Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch với cán bộ tỉnh Nam Định chiều 24-4-1957 (Lần thứ 2 năm 1957)
Cập nhật lúc 8:10, ngày 13/02/2023 (GMT+7)
Bác thay mặt Đảng và Chính phủ gửi lời thăm hỏi các cô, các chú cán bộ xã, huyện, tỉnh Nam Định. ...Cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Định trong kháng chiến đã có truyền thống chiến đấu anh dũng, ngày nay, trong hoà bình cũng phải giữ vững truyền thống tốt đẹp ấy mà trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu giữ vững truyền thống ấy.


Vừa qua, ta có sai lầm, nhưng có sai thì sửa, quyết tâm sửa và nhất định sửa cho tốt.

Về cải cách ruộng đất, chúng ta phải nhận rõ cả hai mặt: mặt thắng lợi và mặt sai lầm. Cách mạng của chúng ta là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc để giải phóng dân tộc, đánh đổ phong kiến để đem lại ruộng đất cho nông dân, xây dựng nước Việt Nam thành một nước độc lập dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc cách mạng chống đế quốc, vì đoàn kết nên chúng ta đã thắng lợi. Trong cuộc cách mạng chống phong kiến, chúng ta cũng đã thắng lợi, nhưng vì cán bộ trực tiếp thi hành sai chính sách nên phạm sai lầm nghiêm trọng. Nhưng thắng lợi vẫn là căn bản vì giai cấp địa chủ ở miền Bắc đã bị đánh đổ, nếu chúng ta cảnh giác thì không bao giờ chúng có thể lấy lại được. Còn sai lầm như quy sai thành phần, chấp hành chính sách tôn giáo sai...ta có sửa không? nhất định sửa được. Vậy sai lầm chỉ là tạm thời, là bộ phận. Tuy nhiên, đã là sai lầm thì dù lớn hay nhỏ khi sửa cũng có cái khó của nó, huống chi là việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, cho nên phải thấy rõ khó khăn để khắc phục chứ không phải sợ khó khăn.

Theo báo cáo thì trong sửa sai bước một ở Nam Định có nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, đảng viên cố gắng, nhân dân tốt nên kết quả khá, khá chứ không phải hoàn toàn tốt. Thí dụ như việc khôi phục đảng tịch, có nơi đảng viên bị khai trừ trước cải cách ruộng đất, nay cũng được phục hồi; có đảng viên không đủ tiêu chuẩn cũng được phục hồi, cho nên Bác nói chưa tốt lắm. Các đảng viên, cán bộ trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức bị xử trí sai, những đồng chí đó đại đa số dù bị oan uổng, cực khổ nhưng nhiều đồng chí đã gương mẫu xung phong tham gia công tác sửa sai, thuyết phục đồng bào. Trung ương Đảng và Chính phủ rất hiểu các đồng chí đó, những đồng chí đó là những đảng viên, đồng chí tốt, chúng ta phải học tập các đồng chí đó.

Ở đây Bác không có thì giờ nói chi tiết các vấn đề, Bác chỉ nói cái chính, tức là khâu chính giải quyết được khâu chính đó thì dễ dàng giải quyết được những vấn đề khác xung quanh. Trước đây, trong kháng chiến cũng như trong sửa sai hiện nay, phải nắm được khâu chính thì giải quyết công việc sẽ dễ dàng thuận lợi. Thí dụ: 1 cái cây trèo lên tỉa từng lá, bẻ từng cành rồi mới cưa gốc thì lâu nếu biết cưa gốc rồi bẻ cành, hái lá thì sẽ dễ dàng thuận lợi hơn. Khâu chính của chúng ta trong công tác sửa sai bây giờ cũng như trong công tác sửa sai sau này là đoàn kết (đoàn kết thực sự, chứ không phải đoàn kết đầu lưỡi). Chi bộ đoàn kết chặt chẽ cán bộ cũ, mới đoàn kết đảng viên cũ, mới đoàn kết; Do đoàn kết nội bộ mà đoàn kết nhân dân, đoàn kết lương giáo thì nhất định sửa sai được tốt. Lại phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã đều phải đoàn kết. Trong cách mạng, trong kháng chiến, vì đoàn kết nên đã thắng lợi. Nay trong sửa sai cũng phải đoàn kết như thế.

