Sản phẩm OCOP thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường
Cập nhật lúc 15:11, ngày 13/01/2021 (GMT+7)
Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Triển khai chậm hơn so với nhiều địa phương trên toàn quốc nhưng chỉ sau hơn 2 năm nỗ lực tỉnh ta đã bứt phá, giữ vị trí là 1 trong 4 tỉnh tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện chương trình OCOP. Đặc biệt chương trình OCOP đã có tác động lớn đến kinh tế - xã hội khu vực nông thôn với những tác động quan trọng tạo việc làm, thu nhập và phát huy, bảo tồn bản sắc v

 
Sản phẩm muối ăn NADISALT của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao

Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng, các địa phương rà soát thực lực các cơ sở sản xuất trên địa bàn để định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Được vận động, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 146 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3-4 sao (gồm 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm đạt hạng 3 sao), cao hơn 46% so với mục tiêu cán mốc 100 sản phẩm OCOP vào năm 2020. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng của tỉnh nhà và khu vực lân cận. Đáng chú ý, 5 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu gồm: Muối NADISALT đạt chuẩn 4 sao của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định xuất khẩu sang Nhật Bản; kẹo sìu châu xếp hạng 3 sao của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định); ngao Lenger đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; tép moi đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và gạo sạch Toản Xuân đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH Toản Xuân đã tạo được uy tín, thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách khi tới tham quan, mua sắm tại Hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020, diễn ra trong 3 ngày từ 4 đến 6-12-2020. Nhiều gian hàng thực phẩm OCOP của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Mỹ Lộc liên tục hết hàng. Người dân đến hội chợ cho biết: họ thường xuyên mua sắm các sản phẩm OCOP trong tỉnh tại nơi sản xuất hoặc điểm giới thiệu sản phẩm của địa phương và yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá. Huyện Hải Hậu có 67 sản phẩm OCOP ở cả 34 xã, thị trấn. Sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu đa dạng từ mặt hàng dược liệu, thủy sản chế biến, chăn nuôi, tinh bột, rau củ quả đến dịch vụ du lịch. Trong đó, mô hình du lịch của Ecohost Hải Hậu của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư ECOHOST, thị trấn Yên Định đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao đã kết nối và khai thác được tiềm năng sẵn có, giá trị văn hóa địa phương qua các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, ẩm thực đến du lịch trải nghiệm các làng nghề trong và ngoài huyện. Nhiều điểm du lịch, làng nghề nổi tiếng của tỉnh như Chùa Cổ Lễ, làng ươm tơ Cổ Chất, làng nghề kèn đồng Hải Minh, Nhà thờ đổ Hải Lý, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, Nhà thờ Phạm Pháo, cánh đồng muối Bạch Long hay những cơ sở chế biến món ăn nổi tiếng như bánh nhãn Hải Hậu, bánh chưng bà Thìn, nem nắm Giao Thủy, gạo nếp Quần Vinh, bột đậu Hoàng Thanh, mật ong sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy… đều được kết nối đưa vào chương trình trải nghiệm của sản phẩm. Mô hình này không chỉ mang lại doanh thu từ dịch vụ mà còn quảng bá được mảnh đất, con người Nam Định với du khách trong và ngoài nước, đánh dấu bước phát triển cho du lịch Hải Hậu cũng như tạo việc làm, thu nhập đáng kể cho cộng đồng tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu. Chị Lưu Liên Phương, phố Phủ Đông Cường, xã Hải Bắc cho biết: làng nghề bánh nhãn Đông Cường là nơi duy nhất giữ lại cách chế biến bánh nhãn truyền thống từ gần 200 năm trước đây. Sản phẩm lại hoàn thiện các tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR nên đã được Ecohost Hải Hậu chọn làm điểm tham quan trải nghiệm trong chuỗi dịch vụ của Công ty. Không riêng gia đình chị Phương mà các hộ dân khác trong làng nghề thường xuyên có khách du lịch đến tham quan quy trình sản xuất và mua sản phẩm về làm quà. Do đó danh tiếng về chất lượng của sản phẩm nhanh chóng được quảng bá rộng rãi, làng nghề sầm uất, sôi động hơn bao giờ hết. Sản phẩm của làng nghề có giá bán cao hơn 30% so với bánh nhãn sản xuất ở nơi khác nhưng nhờ chất lượng riêng biệt, an toàn thực phẩm nên vẫn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Tại huyện Trực Ninh, riêng các xã miền hạ của huyện có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: 4 sản phẩm (thịt lợn, xúc xích, giò; nấm ăn) của xã Trực Thái; 13 sản phẩm (9 loại rau củ, gạo Nhật, gạo Hương cốm, nước mắm, trứng gà) của xã Trực Hùng; 2 sản phẩm (kẹo  lạc, nước mắm) thị trấn Ninh Cường. Nằm xa trung tâm huyện, lại cách huyện Nghĩa Hưng bởi dòng sông Ninh Cơ, khu vực các xã miền hạ trước đây chỉ thuần sản xuất nông nghiệp và làm nghề chế biến nông sản truyền thống. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao nhưng ít có cơ hội hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng cũng như quảng bá sản phẩm nên vẫn chỉ phục vụ tiêu dùng trong vùng. Đến nay, sau khi được hướng dẫn đầu tư hoàn thiện về mẫu mã, nhãn hiệu, được các cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng và tổ chức hỗ trợ quảng bá, sản phẩm đã nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến thông qua việc trao đổi, mua bán các sản phẩm OCOP. Sản phẩm thịt lợn sạch, xúc xích, giò lụa của trang trại Hiền Thục được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao bởi sử dụng nguồn nguyên liệu thịt lợn nuôi bằng phương pháp hữu cơ kết hợp thảo dược của trang trại. Tuy nhiên, trước đây sản phẩm mới chỉ tiêu thụ ở thị trường tự do. Ngay khi được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng và được đánh giá xếp hạng theo chuẩn OCOP, 3 sản phẩm của trang trại đã được chuỗi các cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn khu vực Nam Định, Hà Nam, Hà Nội và Ninh Bình ký hợp đồng với sản lượng mỗi năm 70-80 tấn. Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Văn Thục, chủ trang trại đã xây dựng cửa hàng bán nông sản sạch tại xã Trực Thái để bán nhiều sản phẩm OCOP của địa phương trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Thục cho biết: Chương trình OCOP thực sự là cơ hội tốt để quảng bá nông sản địa phương, tạo sức hút cho thị trường nông thôn phát triển. Ngoài lượng lớn sản phẩm thịt tươi sống và qua chế biến của trang trại, các sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh đã được người dân ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nông thôn là thành công bước đầu của chương trình OCOP. Tuy nhiên tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Để tiếp tục phát huy lợi thế của chương trình, đưa sản phẩm nông nghiệp thành mũi nhọn kinh tế của mỗi địa phương, thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ cho các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm cao hơn nữa. Đồng thời có phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chương trình OCOP trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn: baonamdinh.com.vn