Ngày 03/7/2015, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký Lệnh số 03/2015/L-CTN công bố Luật thú y đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, Luật thú y có 7 Chương, 116 Điều đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính và xã hội hóa trong công tác thú y. Luật thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016, với một số quy định mới so với Pháp lệnh thú y năm 2004 như sau:
Thứ nhất: Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật như khai báo, chẩn đoán bệnh, điều tra dịch bệnh; xử lý ổ dịch nhỏ lẻ, công bố dịch, tổ chức chống dịch trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.
Thứ hai: Luật phân cấp thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tạo điều kiện để địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả, thuận tiện và nhanh chóng bảo đảo khống chế được dịch ngay khi mới phát sinh trên địa bàn, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thứ ba: Luật quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; đồng thời bỏ quy định kiểm dịch “theo số lượng, khối lượng”. Việc kiểm dịch được quản lý theo mối nguy cơ về dịch bệnh động vật như các cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh... không phải thực hiện kiểm dịch mà chỉ thực hiện đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y để được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông trong nước.
Thứ tư: Luật quy định việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y; trừ trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có cơ sở giết mổ tập trung, luật mới cho phép được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Thứ năm: Luật quy định thuốc thú y phải được quản lý và bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật mới được cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận lưu hành trên thị trường, đồng thời quy định rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm thủ tục giấy tờ và nâng thời hạn của các loại giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu thuốc thú y đều có thời hạn 05 năm.
Thứ sáu: Luật cho phép các cơ quan có thẩm quyền trong nước tổ chức thanh tra, kiểm tra tại nước xuất khẩu, cảnh báo và tạm dừng nhập khẩu các hàng hóa không đảm bảo, bảo vệ sản xuất trong nước.
Thứ bảy: Luật quy định tương đối chi tiết trên các lĩnh vực, khi có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 áp dụng được ngay, không chờ Nghị định và Thông tư hướng dẫn./.
Ban Biên tập