Cán bộ, đảng viên phải nâng cao chí khí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng. Trong kháng chiến rất khó khăn nếu chí khí chiến đấu của bộ đội, cán bộ, nhân dân mà sụt thì sẽ thất bại. Sửa sai bây giờ và sau này cũng thế, nếu chí khí sụt sẽ thất bại. Muốn có chí khí chiến đấu thì trước hết phải có lòng tin tưởng: tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, tin tưởng vào sự cố gắng của bản thân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta.


Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công. Từ trước tới nay, Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng ta vẫn phát triển được vì có tổ chức tính, kỷ luật tính. Trong dịp Tết có chỉ thị nghỉ 3 ngày, nhưng có đồng chí tới 4, 5 ngày, có người nghỉ tới 10 ngày, như thế là kém kỷ luật tính, tổ chức tính. Tóm lại phải đoàn kết chặt chẽ, phải nâng cao chí khí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng, phải có kỷ luật tính, tổ chức tính, như thế chưa đủ còn phải kiên nhẫn tức là phải chịu khó, chịu khổ dẻo dai. Ví dụ: ở nơi công giáo, đồng bào bị bọn phản động lừa bịp, đe doạ, nếu không kiên nhẫn tuyên truyền giải thích thì không giác ngộ được đồng bào. Cần nhận rõ: nhân dân ta bất kỳ lương hay giáo đều tốt cả, nhưng hiện nay trong đồng bào công giáo chia rẽ, lừa bịp, đe doạ nên tạm thời chí khí đấu tranh của đồng bào còn bị mờ đi, nếu ta kiên nhẫn thì sẽ giác ngộ, tranh thủ được đồng bào. Cách mạng không phải làm một buổi, một tháng, một năm mà xong được. Ở đây, không có đồng chí nào già hơn Bác, Bác năm nay ngoài 60 tuổi mà vẫn kiên nhẫn công tác, nếu Bác cũng nghỉ thì ai làm gương cho các cô, các chú?

Không nên thấy thành tích mà chủ quan. Thí dụ: Thấy bước 1 làm khá thì chủ quan, cho bước 2 cũng thế thôi, đầu đi đuôi lọt, phải thấy bước 2 có nhiều khó khăn phức tạp, vì bước 2 có quan hệ đến lợi ích của nhiều tầng lớp, nhưng nhìn thấy khó khăn phức tạp để chuẩn bị vượt qua, chứ không phải để bi quan. Như thế chủ quan cũng hỏng việc mà bi quan cũng hỏng việc. Phải đánh giá đúng tình hình, thấy rõ khó khăn, thuận lợi, chớ bi quan mà cũng chớ chủ quan.

Bây giờ Bác nói sang vấn đề khác: Vấn đề đường lối nông thôn của Đảng. Nghe nói có một số đồng chí hiểu không đúng, làm không đúng nên thất bại lại đổ cho đường lối nông thôn của Đảng không đúng, rồi oán trách Đảng. Đường lối nông thôn của Đảng là rất đúng, có từng đoạn, từng bước liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời từng đoạn được, cũng không thể chỉ đi bước trước bỏ bước sau, hoặc bỏ bước trước đi bước sau được.

Đường lối nông thôn của Đảng là phải dựa hẳn vào bần cố nông. Bần cố nông là vô sản và nửa vô sản ở nông thôn, là chủ lực quân của cách mạng, nhưng nếu chỉ dựa vào bần cố nông mà không có bạn thì thì sẽ yếu đi, cho nên phải đoàn kết chặt chẽ với trung nông, trung nông không phải là do vô sản nhưng là người có lao động. Dựa vào đoàn kết cũng chưa đủ, lại phải liên hiệp với phú nông. Vì phú nông nửa lao động nửa bóc lột về kinh tế là một sức sản xuất cần cho việc khôi phục kinh tế hiện nay, vả lại ta chưa tiêu diệt được phú nông thì phải liên hiệp để họ theo ta, chứ không để họ theo giai cấp địa chủ. Còn đối với địa chủ: Cách mạng là tiêu diệt giai cấp địa chủ. Tiêu diệt chế độ bóc lột của địa chủ chứ không tiêu diệt con người địa chủ. Nếu ta tịch, trưng thu, trưng mua hết mà không mở đường cho nó lao động cải tạo thì một mặt sẽ mất sức lao động của con người, mặt khác nó sẽ trở thành lưu manh, trộm cắp có hại trực tiếp cho nông dân, cho cách mạng. Cho nên phải đối phó với địa chủ, một mặt ta phải cảnh giác đề phòng nó ngóc đầu dậy, một mặt phải mở đường cho nó lao động cải tạo thành con người mới.

