Bác Hồ, tấm gương sáng về đạo đức báo chí
Cập nhật lúc 14:36, ngày 20/06/2022 (GMT+7)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa, là nhà báo lỗi lạc. Với sự thành lập Báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng đồng chí, số đầu ra ngày 21-6-1925, Người đã khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ năm 1985, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21-6 được coi là Ngày Báo chí Việt Nam.


Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch.
Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ là nhà báo lớn, là tấm gương sáng về đạo đức báo chí, là nhà báo với ý nghĩa cao cả, chân chính, tốt đẹp nhất của hai từ ấy. Tư duy, phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh là một kho tàng quý báu Người để lại cho các thế hệ người làm báo ngày nay và mai sau.

Tư duy báo chí Hồ Chí Minh cụ thể hóa tư tưởng của Người về văn hóa: “Văn hóa là một mặt cơ bản của xã hội”, “Văn hóa là một mặt trận”, “(Nền) văn hóa mới kết hợp hài hòa, đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”... Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa. Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng, là vũ khí cách mạng. Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Nhiều lần, Người nhấn mạnh ý tưởng này: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...”, “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...”.

Bác Hồ sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiếp cận tác phẩm của Lênin, Người tâm đắc câu nói vị lãnh tụ lỗi lạc phát biểu từ đầu thế kỷ XX, khá lâu trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện...”.

Chỉ 4 năm sau ngày đặt chân lên đất Pháp, được sự ủng hộ của các chí sĩ Việt Nam tại Pháp và sự hợp tác của một số bạn bè quốc tế, Người xuất bản Báo Le Paria (Người cùng khổ). Người là cây bút chính, sắc sảo nhất của tờ báo ấy. Jean Lacouture, một trong số những nhà văn, nhà sử học nổi tiếng Pháp, nhận định: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Le Paria rất to lớn. Ngày nay đọc lại các bài báo của ông vẫn thấy vô cùng hứng thú... Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba”. Song song với việc chủ trương tờ Le Paria, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị xuất bản tờ báo bằng tiếng Việt, Việt Nam hồn dành cho kiều bào.

Người cộng tác với nhiều tờ báo có thanh thế nhất tại Pháp thời bấy giờ: Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Người bình dân... Sang Nga, Người viết báo tiếng Nga. Về Trung Quốc, Người cộng tác với tờ Cứu vong nhật báo cùng một vài tờ báo tiếng Anh. Tại đấy, Người sáng lập tờ báo tiếng Việt Thanh niên, mà sự cống hiến vô giá của nó là chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1943, trở về Tổ quốc sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Việt Nam độc lập, nhằm mục đích: “Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết một lòng như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người quyết định lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam...

Hồ Chí Minh là nhà báo uyên thâm, đa dạng, sắc bén và tài hoa với hàng loạt tác phẩm đúng đắn về nội dung, hùng hồn về lý luận, mẫu mực về ngôn ngữ, có sức đi sâu vào quần chúng, thức tỉnh lòng người, khiến quân thù khiếp sợ. Bác Hồ không viết sách dạy lý luận báo chí, song những phát biểu của Người là một hệ thống quan điểm mang tính kinh điển về báo chí cách mạng.

Tư duy của Bác Hồ về vai trò của báo chí trùng hợp ý kiến các nhà tư tưởng lớn, những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin: Các Mác, F. Ăngghen, V.I. Lênin. Trong nhiều trường hợp Hồ Chí Minh gọi báo chí là “vũ khí sắc bén của cách mạng”. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí, theo Bác Hồ, là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng...” bằng phương tiện thông tin và các thủ pháp nghề nghiệp khác. Tôn chỉ, mục đích của báo chí Việt Nam không gì ngoài phục vụ “kháng chiến và kiến quốc, đoàn kết toàn dân, thi đua yêu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới...”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí phải ra sức “đấu tranh cho tự do, chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người...”.

Trong tư duy của Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó, mà nhất thiết báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, phải dành cho đông đảo nhân dân. Tính chất báo chí, theo Bác Hồ, trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu...”. Ngay từ thời ngày nay chúng ta hay gọi là “bao cấp”, báo chí hầu như được Đảng và Nhà nước chăm lo cho hầu hết, nếu không phải là toàn bộ, nhu cầu về tài chính, Người đã dạy: “Báo chí cũng là một ngành kinh tế”. Báo chí không chỉ có trách nhiệm phục vụ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, mà báo chí cần phải lo cả hoạt động kinh tế của chính mình. 

Về quan điểm báo chí, Hồ Chí Minh rất coi trọng “tự do tư tưởng”. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý...”. Nhưng tự do gắn với trách nhiệm, tự do với tinh thần phục thiện: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”. 

Nói về phong cách báo chí, Bác Hồ mong muốn báo chí ta phải luôn luôn “gần gũi quần chúng”. Nhà báo suốt đời tâm niệm: “Vì ai mình viết? Viết cho ai, viết để làm gì?”. Văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát...”. Yêu cầu ấy tuyệt nhiên không bao hàm ý thông tục. Bác Hồ căn dặn các nhà báo cố gắng “viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc...”.

Báo chí bất kỳ trường hợp nào cũng là diễn đàn của nhân dân. Sản phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân, song tờ báo lúc nào cũng là công lao của một tập thể. Tính tập thể của nghề báo trong tư duy Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trước hết và chủ yếu ở nội dung mà còn ở lối làm việc: “Người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... ăn khớp với nhau...”. Đi đôi với đề cao tính tập thể, Người khuyến khích tài năng cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo và tổ chức chính trị, nghề nghiệp của họ: Hội Nhà báo Việt Nam. Người khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”. Người nhấn mạnh vai trò “chiến sĩ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng. Đạo đức báo chí trước hết thể hiện ở những mặt ấy. Người hết sức coi trọng trau dồi đạo đức, hễ có dịp gặp các nhà báo là Người đề cập vấn đề này.

Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không phải để “lưu danh thiên cổ”. Suốt đời, Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Để đạt đến đỉnh cao trong sáng ấy, để trở thành một nhà báo lớn, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên trì học tập, khổ luyện suốt đời. Khi mới đặt chân đến Pháp, do nhu cầu đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, nhận thấy sự cần thiết trở thành một người viết báo tiếng Pháp giỏi, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp bằng những mẩu tin ngắn, “mỗi tin chỉ có năm ba dòng”. Mỗi lần tin hoặc bài được đăng, Người so sánh bản thảo với bản in trên báo, để học tập xem các nhà báo đàn anh đã biên tập, sửa chữa ở những điểm nào. Nhờ thế chỉ vài, ba năm sau, cụ thể từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã là tác giả nhiều bài chính luận, tiểu phẩm, điều tra... có giá trị cao cả về nội dung và văn chương, làm kinh ngạc giới trí thức Pháp. Mặc dù Bác Hồ coi mình chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”, cả cuộc đời của Người, từ những ngày phải trốn tránh kẻ thù cho đến khi đảm đương nhiều trọng trách quốc gia, thời giờ hết sức eo hẹp, Người vẫn không rời cây bút. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với cuộc đấu tranh cách mạng và đời sống xã hội. 

Các thế hệ những người làm báo Việt Nam đời đời hướng về học tập Người, với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc./.

Phan Quang
Nguồn: Báo Nam Định

 

CÁC TIN TỨC KHÁC