Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp
Cập nhật lúc 8:33, ngày 24/04/2023 (GMT+7)
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều chương trình, đề án, dự án ứng dụng CNSH đã thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… nâng cao giá trị g

 

Trong trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đặc biệt là CNSH vào sản xuất được đẩy mạnh như: ứng dụng và nhân rộng công nghệ nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón hữu cơ để trồng rau sạch, rau an toàn; tiếp nhận chuyển giao thành công công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh; trồng dưa chuột, dưa lưới trên giá thể xơ dừa trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhiều hộ nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh đem lại lợi ích “kép” khi giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu rét, hạn, úng, sâu bệnh hại; đồng thời xử lý cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn lưu trong đất. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại với phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý tốt chất thải chăn nuôi được mở rộng, dần từng bước thay thế phương thức truyền thống. Một số mô hình chăn nuôi hữu cơ đã được hình thành, năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chăn nuôi được cải thiện rõ rệt. Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) sử dụng men vi sinh chủng EM trộn vào ngô, cám gạo, đậu tương và các loại thảo dược (đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...) nâng cao sức đề kháng của đàn lợn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và tạo ra sản phẩm thịt lợn hữu cơ, có giá bán cao hơn 5-10 nghìn đồng/kg so với giá thịt lợn nuôi đại trà. Trong nuôi thủy sản, nhiều hộ nuôi sử dụng chế phẩm để loại bỏ ô nhiễm, khí độc trong ao tôm và xử lý bùn đáy, nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... Một số hộ nông dân tại các xã, thị trấn: Nam Điền, Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu) ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm môi trường…

Cũng như cả nước, Nam Định đang nỗ lực phát triển toàn diện để hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Mặc dù sản xuất nông nghiệp đã đạt được năng suất cao và ổn định trong thời gian dài, hình thành được những chuỗi liên kết cho giá trị cao song chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh cũng đã và đang bộc lộ những bất cập. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng… trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến tồn dư hóa chất trong nông sản lớn. Công nghệ chế biến thô sơ dẫn đến chất lượng thành phẩm chưa cao, hao hụt nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng CNSH và đẩy mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được coi là công cụ quan trọng và then chốt để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, CNSH còn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, hài hòa và bền vững; khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải hữu cơ; là các giải pháp góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững. 

Trước những yêu cầu đó, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ (CN và CN) chủ trì triển khai Đề án “Ứng dụng KH và CN để phát triển công nghiệp CNSH tại tỉnh Nam Định”. Để có căn cứ thực tiễn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án khả thi, hiệu quả, Sở KH và CN đã tổ chức đoàn công tác làm việc, trao đổi kinh nghiệm với 2 tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế, là 2 địa phương tiêu biểu trong công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH. Ngày 1-3-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Ứng dụng KH và CN để phát triển công nghiệp CNSH tại tỉnh Nam Định”. Mục tiêu của Đề án là tập trung các nguồn lực xã hội và các lợi thế của tỉnh để tạo động lực ứng dụng KH và CN nhằm phát triển công nghiệp CNSH trong các ngành, lĩnh vực; làm thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến; bảo vệ bền vững môi trường; từng bước đưa Nam Định trở thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng CNSH hàng đầu trong khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Nhiệm vụ của Đề án đặt ra là xây dựng, phát triển tiềm lực CNSH của tỉnh (nâng cao tiềm lực cho Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN để làm đơn vị đầu mối tiếp nhận và chuyển giao CNSH, trực tiếp đưa công nghệ vào sản xuất tại địa phương; từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp CNSH); phát triển CNSH ngành Nông nghiệp, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh giao Sở KH và CN chủ trì triển khai Đề án, hàng năm xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ KH và CN cụ thể phù hợp với mục tiêu của Đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức quản lý các nhiệm vụ KH và CN theo quy định. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương phối hợp với Sở KH và CN tìm kiếm công nghệ, xác định nhiệm vụ KH và CN, xây dựng mô hình ứng dụng CNSH và nhân rộng vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của Đề án…

Đầu tư phát triển CNSH được xem là giải pháp tối ưu để phát triển chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị nông sản và góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời tiến tới giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường nông nghiệp - nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh - quốc phòng, phục vụ phát triển bền vững của địa phương trong tình hình mới, phù hợp xu thế “xanh hóa” nền kinh tế hiện nay./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn: baonamdinh.com.vn