Làm như thế là đi đúng đường lối nông thôn của Đảng có đầu có đuôi, nhưng nhiều đồng chí đã không hiểu như thế, không làm như thế cho nên thất bại.

Đường lối nông thôn của Đảng là áp dụng ngoài quần chúng nhưng vì không hiểu nên có đồng chí đã đem áp dụng đường lối đó vào trong chi bộ, có đồng chí được dựa, có đồng chí chỉ đoàn kết, vô tình mà trong Đảng chia ra 2 loại đảng viên. Bất kỳ ở giai cấp nào một khi đã thừa nhận điều lệ chính cương của Đảng, phấn đấu cho Đảng thì đều đứng về lập trường giai cấp công nhân, đều là đảng viên của Đảng, không có phân biệt thành phần giai cấp. Đồng chí Mao Trạch Đông trước là giáo viên, đồng chí Chu Ân Lai là con quan, nhưng từ khi vào Đảng, các đồng chí đó hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng, ngày nay không ai gọi các đồng chí đó là giáo viên, là con quan nữa, mà người ta gọi các đồng chí đó là lãnh tụ của Đảng, của giai cấp công nhân. Các cô, các chú về địa phương, nếu ai còn hiểu lầm thì phải giải thích cho mọi người hiểu và làm đúng như thế.


Trong việc sửa sai, cố nhiên chi bộ là cái cọc phải đoàn kết chặt chẽ, có kỷ luật, làm đúng chính sách, nhưng phải có lực lượng tổ chức quần chúng giúp sức như Đoàn thanh niên lao động, Nông hội, Phụ nữ, Chính quyền, dân quân thì sửa sai mới tốt. Nếu quên lực lượng ấy là mua thêm việc cho mình, chớ có bao biện mà quên việc của quần chúng thì thành tích sẽ ít.

Công tác bước 2 phải xét thành phần và đền bù tài sản. Về việc đền bù: Những người bị quy sai phần đông là trung nông, phải vận động hết khả năng của nhân dân với tinh thần thương yêu giai cấp, nhân nhượng thương lượng giúp đỡ nhau mà giải quyết việc đền bù. Có thể trong trường hợp phải giải thích, thuyết phục những bần cố nông được chia quá mức trong cải cách ruộng đất bớt ra một phần mà đền bù, nhưng không vận động quá mức được chia của bần cố nông. Có làm như thế mà còn thiếu không giải quyết được thì mới đề nghị Chính phủ trích quỹ bồi thường một phần. Phải dựa vào dân là chính không nên ỷ lại vào Chính phủ. Bác cũng chính là Chính phủ đây. Bác cũng như các cô, các chú lấy tiền đâu ra mà đền bù, tiền đó cũng là do công đóng góp của dân mà có. Trong khi đền bù, đối với trung nông bị quy sai cũng phải xem xét tình hình hoàn cảnh gia đình từng người mà giải quyết; có người là trung nông thường, có người là trung nông lớp trên, điều kiện sinh sống tương đối khá, có trung nông là gia đình cách mạng cơ sở, liệt sĩ, cán bộ, bộ đội. Cố nhiên ta phải chiếu cố đến loại trung nông thứ ba.

 Sửa sai phải cố mà làm, nhưng chỉ cắm đầu cắm cổ biết có sửa sai mà quên các công tác khác, nhất là sản xuất, đê điều, thuế thì không được. Không có ăn dân đói, cán bộ đói thì không sửa sai được, không thu được thuế thì lấy gì mà kiến thiết kinh tế, phát triển văn hoá, cho nên phải biết kết hợp cho khéo, sửa sai không quên sản xuất, sản xuất không quên sửa sai. Theo tin từ Trung Quốc cho biết thì năm nay do nóng nực nhiều, nước sông và nước bốc hơi rất nhiều bên Trung Quốc năm nay sẽ có mấy trận lụt to, bão to. Trung Quốc có bão lụt thì nước ta cũng bị ảnh hưởng, ngay từ bây giờ, các cô, các chú phải chú ý ngay việc đắp đê phòng lụt và chống bão. Mùa màng được nhưng có bão lụt mà không chống được thì được mùa cũng như mất mùa. Đê ở Nam Định làm chậm là do các cô, các chú chủ quan, thuế cũng chưa coi trọng đúng mức, như thế là các cô, các chú chưa làm tròn nhiệm vụ.


