Kết quả các cấp Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể
Cập nhật lúc 8:38, ngày 26/02/2024 (GMT+7)
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, quan trọng trong thúc đẩy kinh tế nông thôn, giúp ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của cán bộ, hội viên nông dân.


Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch HND Việt Nam (ngoài cùng bên trái)
cùng các đồng chí Lãnh đạo HND tỉnh thăm mô hình HTX Phú Nghĩa, 
xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) về “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về trị trí, tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, nhấn mạnh tính tất yếu, khách quan của việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trong giai đoạn mới. Từ đó giúp cán bộ, hội viên hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã đối với nhu cầu liên kết sản xuất, hỗ trợ và giúp nhau trong phát triển kinh tế. Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về kinh tế tập thể sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi cho trên 1.200 người là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thành viên Chi, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp.

Để các mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, Hội thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình của các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được tiếp cận vốn từ các nguồn cho vay. Đến nay, nguồn “Quỹ hỗ trợ nông dân” các cấp trong tỉnh đã giải ngân được 35 tỷ 690 triệu đồng cho vay 326 dự án với 1.857 thành viên tham gia; tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp& PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định và Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh Bắc Nam Định là 12.440 tỷ đồng cho 38.401 hộ vay thông qua 1.697 tổ vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho vay với dư nợ là 1.620 tỷ đồng thông qua 1.114 tổ vay vốn. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho trên 60.000 lượt hội viên, nông dân; Hội Nông dân tỉnh tổ chức bình quân mỗi năm trên 10 lớp dạy nghề cho trên 400 lao động nông thôn; các huyện, thành Hội phối hợp tổ chức 40 lớp dạy nghề cho gần 1.200 hội viên.

Hội đã triển khai xây dựng mô hình điểm trong liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển Tổ hợp tác, Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 204 mô hình kinh tế tập thể với 2.833 thành viên tham gia, đạt 100% chỉ tiêu mỗi cơ sở có một mô hình. Hội Nông dân các cấp đã tập trung xây dựng chuỗi liên kết, giúp gắn kết nông dân với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, góp phần hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Có thể khẳng định, việc cán bộ, hội viên nông dân tăng cường liên kết trong sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên quá trình triển khai mô hình kinh tế tập thể do Hội thành lập còn bộ lộ một số tồn tại như: Một số bộ phận không nhỏ hội viên nông dân chưa hiểu rõ về ý nghĩa, vai trò của kinh tế tập thể; một vài mô hình thành lập mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả. Một số đơn vị, mặc dù hội viên đã tham gia liên kết nhưng chủ yếu hoạt động sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ hộ gia đình, sản phẩm đầu ra của nông nghiệp còn bấp bênh, tính liên kết, hợp tác giữa các thành viên chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xác định: Phát triển mô hình kinh tế tập thể gắn với mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới. Trong đó, Hội Nông dân các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Một là, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế tập thể là nội dung, giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Thông qua công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

- Hai là, chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; gắn xây dựng, củng cố thành lập hợp tác xã với xây dựng, củng cố tổ chức Hội trong sạch vững mạnh;

- Ba là, các cấp Hội trực tiếp tổ chức và phối hợp trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, trình độ sản xuất, kinh doanh, tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cho đội ngũ cán bộ, hội viên, đặc biệt là thành viên, cán bộ hợp tác xã, cán bộ Hội cơ sở để thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản trị, thu hoạch, chế biến nông sản, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại,… để tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể;

- Bốn là, Hội Nông dân các cấp chủ động xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động các nguồn vốn giúp nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất. Hỗ trợ giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác về trình tự thủ tục để tiếp cận các nguồn vốn theo quy định. Ưu tiên nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác do tổ chức Hội hướng dẫn, vận động và xây dựng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ nông dân là thành viên hợp tác xã vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả thông qua các tổ vay vốn do Hội Nông dân thành lập. - Năm là, tăng cường công tác tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể./.

Tô Xuân Hiệp

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh