Một số kết quả nổi bật công tác Hội và phong trào nông dân năm 2019
Cập nhật lúc 8:32, ngày 06/01/2020 (GMT+7)
Năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định và sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; Hội Nông dân các cấp từ tỉnh tới cơ sở đã tập trung tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đạt được những kết quả nổi bật như sau:

 

Đ/c Nguyễn Hùng Mạnh - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2019

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân tiếp tục được đẩy mạnh. Tập trung tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) và 03 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Toàn tỉnh đã có gần 223.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân được quán triệt nghị quyết. Sau quán triệt, các cấp Hội đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.

2. Xây dựng và ban hành 01 Nghị quyết, 02 Kết luận, 02 Đề án của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa X để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

3. Công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Chú trọng công tác phát triển hội viên theo hướng mở rộng đối tượng kết nạp, đi đôi với rà soát nâng cao chất lượng hội viên và quản lý hội viên. Kết quả năm 2019, toàn tỉnh đã kếp nạp 3.131 hội viên, đạt 174% kế hoạch. Tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là 321.504  hội viên, đạt 77,4% so với hộ nông thôn.

4. Thực hiện chương trình giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đã tổ chức 145 cuộc giám sát. Tỉnh Hội lựa chọn và đăng ký với Thường trực Tỉnh ủy nội dung giám sát việc thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành Hội phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động hội viên nông dân giám sát việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết “Chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”; ký cam kết về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn (kết quả toàn tỉnh có 162.050 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).

Hội Nông dân tỉnh ban hành Đề án số 02-ĐA/HNDT, về “Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền gắn tăng cường, tiếp xúc đối thoại với nông dân”. Theo đó, các cấp Hội đã tăng cường công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân. Một số cơ sở và cấp huyện đã tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân.

5. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội tích cực hưởng ứng, tham gia. Đến nay có 212/212 cơ sở Hội đăng ký các việc làm cụ thể như: mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình “Vườn kiểu mẫu” … phát động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh” bằng các việc làm: vệ sinh đường làng, ngõ, xóm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; nạo vét khơi thông dòng chảy các kênh mương thủy lợi nội đồng… Chỉ đạo các cơ sở Hội rà soát, vận động cán bộ, hội viên nông dân mua BHYT, BHXH tự nguyện. Các cấp Hội vận động được trên 7.000 hội viên mua BHYT, 645 hội viên tham gia BHXH tự nguyện thông qua tổ chức Hội; Phối hợp tổ chức 45 hội nghị tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH cho trên 4.500 hội viên nông dân. Phối hợp với Tập đoàn Bệnh viện phòng khám đa khoa Việt Mỹ khám bệnh miễn phí cho 1.304 cán bộ Hội.

6. Các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, liên kết, hợp tác trong sản xuất; triển khai hỗ trợ vốn vay giúp nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Các cấp Hội thành lập mới 32 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác trong toàn tỉnh lên 93 tổ và 31 mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp. Tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ 9.531 tỷ đồng (tăng 640,4 tỷ đồng so với năm 2018) cho 60.458 hộ vay thông qua 2.489 tổ vay vốn; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.169 tỷ đồng cho 40.327 hộ vay thông qua 1.361 tổ TK&VV.

7. Các cấp Hội đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền bổ sung nguồn ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân; có 03 huyện (Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc) bổ sung nguồn ngân sách cho quỹ hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành như: Phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền, tư vấn triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (đến nay toàn tỉnh có 36 sản phẩm OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao; 19 sản phẩm đạt 3 sao); phối hợp với Sở Y tế tổ chức 08 lớp truyền thông về ATTP; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức 05 lớp truyền thông về ATGT; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng mô hình “Nông dân tự quản về an ninh trật tự và tham gia giữ gìn bình yên tuyến biển” và tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho 470 lượt cán bộ, hội viên; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn về sở hữu trí tuệ cho 250 đồng chí là tổ trưởng các tổ hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền về tình hình biển, đảo; đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo Việt Nam và xem triển lãm số 3D “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho hơn 250 cán bộ, hội viên, nông dân ở các xã tuyến biển... Thông qua đó đã phát huy vai trò của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân./.

Văn phòng