Nghĩa Hưng đạt chuẩn huyện Nông thôn mới (Kỳ I)
Cập nhật lúc 9:47, ngày 15/06/2018 (GMT+7)
Ngày 21/04/2018, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 đưa tin “4 huyện của tỉnh Nam Định đạt chuẩn huyện Nông thôn mới: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh”... Như vậy, cùng với Hải Hậu...

 Ngày 21/04/2018, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 đưa tin  4 huyện của tỉnh Nam Định đạt chuẩn huyện Nông thôn mới: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh”... Như vậy, cùng với Hải Hậu, huyện đã về đích trước, giờ đây tỉnh Nam Định đã có 5/10 huyện, thành phố trong tỉnh được Nhà nước công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới trong tổng số 50 huyện trên toàn quốc đã về đích. Tỉnh Nam Định vươn lên đứng đầu toàn quốc. Thật đáng mừng.

Với tôi, một người lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hạt lúa củ khoai quê nhà, dù đi đâu về đâu, lúc nào cũng nhớ về nơi chôn rau cắt rốn với cả cốt cách đường ăn nhẽ ở mà ông bà, cha mẹ, xóm giềng, làng nước dạy bảo cho từ tấm bé để nên người hôm nay. Với huyện Nghĩa Hưng, từ thị trấn Xuân Trường quê tôi, một nhánh thuộc chi họ Phạm đồng tộc về khai hoang lập ấp ở Đông Bình, Nghĩa Lợi, đến nay đã qua mấy thế hệ, con cháu đông vui. Vậy nên khi tham gia đoàn công tác do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đi thực tế ở Nam Định, tôi rất hào hứng khi được phân công về Nghĩa Hưng với các nhà văn Đào Thắng, Lê Hoài Nam, chuyến đi  thực hiện từ đầu năm 2014.


Ảnh minh họa

Về Nghĩa Hưng sau lễ Khai ấn đền Trần thành Nam, không khí người xe trẩy hội hãy còn rôm rả các ngả đường Phổ Minh, Bảo Lộc. Xe chúng tôi qua cầu Đò Quan rẽ tỉnh lộ 55 đã thấy ngọn gió đông cuộn mở những lá cờ tươi vun vút hai bên con đường trải nhựa phẳng lì loáng bóng. Đồng đất Nghĩa Hưng hai bên đường phẳng lặng thoáng sáng sau ngày đổ ải bừa tơi. Kênh mương nội đồng đã kiên cố hoá, đường trục ra đồng xe máy ai đó thăm đồng phả làn khói xanh nhẹ vào miền sương biển la đà. Có thể nhận ra những "cánh đồng mẫu lớn" khoan khoái trải ra dưới trời xuân quê biển thanh bình. Xe chạy êm ru. Một đám rước, một cuộc việt dã nào đây đang khởi sự ở huyện miền biển tây nam Nam Định này khiến người về vốn đã mang sẵn cảm tình càng thêm háo hức.

Thị trấn Liễu Đề đẹp lên từ bao giờ với nhà cao phố xá đông vui nhộn nhịp, với phục trang rất mốt của các bà, các chị tiểu thương. Con sông phố huyện trong suốt, bờ dài kè đá soi bóng hàng cây, cây cầu bắc ngang tươi rói cờ hoa. Đẹp tinh khôi những ngôi nhà tường hoa cửa gương ẩn hiện trong màn mưa xuân duyên dáng. Trụ sở Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện thật khang trang. Ở đây đang tiến hành một cuộc huy động trí tuệ tập trung của bộ máy lãnh đạo của Huyện chỉ đạo việc rà soát thẩm định các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại  9 xã, thị trấn: Nghĩa Sơn, Quỹ Nhất, Nghĩa Minh, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phong, Nghĩa Thái, Nghĩa Thịnh đang nối nhau giăng hàng về đích đợt đầu. Các ngành an ninh, bưu chính, văn hoá... của tỉnh, của huyện đang vào cuộc cho một đợt tổng duyệt lần áp chót các tiêu chí cuối trong 19 tiêu chí của tiến trình đổi mới ở làng quê sau những gian nan thử thách, những công đoạn chuẩn bị cho bước chuyển mình đi lên của nông thôn Nghĩa Hưng. Tại trụ sở Huyện, đồng chí Bùi Văn Khương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ cùng hai Phó ban Đồng Xuân Lực, Lê Diệu Phấn ân cần trò chuyện với chúng tôi - những "cựu binh" của tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh ngày nào. 

 Huyện Nghĩa Hưng, phía bắc giáp huyện Nam Trực, phía đông giáp các huyện Trực Ninh và Hải Hậu, phía tây giáp huyện Ý Yên và tỉnh Ninh Bình, phía nam giáp biển Đông. Nhìn lên bản đồ, Nghĩa Hưng hao hao dáng dấp của dải đất "hình tia chớp" Việt Nam, lại từa tựa dáng một nàng tiên múa trước biển Đông ào ạt sóng. Kiến tạo nên dải đất sa bồi màu mỡ dài 60 km theo trục bắc nam bởi có sự hội tụ của ba dòng sông lớn chuyển tải phù sa sông Hồng: sông Đào, sông Đáy phía tây; sông Ninh Cơ phía đông. Những ai yêu sự năng động của nước chắc sẽ mỉm cười khi thấy hai dòng sông lớn hẹn nhau về đây, ở chỗ "thắt đáy lưng ong" qua Quần Liêu danh xứ, nơi người đẹp và gạo ngon nổi tiếng cả nước, hai dòng lưu thuỷ chỉ còn cách nhau chưa đầy 1 km đủ để chào nhau một tiếng cho nguôi tấm lòng rồi xoè nan quạt phăng phăng về với biển Đông. Vậy nên mỗi năm, dải bãi bồi Nghĩa Hưng lặng lẽ tiến ra biển từ 50 đến 100 mét. Chỉ tính từ năm 1954 đến nay, người Nghĩa Hưng đã hơn mười lần quai đê mở đất, mỗi lần tăng diện tích hàng mấy trăm hec-ta. Bao nhiêu triệu ngày công, bao nhiêu triệu mét khối đất quai đê chắn sóng bạc đầu. Bao nhiêu trí lực của các bậc doanh điền thao lược từ thuở xưa: Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê... nơi "thiên vũ, lũ giáng, triều dâng"; bao nhiêu mồ hôi công sức của những người trần vai vác đất bắt sóng cả phải cúi đầu nhường bước; bao nhiêu hoạch định khoa học trong tầm nhìn chiến lược hôm nay để có được đồng đất Nghĩa Hưng tưới tiêu tự chảy, bờ bãi ngang bằng sổ ngay và những xóm làng nền nếp thuần hậu đang chỉnh trang nơi ăn chốn ở, thuận tiện đường đi lối về.

Bắt tay vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Hưng đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc, phân tích những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong chỉ đạo, thường xuyên cập nhật các chính sách mới, các văn bản sửa đổi có liên quan đến các tiêu chí, hướng dẫn tuyên truyền và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế trong từng thời điểm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các đồng chí trong ban Tuyên giáo Huyện  uỷ hồ hởi nhìn lại những ngày quí I-2011, toàn huyện đã chỉ đạo hoàn thành và phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất giai đoạn 2011-2020. Tháng 9-2011, Uỷ ban Nhân dân huyện đã phê duyệt xong quy hoạch xây dựng cho tất cả 25 xã, thị trấn. Chỉ trong 2 năm 2011- 2012, huyện Nghĩa Hưng đã hoàn thành dồn điền đổi thửa ở tất cả các địa bàn, được Ban chỉ đạo của tỉnh đánh giá là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ. Trong phát triển kinh tế - xã hội, toàn huyện tập trung vào 4 khâu đột phá: Xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ, cải cách hành chính công... Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hoá nông thôn đồng bằng sông Hồng. Đã bao giờ có một cuộc ra quân đồng bộ, đồng thuận cao như những năm vừa qua ở huyện ven biển này? Một ngày hội, một cuộc thay đổi từ nhận thức thấu đáo về lợi ích của mỗi gia đình hôm nay đến tầm nhìn xa của nông nghiệp nông thôn Việt Nam ngày mai, người dân tự nguyện, tin tưởng, hồ hởi nhập cuộc.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Đồng Xuân Lực đưa chúng tôi về Nghĩa Minh, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp ở miền thượng. Một xã cận kề sông Đào phía bắc, diện tích tự nhiên trên 500 ha, dân số  trên 5000 người. Nghĩa Minh có 9 xóm ở 2 thôn Đông Kỳ, Thắng Thượng, lao động nông nghiệp chiếm 74%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm 25,8%. Một xã có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn những khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỉ lệ 11,8%. Thế nhưng quyết tâm của Đảng, Chính quyền và nhân dân Nghĩa Minh đã được ghi nhận. Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Hưng về cùng dân họp bàn, động viên và khích lệ. Ban Chỉ đạo, ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã tiến hành rà soát thực trạng của địa phương, lập quy hoạch chi tiết, họp dân các xóm, lấy ý kiến mọi người tham gia đóng góp đến hoàn chỉnh. Lúc có công to việc lớn như thế này mới thấy lòng dân, ý dân là nhân tố hàng đầu của mọi sự thành công. Cả xã tự tin vào cuộc. Nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng hành lang quốc lộ 37B, nhân dân đóng góp vốn đối ứng 50% sòng phẳng, phân minh, không ai vắng thiếu lúc cả xã chung tay góp sức. Cán bộ tạm hoãn kỳ hạn lĩnh lương để góp tiền xây dựng nâng cấp trụ sở. Bà con anh em Nghĩa Minh ăn nên làm ra nơi xa cũng gửi về những ngân khoản công đức góp phần tôn tạo nghĩa trang, nơi thờ tự quê nhà. Ngày 9 xóm xây dựng xong 9 nhà văn hoá đạt chuẩn, 9 cuộc liên hoan mừng công đều cờ giong trống nổi, các tiết mục văn nghệ "chân quê" cùng nhau hớn hở trình làng. Chưa bao giờ trên đất quê  Đông Kỳ, Thắng Thượng lại có một cuộc đổi đời như mơ sau ba năm xây dựng nông thôn mới 2011-2013. Đồng đất sang xuân, hiện diện những cánh đồng ba vụ gieo trồng cho năng suất cao. Hàng trăm héc-ta đậu tương hoa vàng xen giữa hai mùa lúa thâm canh trĩu hạt với máy móc cày bừa gieo gặt đời mới. Tỉ lệ lao động được đào tạo cùng với số lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tăng nhanh, góp phần đưa mức thu nhập bình quân năm một người từ mức 10 triệu đồng năm 2010 lên 29,164 triệu năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 4%. Cơ sở y tế xã, hệ thống điện, đường, trường, trạm được nâng cấp. Hệ thống giao thông nội đồng, đường làng ngõ xóm trải bê tông sạch đẹp thật ưa nhìn. Hệ thống bưu điện thông suốt, mạng internet đã toả về các xóm.

         Tiếp chúng tôi tại trụ sở Đảng uỷ xã, Bí thư Vũ Văn Thuỵ, Chủ tịch Trịnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hoàng Quang Hưng vui vẻ thông báo, đến hôm nay Nghĩa Minh đã hoàn thành bản báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới, với 15 tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia, 4 tiêu chí đạt chuẩn của tỉnh đã qua thẩm định, có tờ trình chờ cấp trên phê duyệt xong là hoàn tất. Có thể Nghĩa Minh là một trong những xã về đích sớm của huyện. Những thành quả hai năm rõ mười  ở miền quê thuần hậu, bình yên đang khởi sắc, cái vựa lớn của ấm no hạnh phúc bên vành đê sông Đào ai mà chẳng thấy. Tuy nhiên, Nghĩa Minh cũng rút ra một nhân tố quyết định nữa đó là sự đoàn kết nhất trí cao của bộ máy lãnh đạo địa phương. Vượt qua những chia rẽ khoá trước để bắt đầu xây dựng nông thôn mới với một bộ máy mới lãnh đạo đồng tâm, hiệp lực, được dân tin cậy.

Bút ký của Phạm Trọng Thanh

Tác phẩm dự giải “Búa liềm vàng” lần thứ III- năm 2018