Thu nhập cao từ mô hình nuôi trồng thủy sản
Cập nhật lúc 16:43, ngày 08/01/2024 (GMT+7)
Sau thời gian dài vượt qua những khó khăn ban đầu, cộng với đam mê và nỗ lực tìm tòi học hỏi, anh Đặng Văn Ba, hội viên Chi hội nông dân thôn 2, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trồng thủy sản. Hiện trang trại nuôi cá của anh Ba quy mô khá lớn và bài bản, với ba loại cá khác nhau, cung cấp hàng trăm nghìn con giống và cá thương phẩm ra thị trường mỗi năm.


Mô hình nuôi trồng thủy sản của hội viên Đặng Văn Ba xã Mỹ Hưng (huyện Mỹ Lộc)

Hồi trẻ, anh kinh qua nghề xay sát gạo, cày bừa, tuốt lúa. Thời đó, làm nông vất vả, chủ yếu dùng sức người, lao động thủ công, máy móc ít nên năng suất, hiệu quả không cao. Năm 1992, với số vốn “dắt lưng” 7 triệu đồng, anh bắt đầu làm kinh tế trang trại. “Thuở hàn vi đã quen đồng ruộng, con cua, con cá, ngày nghỉ cuối tuần theo mẹ chăn trâu cắt cỏ, đi tát nước bằng gầu sòng, lặn lội úp nơm, thả đó, cất vó tép… Bấy nhiêu hoài niệm việc nhà nông đã “thấm sâu” vào tiềm thức, thôi thúc tôi đến với nghề nuôi trồng thủy sản, để nuôi sống bản thân và gia đình như một lẽ tất nhiên. Bởi tôi nghĩ: Không gì quý hơn sự tự do, được làm nghề mình yêu thích, thỏa niềm mong ước, đồng thời đảm bảo kế sinh nhai bền vững” - Anh Ba chia sẻ.

Lúc mới làm trang trại, anh triển khai mô hình lúa – cá, vừa trồng lúa, vừa thả cá trôi, chép, trắm cỏ. Năm 2005, chuyển sang nuôi cá trắm đen giống, cá trê giống, cá chim thương phẩm, cá rồng, cá koi cảnh, kết hợp thêm chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Theo anh Ba, cách đây chục năm, mô hình nuôi cá trắm đen cho lãi cao, về sau thị trường bão hòa, giá cá rớt thê thảm, giảm từ 150.000 xuống 60.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ 50.000 đồng/kg, khiến người nuôi cá lao đao. 

Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, hiện hội viên nông dân Đặng Văn Ba đang sở hữu trang trại nuôi trồng thủy sản rộng đến 4 ha, gồm 13 ao. Con nuôi chủ lực là cá trắm đen, nuôi xen với cá koi, cá chép Nhật. Tính đến nay, anh đã có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi cá trắm đen. Theo anh Ba, cá trắm đen có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, rất dễ nuôi; chịu rét, tác động môi trường tốt. Nhờ đó, cá phát triển và lớn nhanh. Hơn nữa, so với các giống cá truyền thống khác như trắm cỏ, chép, trôi… thì nuôi cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gấp 2 - 3 lần. Mỗi lứa nuôi kéo dài từ 10 - 12 tháng là cho thu hoạch. Lúc đó, cá trắm đen xuất bán ra thị trường nặng gần 8kg/con; đột biến có con nặng trên 10kg, nhưng chiếm tỉ lệ ít.

Để đảm bảo chủ động trong khâu chăn nuôi, anh tích cực học hỏi kinh nghiệm, dày công nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức để nhân giống cá, thay vì nhập cá giống về nuôi làm tăng chi phí sản xuất. Từ đó, anh tự chủ được công nghệ nhân giống cá trắm đen, cá koi. “Ươm cá giống khá công phu, tỷ mẩn như chăm con thơ, đòi hỏi kĩ thuật cao, công chăm sóc nhiều. Ngày cho cá 4 bữa. Có như vậy, cá giống mới khỏe mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh. Còn về phương thức nuôi cá thương phẩm, trước khi vào vụ mới phải vệ sinh lại ao nuôi, làm sạch nguồn nước, nạo vét bùn, rắc vôi bột khử trùng, diệt vi khuẩn, virus, nấm, tảo gây hại, rồi bơm nước, thả cá vào ao. Như thế, cá mới sinh trưởng tốt”. Anh Ba bộc bạch. 

