Hội Nông dân tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay
Cập nhật lúc 8:14, ngày 22/01/2020 (GMT+7)
Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng".

 

Quang cảnh hội thảo

Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dải đất Việt Nam thân yêu đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, sương máu của lớp lớp nông dân trong cuộc đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm nuôi sống cả dân tộc, đồng thời đấu tranh anh dũng với giặc ngoại xâm và chế độ phong kiến để bảo vệ nền độc lập, tự do và ngày nay là công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam Xã hội Chủ nghĩa.

Từ ngày có Đảng lãnh đạo, truyền thống quy báu và sức mạnh vốn có của giai cấp nông dân được nhân lên gấp bội... Bác đã từng nói: " Ở Việt Nam, trong điều kiện của một nước nông nghiệp lạc hậu, vấn đề dân tộc, thực chất là vấn đề nông dân, giải phóng dân tộc thực chất là giải phóng nông dân, cách mạng giải phóng dân tộc thực chất là cuộc cách mạng của nông dân do giai cấp nông dân lãnh đạo".

Ngày 11-4-1946, trong thư gửi cho điền chủ và nông gia, Người đã viết: “Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Thực tiễn phát triển của thế giới đã chứng minh, sẽ không có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp và khu vực nông thôn nghèo nàn, lạc hậu; cư dân nông thôn có đời sống vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần thấp kém. Đối với Việt Nam, trong lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi vì, nông dân ta nước ta chiếm đại bộ phận dân số, có truyền thống yêu nước và cách mạng rất vẻ vang.

Hội Nông dân Việt Nam ngày nay, mà tiền thân là Nông Hội đỏ, được thành lập ngày 14/10/1930, là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo, với chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết rộng rãi nông dân vào tổ chức Hội, vận động, giáo dục hội viên nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập, nâng cao trình độ năng lực về mọi mặt; đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, động viên hội viên nông dân hăng hái thực hiện các nhiệm vụ cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tổ chức Hội Nông dân tỉnh nhà đã được xây dựng rộng khắp tại 3.170 thôn, xóm, tổ dân phố; 212/229 cơ sở xã, phường, thị trấn; 10/10 huyện, thành phố với 321.021 hội viên tham gia. Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được nâng lên, chuẩn hóa theo quy định của Tỉnh về công tác cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Để tập hợp thu hút đông đảo hội viên tham gia, Hội đã phát động phong trào thi đua trong hội viên để khơi dậy, phát huy tiềm năng trong nông thôn và sức mạnh của người nông dân. Trong đó, thấm nhuần lời dạy của Bác về xóa đói giảm nghèo, theo Người là “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm” ngày nay tổ chức Hội đã đang phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Đây được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt, thông qua việc khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các chương trình, đề án phát triển kinh tế ở địa phương. Nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ở nông thôn. Vì vậy, các hộ nông dân đã tích cực đổi mới cơ cấu giống, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, phát triển sản xuất ngành nghề. Tham gia xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Phong trào đã giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình; biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quen dần với hạch toán sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 93 tổ hợp tác, hợp tác xã; vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu uy tín trên thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 20 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo giữa Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy - Công ty Minh Dương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp nuôi trên diện tích 200ha ở huyện Nghĩa Hưng…

Đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành phong trào vững chắc, thực sự là điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội, là nhân tố điển hình góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và NTM kiểu mẫu. Số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Qua đó góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao mức sống cho nông dân.

Để có nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT với số dư nợ là 9.531 tỷ đồng, thông qua 2.489 tổ vay vốn cho 60.458 hộ hội viên nông dân vay; Nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.168 tỷ đồng cho 40.327 hộ hội viên nông dân vay thông qua 1.361 tổ TK&VV. Bên cạnh đó, Hội đang quản lý nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 25,3 tỷ đồng cho cho 1.041 hộ vay theo các dự án là tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp vay để xây dựng các mô hình; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp: Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm thao, Công ty phân bón Tiến Nông, Công ty phân lân Ninh Bình... Hàng năm, cung ứng trên 10.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân

Trong những năm tiếp theo, tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục xác định “Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, xuất phát từ quan điểm là công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và trí thức hóa nông dân. Tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh;

- Về Tổ chức, bộ máy của Hội Nông dân các cấp: phải đảm bảo tinh gọn, chú trọng tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Đặc biệt là tổ chức cơ sở Hội phải được xây dựng theo hướng thiết thực, hiệu quả, là môi trường tập hợp, gắn kết nông dân.

- Về cán bộ Hội: đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ; có tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp công tác vận động, tập hợp và tổ chức nông dân.

- Về hội viên nông dân: đạt các tiêu chí người nông dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế với chủ trương Trí thức hóa nông dân. Trước mắt là xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng lực lượng hội viên nông dân có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp; phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên; nâng cao sức khỏe, trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kỹ năng tham gia thị trường, tự chủ và chủ động trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của hội viên nông dân; phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, quyết tâm vươn lên làm giàu cho cho gia đình, quê hương, đất nước.

Để cụ thể hóa, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ về  nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

2. Đổi mới nội dung phương thức hoạt động ở các cấp Hội, chú trọng về nội dung sinh hoạt chi, tổ Hội gắn định hướng của Hội cấp trên theo từng quý với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, cơ sở để thu hút hội viên tham gia sinh hoạt. Tạo diễn đàn để hội viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Tiếp tục nâng cao chất lượng hội viên và mở rộng đối tượng kết nạp hội viên mới gắn với rà soát, đánh giá phân loại chất lượng hội viên, kiên quyết đưa ra khỏi hội những hội viên danh nghĩa. Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên nông dân song song với đề cao trách nhiệm của hội viên khi tham gia tổ chức Hội.

Tiếp tục củng cố, xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh thực sự là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua của nông dân ở mỗi vùng nông thôn. Tính cực tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh. Tham gia xây dựng các quy ư­ớc, h­ương ­ước của thôn xóm; xây dựng gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, phấn đấu hàng năm có trên 85% số hộ đạt gia đình nông dân văn hoá.

3. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mỗi cơ sở Hội đảm nhận việc làm cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình OCOP, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

4. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp. Tích cực tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền hàng năm bổ sung ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân. Chủ động phối hợp với các ngân hàng thực hiện tốt chương trình phối hợp, thỏa thuận đã ký giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh.

5. Vận động, hướng dẫn nông dân tích cực liên kết, hợp tác hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hình thức kinh tế tập thể khác trong nông nghiệp; làm đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân để có điều kiện xây dựng th­ương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Chú trọng xây dựng các mô hình ở cơ sở nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, đồng thời nâng cao vị thế của Hội. Vận động nông dân tích cực tham gia nâng cấp kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao ở nông thôn./.

ThS Đặng Ngọc Hà

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh