Người chắp cánh sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP
Cập nhật lúc 14:31, ngày 15/01/2021 (GMT+7)
Việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Mô hình nuôi cá trắm đen đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình Anh Trần Văn Quyên, thôn Nội, xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc) là một mô hình điển hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Đ/c Nguyễn Hùng Mạnh, TUV, Chủ tịch HND tỉnh thăm mô hình nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình hội viên nông dân Việt Nam xuất sắc Trần Văn Quyên

Hiệu quả cao, lợi ích kép

Khởi nghiệp năm 2005, Anh Trần Văn Quyên đầu tư 50 triệu đồng, đào 8 ao thả cá, làm bờ kè, xây dựng khu chăn nuôi tập trung khép kín trên diện tích trang trại rộng 21.000 m2, ban đầu Anh nuôi cá trắm, chép, trôi, mè. Năm 2010, Anh nuôi thêm cá rô đồng, cá sộp, từ năm 2013 chuyển hẳn sang nuôi cá trắm đen do giống cá này có giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng. Thời gian đầu cả xã Mỹ Hà chỉ có gia đình anh và một số hộ nuôi cá trắm đen, giá bán ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, lâu nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu triển khai theo quy mô hộ gia đình, phương thức manh mún, chưa tạo ra sợi dây liên kết nên đầu ra sản phẩm bấp bênh khiến người nông dân thường phải chịu tình cảnh thua thiệt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích về kinh tế mà còn tác động khá lớn đến tâm lý của bà con.

Trước thực trạng đó, Anh luôn trăn trở, tìm hướng đi mới cho con cá trắm đen. Anh nhận thấy, để nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm do gia đình làm ra, trước nhất anh phải nuôi trồng cá đạt tiêu chuẩn chất lượng, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm. Với mong muốn đó, Anh đã đề cập ý tưởng của mình với các cấp Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc, Phòng Nông nghiệp giới thiệu, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, cùng sự tìm tòi học hỏi của bản thân, trang trại gia đình Anh được UBND tỉnh hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2019.

Để đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, Anh luôn quan tâm đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, giữ gìn vệ sinh môi trường. Anh đầu tư máy bơm, thường xuyên rắc vôi bột, tiêu trùng khử độc ao nuôi, lập sổ nhật ký ghi chép cẩn thận, tỷ mỉ quy trình chăn nuôi, lấy mẫu xét nghiệm; chủ động theo dõi đàn cá, kịp thời phát hiện dấu hiệu dịch bệnh để có biện pháp xử lý. Tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi, đọc thêm sách báo, mạng internet, tham khảo ý kiến từ chuyên gia khoa học, không ngừng trau dồi kiến thức mới, nhất là kiến thức về đặc tính sinh trưởng của con cá, về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, nguồn thức ăn, môi trường sinh thái, điều kiện sống... Đặc biệt, trang trại của Anh luôn tận dụng nguồn thức ăn sạch từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có thương hiệu, uy tín như cám gạo, cám công nghiệp, ngoài ra Anh còn thu mua con gion ngoài biển làm thức ăn cho cá trắm đen... Do đó, sản phẩm cá trắm đen của trang trại gia đình Anh đảm bảo rõ nguồn gốc xuất sứ, có quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín, chất lượng cao, khỏe mạnh, tươi ngon, không tồn dư thuốc kháng sinh, hóa chất độc hại. Sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sản lượng cá trong các ao nuôi của gia đình Anh khoảng 30 tấn/năm. Tổng lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí khoảng 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trang trại gia đình Anh còn giải quyết việc làm cho 04 lao động thường xuyên với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Lợi ích từ việc chăn nuôi theo quy trình VietGAP là không thể phủ nhận, vừa giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, ổn định giá cả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác hại đến sức khỏe con người, đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững. Khi chuyển đổi mô hình sản xuất của gia đình anh sang mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Anh được Hội Nông dân xã cử tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Chia sẻ với chúng tôi, Ông Trần Đức Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hà cho biết: “Nếu như trước đây, những khái niệm như: ghi chép nhật ký sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để cung ứng theo yêu cầu, sản xuất theo chuỗi liên kết… còn khá lạ lẫm, thì nay tất cả đều được bà con nông dân tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ.

Đáng mừng hơn cả là sự chuyển biến rõ nét về nhận thức khi tư duy mạnh ai nấy làm cơ bản đã bị loại bỏ. Tuân thủ khắt khe các bước nên nông sản làm ra sau quá trình phân tích đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; chi phí sản xuất tăng lên nhưng bù lại, năng suất, chất lượng nông sản nâng lên, giá bán ổn định. Sản phẩm cá trắm đen của trang trại anh Trần Văn Quyên đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng nên nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình… đặt trọn niềm tin”.

Mô hình cần nhân rộng

Mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình Anh Quyên đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Tổ hợp tác do Anh làm Tổ trưởng. Mô hình không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, khi vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đây chính là động lực khích lệ các thành viên trong Tổ hợp tác học tập và làm theo. Đến nay, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong của Anh có thêm 02 hộ được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ những kết quả của mô hình nuôi cá trắm đen theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mới đây, Anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Tuy nhiên, để mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng rộng rãi thì rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, các ngành, các cấp và sự nỗ lực, quyết tâm của bà con nông dân, mà tấm gương tiêu biểu như Anh Trần Văn Quyên, hội viên nông dân xã Mỹ Hà. Có như vậy, nền nông nghiệp nước ta mới từng bước vươn lên phát triển theo xu hướng nông nghiệp xanh, bền vững, hội nhập sâu rộng với nông nghiệp toàn cầu./.

                                                                              Trần Thế Hiển

                                                            Phó Chủ tịch HND huyện Mỹ Lộc