Dẫn tôi đi “thị sát” trang trại, anh Ba hăng say giới thiệu từng ao nuôi, từ ao nuôi cấy giống đến ao nuôi cá thương phẩm. Tay bưng chậu cám rải thức ăn xuống ao, từng đàn cá quẫy tung tăng đớp mồi, tạo nên khung cảnh sống động như bức tranh thủy mặc giữa đồng quê. 

Theo anh Ba, cá nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết ở miền Bắc, người nuôi cần quan sát thấy cá có dấu hiểu bơi lờ đờ, hay nổi trên mặt nước, màu ước thay đổi, vẩn đục bất thường. Định kỳ hàng tháng, lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp; lựa con giống khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không dị tật, không mang mầm bệnh. Cho ăn đúng giờ, đúng định lượng thức ăn, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành sinh vật phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, anh thường xuyên bổ sung các loại vitamin trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước đảm bảo và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. Nếu lơ là, thiếu kiểm tra ao nuôi có thể mầm bệnh lan nhanh, cá chết hàng loạt, thiệt hại không kể siết.

Nguồn thức ăn cho cá trắm đen trước đây là con gion có giá thành rẻ, sẵn có, thì nay khan hiếm. Vì thế, anh phải xoay sở, bằng cách cho ăn ốc bươu vàng và cám công nghiệp mua từ địa chỉ tin cậy, uy tín, được chứng nhận đủ tiêu chuẩn theo quy định. Anh đầu tư thêm các máy móc, phương tiện phục vụ chăn nuôi như: máy trộn thức ăn, máy bơm, ô tô, camera an ninh, hệ thống giám sát, điều chỉnh tự động kết nối với điện thoại… Bằng cách kết hợp kỹ thuật chăn nuôi truyền thống với phương thức chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khoa học, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, ao nuôi của anh gồm 03 giống cá: trắm đen, cá koi và chép Nhật Bản. Sản lượng trắm đen đạt 20 tấn/năm, cá koi 10 tấn/năm, chép Nhật 5 tấn/năm. “Nhờ chăn nuôi cá theo hướng an toàn, thị trường tiêu thụ ổn định nên trung bình mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 30-35 tấn cá; trừ chi phí, thu lãi  500-600 triệu đồng/năm”, anh Ba chia sẻ.

Ngoài nuôi cá, anh còn trồng thêm 80 cây gốc sanh lá nhỏ, 250 gốc tùng la hán cảnh, vừa tạo không gian xanh tươi, thoáng mát trong trang trại, vừa có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để góp phần hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất, năm 2017, trang trại gia đình anh được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Anh được Hội Nông dân xã Mỹ Hưng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn số tiền 200 triệu đồng, giúp anh có thêm nguồn lực phát triển kinh tế… Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Không chỉ giỏi trong làm ăn kinh doanh, anh Ba còn là hội viên nông dân tiêu biểu, có nhiều hoạt động sôi nổi, cống hiến cho công tác Hội và phong trào nông dân tại cơ sở. Anh thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, anh đóng góp 300 triệu đồng đổ bê tông đoạn đường dài 0,5km, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại của nhân dân ở thôn.

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng, miệt mài không ngừng nghỉ, người nông dân Đặng Văn Ba trở thành “tỷ phú chân đất”, xây dựng cơ ngơi khang trang, kinh tế gia đình sung túc, đầy đủ. Mô hình nuôi trồng thủy sản của hội viên nông dân Đặng Văn Ba trở thành điểm sáng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhua làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đồng thời là mô hình điển hình thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, học hỏi từ nhiều hội viên trong vùng và trên địa bàn huyện, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, khích lệ.

Thay lời kết, tác giả bài viết trân trọng dành những vần thơ tới bác chủ trang trại thi phẩm:

                     CẢM TÁC CHIỀU QUÊ TRÊN NÔNG TRẠI

“Gió sương chẳng quản chi gian khó

Lặn lội kéo lưới, cá đầy chuôm

Mồ hôi thánh thót lăn trên má

Miệng cười tỏa nắng, sắt lòng tin!

Hơn ba mươi xuân trải dãi dầu

Vững nghiệp nhà nông, hưởng trái ngọt

Cơ ngơi bề thế, vạn niềm vui

Mây quang, nắng hửng, trời tuôn ngọc

Lõm bõm bờ ao, cá quẫy chào

Trăm hàng cây thế rủ bóng xanh

Hương thơm đâu đó tỏa ngát chiều

Lắng đọng hồn quê, sương mờ ảo

Điền viên một khoảng ta với ta!”

Trần Thế Hiển

Phó Chủ tịch HND Mỹ Lộc