 2015, trang trại lợn của anh Thục được tham gia dự án phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP. Trang trại của anh còn được Viện nghiên cứu Thủy lợi chuyển giao công nghệ xử lý nước thải sau Bioga xuất xứ từ Đức có tên là DAIWAL. Tháng 3/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cũng đã lan đến xã Trực Thái. Trang trại lợn của anh Thục có 1 trong 3 dãy chuồng dịch lan đến. Được các nhà chăn nuôi tư vấn, anh Thục đã dùng FOMOL 0,005% và FOMOL 0,015% phun phía ngoài và trong chuồng có lợn nên đã khống chế được dịch. Tháng 8/2019, anh Thục đã xây dựng Cửa hàng bán nông sản sạch tại xã Trực Thái để bán sản phẩm nông sản sạch VietGAP và OCOP tới tay người tiêu dùng. Mỗi ngày, cửa hàng bán từ 150-200kg thịt lợn móc, giá bán 100.000đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 10%. Ngoài chăn nuôi lợn sạch, anh Thục còn cải tạo ao hồ để đầu tư thả cá, cải tạo vườn tạp thành vườn cây lưu niên là các loại bưởi, chanh… Còn trồng lan, hoa hồng; tận dụng thức ăn thừa làm nguồn thức ăn cho cá, xử lý phân lợn  thành nguồn phân bón cho các loại cây trồng trên vườn. Anh đã áp dụng một số kỹ thuật như phun nước tự động đã giảm bớt sức lao động vào sản xuất, tạo năng suất cho cây trồng ăn quả.

Từ thực tế cách làm trong trang trại nhà mình, kinh tế gia đình anh Thục đã giầu lên. Anh không giữ bí quyết làm giầu cho riêng mình, anh đã mạnh dạn gặp gỡ những hộ chăn nuôi lợn có cùng sở thích, cùng nhau bàn bạc xây dưng Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Từ Tổ hợp tác đến nay đã là HTX chăn nuôi lợn sạch. Anh Thục đã trao truyền các kinh nghiệm cho các thành viên trong HTX, các hộ chăn nuôi đều có lãi. Từ cái Tâm và Tầm của một người nông dân và là một đảng viên, một cựu chiến binh và hộ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Nguyễn Văn Thục đã được các thành viên trong HTX bầu làm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành. Càng ngày vai trò của anh Thục càng thể hiện rõ trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” mà HND các cấp đã phát động.

2. Tác giả của sản phẩm từ thiên nhiên - Hiền Rose

Trên vườn của trang trại lợn sạch của ông chủ Nguyễn Văn Thục có trồng nhiều hoa Hồng. Chị Nguyễn Thị Hiền là vợ anh Thục đã có ý tưởng khởi nghiệp từ các cánh hoa Hồng, chị đã tạo ra sản phẩm nước cất hoa Hồng thiên nhiên. Đây là một sản phẩm mỹ phẩm nguyên chất từ cánh hoa Hồng cổ Việt Nam, chiết suất từ cây thảo mộc tự nhiên. 300 gốc Hồng mà chị Hiền trồng đã và đang thu hoạch, được trồng trên diện tích 5.000m2 chủ yếu là tận dụng đất nông nghiệp kém sản xuất. Những cây hoa Hồng mà chị Hiền trồng để cất nước dùng làm đẹp da cho 80% phụ nữ và 20% nam giới. Cây hoa Hồng được trồng trong môi trường sạch bằng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nước cất từ những bông hoa Hồng trên vườn nhà chị Hiền rất an toàn cho người sử dụng. Cũng như người chồng của chị, là một phụ nữ xuất thân từ nông dân, chị muốn làm giàu từ nông nghiệp. Sản phẩm chiết suất từ hoa Hồng không chỉ làm đẹp cho mọi người mà rất an toàn, lại có giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Cũng từ cái Tâm đến cái Tầm của mình, chị Hiền không chỉ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn mà còn bảo vệ môi trường xanh. Tuy cơ sở chiết suất nước cất hoa Hồng của chị Hiền còn rất thủ công, nhưng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên chị đem sản phẩm bán ở các cửa hàng nông nghiệp sạch và bán online trực tiếp đến người tiêu dùng. Sản phẩm nước cất từ hoa Hồng của chị Hiền chiếm lợi thế hơn về sức cạnh tranh so với sản phẩm công nghiệp cùng công dụng. Tuy sản xuất thủ công nhưng thu được lợi nhuận từ năm thứ 2 đã là 71 triệu đồng và năm thứ 3 dự kiến là 360 triệu đồng. Vì một tương lai xanh, chúc cho Hiền Rose ngày càng phát triển.

3. Lời cuối

Về thăm trang trại Hiền Thục sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ thảo dược, người viết bài này còn có những suy nghĩ rồi mạnh dạn đề xuất với các cơ quan chức năng như chính quyền xã Trực Thái, HND xã, huyện… nên tạo thêm cơ hội và điều kiện cho trang trại Hiền Thục phát triển hơn. Trang trại Hiền Thục đã tạo nên OCOP - mỗi xã một sản phẩm cho Trực Thái. Đến trang trại Hiền Thục càng thấy được hai chữ Tâm và Tầm của cả hai vợ chồng nông dân thế hệ 7X. Từ mảnh đất bỏ hoang do người dân địa phương nhiều năm đào đất làm gạch và có nhiều nấm mồ vô thừa nhận an táng đã lâu. Anh chị Hiền Thục đã tạo nên một trang trại Xanh - Sạch - Đẹp như hiện tại. Và, một điều người viết muốn nhắc lại: Với cái Tâm trong sáng, mấy chục ngôi mộ vô chủ đã được gia đình anh Thục chuyển tới nghĩa trang của xã và xây mộ chí đàng hoàng, rồi thỉnh nhà sư đến lễ cho các vong được siêu thoát.

Chúc cho trang trại Hiền Thục sẽ ngày càng phát triển có nhiều thịt lợn hữu cơ thảo dược và sản phẩm nước hoa Hồng Hiền Rose phục vụ cho người tiêu dùng khắp nơi trong thời đổi mới và hội nhập./.

Trần Anh Kim