Nước ta còn tạm chia làm 2 miền: Ở miền Bắc ta đang kiến thiết khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, bọn Mỹ Diệm không muốn ta thành công nó tìm mọi cách để phá ta như tuyên truyền xuyên tạc nói xấu ta, tung tay chân vào trong đoàn thể, cơ quan ta, vào xí nghiệp, vào nông thôn để phá ta. Ở miền Nam, chúng in lại báo Nhân văn, nói trên đài phát thanh để phản tuyên truyền ta, lừa gạt đồng bào miền Nam gây nghi ngờ đối với miền Bắc. Chúng còn lợi dụng bọn phản động đội lốt tôn giáo gây chia rẽ trong nhân dân. Vì vậy, các cô, các chú phải luôn luôn nâng cao cảnh giác đối với âm mưu của bọn phá hoại.

Chúng ta phải tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm xây dựng kinh tế dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, Trung Quốc, tức là thực hiện lối làm ăn tập thể, cùng làm chung, hưởng chung, nông thôn ta cũng sẽ tiến lên như thế. Muốn thế phải tổ chức tổ đổi công là hình thức thấp nhất, rồi tiến lên hợp tác hoá nông nghiệp, từ hợp tác xã nhỏ phát triển thành thành HTX to dùng máy móc trong nông nghiệp. Tiến lên chủ nghĩa xã hội mau hay chậm không phải là do Bác, do Trung ương mà do các cô, các chú có chịu khó giải thích cho nông dân hiểu không, có chú ý tổ chức tổ đổi công không? Phải giải thích cho nông dân nhìn xa thấy rộng, thấy rõ tương lai tương sáng sau này không nên suy tị sào ruộng góc trâu, phải có tinh thần hữu ái tương trợ lẫn nhau, nếu các cô, các chú nói như nông dân hiểu như Bác nói với các cô, các chú hôm nay thì sửa sai nhất định giải quyết được tốt.

Cuối cùng Bác nhắc lại phải đoàn kết, đoàn kết từ trên xuống dưới, đoàn kết từ trong ra ngoài, cán bộ cũ, mới đoàn kết, đảng viên cũ, mới đoàn kết, lương giáo đoàn kết. Các cô, các chú phải cố gắng làm thế nào Nam Định có những xã kiểu mẫu, có huyện kiểu mẫu tiến lên thành tỉnh kiểu mẫu trong dịp sửa sai này, làm cho gọn, cho tốt, đúng thời gian, nếu như thế là các cô, các chú có công to với Đảng, Chính phủ. Bác hứa trước sẽ đề nghị với Đảng và Chính phủ khen thưởng.

Khởi đầu cách mạng lực lượng ta rất ít, đế quốc khủng bố dã man, hoạt động rất khó khăn, nhưng do lòng tin tưởng, do đoàn kết phấn đấu nên đã thành công, ngày nay chúng ta có lực lượng to lớn của Đảng, của Mặt trận, của nhân dân. Nếu ta biết nắm vững đường lối chính sách của Đảng, luôn luôn tin tưởng đoàn kết phấn đấu thì khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua được.

Bác nói riêng với cán bộ quân đội, cán bộ Trung ương phái về làm công tác sửa sai, các cô, các chú đang làm một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ trong quân đội được học tập nhiều, lại có truyền thống kỷ luật; Cán bộ Trung ương phái về được gần Trung ương được học tập nhiều, hiểu biết nhiều. Đây là một dịp để đưa cái hiểu biết của mình làm kiểu mẫu cho địa phương, phải đoàn kết, phải trọng kỷ luật và tổ chức.

Bác mong các cô, các chú mạnh khoẻ phấn khởi quyết tâm sửa sai cho tốt và Bác gửi lời các cô các chú chuyển lời thăm của Bác đến các đồng chí và đồng bào trong tỉnh.